Tình huống thương hiệu
Comeco giữa ván cờ thâu tóm
Cuối năm 2011, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đã đua nhau mua cổ phiếu Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu Comeco (COM). Nhưng đến nay, vẫn chưa có bên nào đạt được tỉ lệ chi phối.Trong bối cảnh lợi nhuận ròng của COM liên tục sụt giảm, nhiều nhà đầu tư đã đặt dấu hỏi liệu có chuyện 2 cổ đông lớn này đấu đá lẫn nhau làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Và một dấu hỏi lớn khác là ai đang nắm quyền tại COM.
Lợi nhuận giảm: Lỗi tại ai?
Tỉ lệ sở hữu của PV Oil tại COM tính đến ngày 1.6 là 31,4% so với mức hơn 30% vào cuối năm ngoái, trong khi sở hữu của Saigon Petro tăng lên không đáng kể, mới chỉ 26,6%. Như vậy, xét theo tỉ lệ sở hữu, đến nay PV Oil vẫn có sức chi phối lớn nhất.
Theo một thành viên ban kiểm soát cũ tại COM (không muốn nêu tên), PV Oil đã muốn nhảy vào Hội đồng Quản trị của COM từ cuối năm ngoái, nhưng do chưa hết nhiệm kỳ nên đành phải đợi. Tại Đại hội cổ đông cuối tháng 4 vừa qua, PV Oil đã đưa được 2 người vào Hội đồng Quản trị; Saigon Petro cũng chen chân được 2 người. Kết quả, cùng với bà Trương Bích Hạnh vẫn được bầu làm Chủ tịch, Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2012 – 2016 có tổng cộng 5 người.
Việc 2 cổ đông lớn bước vào COM cũng như vào Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ rằng có liên quan đến chuyện COM gần đây bị giảm lợi nhuận. Trong năm 2010 và 2011, dù doanh thu của Công ty tăng lần lượt hơn 27% và 30%, nhưng lợi nhuận ròng lại giảm hơn 41% và 11%.
Về vấn đề này, trong báo cáo thường niên 2011, COM giải thích đó là do giá xăng dầu trong nước không điều chỉnh theo kịp tốc độ tăng giá thế giới. Đặc biệt, chiết khấu hoa hồng giảm mạnh, có những tháng chỉ khoảng 100 đồng/lít, dẫn đến thu không đủ bù chi.
Một nguyên nhân khác, theo COM, là trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Tính đến cuối năm 2011, đơn vị này đã phải trích lập gần 7 tỉ đồng cho 6/8 cổ phiếu niêm yết. Trước đó, Công ty đã trích lập tổng cộng gần 8 tỉ đồng trong năm 2010 cho khoản đầu tư nói trên. Ngoài ra, lợi nhuận giảm còn do chi phí tăng cao liên quan đến việc nâng cấp, sửa chữa các chi nhánh và đầu tư cho tổng kho xăng dầu tại Nhơn Trạch, Đồng Nai (hơn 20.000 m2).
Như vậy, hoài nghi về việc cổ đông lớn đấu đá làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh là ít có cơ sở. Hơn nữa, theo Giám đốc Đầu tư của một quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam (không muốn nêu tên), điều này khó có khả năng vì Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới cũng chỉ mới được bầu vào tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, ông e ngại một khi 2 cổ đông này đã vào được Hội đồng Quản trị, việc cạnh tranh nhau để gia tăng ảnh hưởng tại COM trong thời gian tới khó có thể tránh khỏi.
Lợi thế đang nghiêng về PV Oil
Mặc dù lợi nhuận COM trong 2 năm qua có xu hướng giảm, nhưng công ty này vẫn là miếng mồi ngon đối với PV Oil và Saigon Petro.
COM đang sở hữu quỹ đất hơn 250.000 m2, phần lớn nằm ở vị trí đắc địa. Trong đó, đáng chú ý nhất là tổng kho xăng dầu đang được xây dựng tại tỉnh Đồng Nai và tòa nhà Comeco trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM. Đặc biệt, doanh nghiệp này sở hữu hệ thống phân phối bán lẻ rộng khắp TP.HCM với 33 cây xăng.
Theo Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Giám đốc Công ty Tư vấn TNK Capital Partners, 2 cổ đông lớn đang muốn nhắm đến mảng bán lẻ mà COM đang có vị thế nhất nhì tại TP.HCM. Cụ thể, cả nước hiện nay có 12 công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Lớn nhất là Petrolimex với 55% thị phần. Sau đó là PV Oil với khoảng 20%, Công ty Cổ phần Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư Petec và Saigon Petro mỗi đơn vị chiếm khoảng 5%. Trong khi đó, báo cáo về thị phần bán lẻ của COM cho thấy Công ty chỉ đứng sau Petrolimex.
Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang độc quyền nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu nội địa, nhưng muộn nhất đến cuối năm 2018, sự độc quyền này sẽ kết thúc. Lúc ấy, nhà bán lẻ có thể đàm phán trực tiếp với các nhà phân phối về giá bán. Ai đưa ra mức giá cạnh tranh hơn thì đơn vị đó sẽ nắm thị trường và hệ thống phân phối.
Những điều này có lẽ là lý do vì sao PV Oil tiếp tục đăng ký mua thêm cổ phiếu COM. Trên thực tế, PV Oil cũng đang có nhiều lợi thế hơn Saigon Petro.
PV Oil vừa đăng ký mua thêm 494.039 cổ phiếu COM để nâng tỉ sở hữu lên 34,9% từ ngày 11.6-11.7. Rõ ràng, không phải vô cớ khi Công ty đặt mua số lượng cổ phiếu chi tiết đến từng con số lẻ mà đã có sự tính toán kỹ lưỡng. Chưa biết PV Oil sẽ nhắm đến những cổ đông nào trong lần mua này. Nhưng Petec có lẽ là đối tượng mà Công ty nghĩ đến đầu tiên. Petec đang nắm khoảng 3,4% cổ phần COM, tương đương hơn 476.000 cổ phiếu.
Bên cạnh đó, theo vị Giám đốc Đầu tư nói trên, có thể sắp tới Petec sẽ được sáp nhập vào PV Oil. Khi đó, tổng số cổ phần chi phối của Công ty tại COM sẽ là 38,3%, nếu tính cả số cổ phiếu sắp mua. Tỉ lệ này của PV Oil chênh lệch hơn 10% so với tỉ lệ nắm giữ của Saigon Petro. Ngay cả trong trường hợp khả năng sáp nhập không xảy ra thì PV Oil vẫn có thể dễ dàng thỏa thuận mua lại từ Petec với lợi thế cùng là công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Mặc dù vậy, do chưa đạt được tỉ lệ có thể quyết định chiến lược là 51% nên thế trận giằng co sẽ còn diễn ra. Nhất là khi Saigon Petro đã sở hữu trên 25%, tỉ lệ đủ để cổ đông này có quyền phủ quyết một số quyết định của Công ty. Hơn nữa, tiếng nói của PV Oil và Saigon Petro trong Hội đồng Quản trị COM đều có sức nặng ngang nhau vì mỗi bên đều có 2 người trong Hội đồng Quản trị (trong Hội đồng Quản trị, biểu quyết thông qua số người, không tính trên số cổ phần sở hữu).
Với vị thế cao hơn, chắc chắn PV Oil sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại COM. Mỗi năm Hội đồng Quản trị phải bầu lại 1/3 số thành viên và Công ty có thể đưa thêm người vào bằng cách này. Trước mắt, với tư cách là cổ đông lớn, PV Oil vẫn có thể tiến hành ký các hợp đồng kinh doanh với COM theo hướng có lợi cho mình. “Các hợp đồng có giá trị lớn cần phải thông qua Hội đồng Quản trị, nhưng việc này có thể lách được bằng cách chia nhỏ thành nhiều hợp đồng”, vị Giám đốc Đầu tư nói trên cho biết.
Về lâu dài, khả năng Saigon Petro gia tăng sở hữu ngang hoặc cao hơn PV Oil không nhiều. Do đó, giả thuyết một ngày nào đó Saigon Petro đành chịu thua cuộc và bán hết cổ phần nắm giữ không phải là không thể xảy ra, nếu xét về góc độ lợi ích. Khi đó, COM sẽ thuộc về tay PV Oil với tỉ lệ chi phối hơn 63% (NCĐT đã liên hệ với Chủ tịch Hội đồng Quản trị COM, bà Trương Bích Hạnh xung quanh vấn đề này nhưng không nhận được câu trả lời).
Lúc này, một lo ngại khác cũng xuất hiện. Đó là quá trình cổ phần hóa và minh bạch thông tin bị giật lùi: COM từ một doanh nghiệp nhà nước tiến đến cổ phần, rồi sau đó lại thuộc sở hữu của một công ty nhà nước. Khi đó, lợi ích của các cổ đông nhỏ và ngay cả COM, liệu có được bảo đảm? Bởi lẽ, thị trường từng diễn ra điều tương tự khiến nhà đầu tư nghi ngờ về tính lợi ích nhóm của các cổ đông lớn.
Công ty Nước giải khát Sài Gòn (TRI) vốn dĩ là một doanh nghiệp làm ăn tốt và có thương hiệu. Nhưng kể từ khi Kinh Đô bước vào với vai trò cổ đông chiến lược thì lợi nhuận của TRI liên tục âm, đến nỗi phải hủy niêm yết. Hay chuyện Bibica (BBC) phải mua sản phẩm của đối tác chiến lược Lotte (Hàn Quốc) bằng giá bán và tập trung quảng bá chủ yếu cho sản phẩm của đối tác này, khiến lợi nhuận Công ty sụt giảm qua các năm.
Những hoài nghi này được giải đáp thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào những động thái của PV Oil trong thời gian tới.
Theo NCĐT