Tình huống thương hiệu
Cơm kẹp khởi đấu hamburger
Thích lối sống Phương Tây nhưng yêu văn hóa ẩm thực Việt là nền tảng để Nguyễn Thành Dương, sáng lập viên, Giám đốc Điều hành VietMac, biến giấc mơ thành hiện thực.Ép cơm thành… bánh
Một chiều tháng 2/2012, Nguyễn Thành Dương bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Đức. Sau năm phút tiếp chuyện người ở đầu dây bên kia, anh cúp máy, mỉm cười hài lòng vì món cơm kẹp của mình đã được kiều bào ở Đức biết đến.
Hai ngày sau, nụ cười của anh biến thành cái há hốc miệng vì ngạc nhiên: người Việt kiều gọi điện cho anh đã có mặt ở Việt Nam với đầy đủ giấy tờ để có thể tiến hành việc nhượng quyền thương hiệu. Với kinh nghiệm hơn 10 năm kinh doanh hamburger ở xứ người, đối tác của VietMac không ngại chia sẻ chiến lược và tư vấn ngược lại cho Ban lãnh đạo trẻ của VietMac về việc phát triển sản phẩm ngày một rộng hơn. Vậy là, từ tháng 7/2012, cơm kẹp VietMac sẽ ra khỏi biên giới Việt Nam, “tấn công” vào địa phận lâu đời của những chiếc hamburger phương Tây. “Bắt tay vào khảo sát thị trường, tôi thấy tiềm năng của sản phẩm rất lớn nhưng không nghĩ việc “xuất khẩu” sản phẩm và thương hiệu VietMac lại diễn ra nhanh đến vậy”, Dương chia sẻ. Được đào tạo bài bản trong ngành công nghệ nhưng lĩnh vực Dương nổi tiếng lại là marketing. Tiếp xúc với mô hình bán hàng trực tiếp của mỹ phẩm Oriflame từ những ngày còn là sinh viên, Nguyễn Thành Dương nhanh chóng trở thành Giám đốc Bán hàng khu vực của thương hiệu này và sau đó giữ một vị trí chủ chốt ở một quỹ đầu tư của Nga có chi nhánh hoạt động tại Hà Nội.
Hơn 6 năm say sưa với công việc mang lại thu nhập không đến nỗi tệ, Dương chỉ giật mình khi nhận được câu hỏi của một đàn anh: “Chú mày định nghĩa lao động để kiếm tiền hay để gây dựng một cái gì đó cho con cháu sau này?”. Với Dương, câu hỏi này không khó trả lời, nhưng “Lúc đó, cái khó nhất với tôi là phải tự trả lời câu hỏi: Không làm thuê thì sẽ làm gì?”, anh tiết lộ.
Thương trường lắm thử thách, chi bằng dấn thân vào đó bằng niềm đam me món ăn truyền thống của dân tộc mình. Nhủ lòng như thế nên Dương quyết tâm tìm ra món ăn vặt nào mới lạ để có thể thu hút khách hàng.
Chứng kiến sự ngược ngạo của thị trường Việt Nam: hamburger – thứ thức ăn nhanh chỉ dùng khi chẳng đặng đừng của nước ngoài lại được giới trẻ Việt ưa thích còn hơn cả cơm nhà, Dương được người đàn anh tâm đầu ý hợp kia gợi ý về nên món cơm nắm cao cấp, có hình thức giống hamburger.
“Cái khuôn đầu tiên chúng tôi nhận cơm vào để cho ra hình bánh là chiếc gạt tàn thuốc và thứ nhân đầu tiên của cơm kẹp chính là thịt kho tàu”, Dương nhớ lại. Thử đi thử lại cả trăm lần, những thành viên sáng lập VietMac mới tìm được “bí quyết” pha trộn các loại gạo để cho ra bánh cơm dẻo, có độ kết dính tốt, cũng như cách thức để ép cơm thành bánh.
Anh cho biết, để ép ra một chiếc bánh cơm mịn màng, cần một lực tới… hơn một tấn! Nếu lực ép không đủ, bánh cơm rất dễ bị bở khi ăn; ngược lại, nếu lực ép quá lớn, hạt cơm sẽ bị vỡ và mất đi độ dai tự nhiên. Để tìm ra một lực ép lý tưởng, các chuyên gia kỹ thuật của VietMac đã ép thử tới hơn 200 lần trong 3 tháng thử nghiệm.
Ngành hàng chứ không chỉ là sản phẩm
Tháng 7/2011, VietMac ra mắt cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội và chính thức đi vào hoạt động. Đáp ứng được nhu cầu của người dùng thích lối sống Tây nhưng vẫn yêu ẩm thực truyền thống, chưa đầy một năm sau, số cửa hàng của VietMac đã lên đến 7 cửa hàng và thêm 1 cửa hàng VietMac “Nam tiến” tại quận Phú Nhuận, TP.HCM.
“Mục tiêu năm 2012 của chúng tôi là phát triển lên đến 10 cửa hàng và 5 năm tới sẽ có tròn 100 chi nhánh”, Dương tiết lộ. Để thỏa mãn ý thích của vị giám đốc điều hành trẻ, mỗi cửa hàng VietMac nay sẽõ có thêm “góc ăn vặt” bán những thức quà vặt đặc trưng của Việt Nam để khách hàng có thể mua mang về. Sắp tới, VietMac còn triển khai cả cơm tấm kẹp phục vụ điểm tâm sáng dù công nghệ ép cơm tấm khó gấp nhiều lần so với ép cơm gạo dẻo.
Bỏ công khảo sát, tìm hiểu thị trường, Nguyễn Thành Dương nhận ra sản phẩm thức ăn tiện lợi là một thị trường cực kỳ tiềm năng của Việt Nam, với 869 tỷ đồng doanh thu và hơn 19.700.000 lượt giao dịch hằng năm. Dương chia sẻ: “Với một thị trường như thế, VietMac muốn cơm kẹp sẽ trở thành một ngành hàng chứ không đơn thuần là một sản phẩm trong thế giới thức ăn nhanh”.
Giải thích cho mục đích này, Nguyễn Thành Dương cho biết, từ cơm kẹp ban đầu, VietMac đã xác định kế hoạch phát triển những tầng sản phẩm thức ăn nhanh khác. Khi thương hiệu VietMac đã được nhận diện rõ nét cũng là lúc Dương sẽ triển khai các tầng sản phẩm phụ này.
“Bây giờ thị trường cơm kẹp vẫn còn là đại dương xanh, nhưng nó sẽ hóa đỏ trong thời gian rất sớm”, Dương nhận định. Vì điều này mà anh đang chấp nhận “biệt phái” tại TP.HCM, nỗ lực tìm kiếm đối tác để nhượng quyền thương hiệu cũng như phát triển chuỗi cửa hàng VietMac.
“May mắn khởi đầu là nhiều doanh nhân có tên tuổi đã trở thành đối tác nhượng quyền của VietMac, trong đó có cả anh Mã Thành Danh, Chủ tịch Savina, người từng là Chủ tịch HĐQT của Kinh Đô Bakery.
Theo DNSG