Connect with us

Cơ hội cuối cùng cho ngành công nghiệp ôtô?

Tin trong nước

Cơ hội cuối cùng cho ngành công nghiệp ôtô?

Trung tâm cơ khí ôtô quốc gia được coi là một trong hai điểm “cốt yếu” của dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong giai đoạn tới. Thế nhưng, vẫn còn nhiều câu hỏi không dễ trả lời xung quanh vấn đề này.

Sau thất bại của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô giai đoạn 2001-2010, Bộ Công Thương lại đang dự thảo một bản chiến lược mới cho giai đoạn 2010-2020. Đây được xem là giai đoạn nhiều khó khăn đối với Việt Nam khi mà cam kết hội nhập giảm thuế đang cận kề (theo cam kết AFTA, đến năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô trong khu vực sẽ giảm xuống còn 0%). Không nhiều doanh nghiệp còn mặn mà với việc đầu tư sản xuất lắp ráp ôtô…

Cơ hội cuối cùng?

Phát biểu tại cuộc hội thảo bàn về Dự thảo trên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Văn Liêm cho rằng, đây là giai đoạn hết sức quan trọng, quyết định “số phận” ngành công nghiệp ôtô, tận dụng cơ hội cuối cùng của thời gian ngắn ngủi còn lại trước khi nước ta hội nhập hoàn toàn với thị trường khu vực vào năm 2018.

Còn ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) thì cho rằng, nếu muốn phát triển công nghiệp ôtô thì Việt Nam cần phải có từ 1 đến 2 trung tâm cơ khí ôtô lớn với các dự án lớn, được đầu tư từ 1 đến 2 tỷ USD. Trung tâm đó phải có quy mô lớn với công suất từ 200.000 xe/năm trở lên và phải thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất linh kiện để không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.

 

Người tiên phong

Tỉnh Quảng Nam đang xin Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm cơ khí và ôtô quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Dự án này lập tức thu hút sự chú ý của dư luận. Thứ nhất là bởi một tỉnh miền Trung còn nhiều khó khăn lại mạnh dạn đầu tư xây dựng một trung tâm lớn như vậy. Ngoài ra, dù muốn hay không, đề xuất này có liên quan đến Trường Hải, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô trong nước lớn nhất hiện nay. Không phải hoàn toàn không có cơ sở khi dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu Trường Hải có được hưởng “siêu” ưu đãi?

Không phủ nhận điều này, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Trường Hải Trần Bá Dương thẳng thắn cho biết, việc xây dựng trung tâm tại Chu Lai sẽ có nhiều thuận lợi cho Trường Hải – vốn là doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô. Song ngược lại, trung tâm này cũng sẽ tận dụng được những lợi thế, trang thiết bị máy móc, cảng biển hạ tầng… mà Trường Hải đã đầu tư trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Dương khẳng định, đề xuất xây dựng Trung tâm là sáng kiến của UBND tỉnh Quảng Nam. Tỉnh đang cần một ngành công nghiệp mũi nhọn. Quảng Ngãi có công nghiệp lọc hóa dầu; Hà Tĩnh có công nghiệp thép, điện… Vậy mũi nhọn của Quảng Nam là gì?

Lợi thế có sẵn của Chu Lai chính là Trường Hải, một doanh nghiệp nhiều năm miệt mài bỏ ra rất nhiều công sức vốn liếng đầu tư sản xuất lắp ráp ôtô. Trường Hải hiện đã có một cơ ngơi bề thế với hệ thống các dây chuyền, nhà máy sản xuất phụ tùng, lắp ráp xe tải, xe du lịch, xe bus tại Chu Lai mà theo ông Dương là không một doanh nghiệp ôtô nội nào khác có được.

Quan trọng hơn, tỉnh Quảng Nam còn “có trong tay” 2 đối tác lớn để tự tin xây dựng Trung tâm. Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tiết lộ, đó là Tập đoàn KIA và Hyundai (đều của Hàn Quốc).

Tập đoàn KIA đã đồng ý nối lại đàm phán với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai về dự án đầu tư và sản xuất lắp ráp ôtô với quy mô giai đoạn 1 là 100.000 xe/năm, bắt đầu thực hiện vào năm 2015. 70% sản phẩm sẽ được xuất khẩu và 30% tiêu thụ trong nội địa. Tỷ lệ nội địa hóa đạt 47% vào năm đầu tiên hoạt động và đạt 60% vào năm đạt công suất tối đa.

Hyundai cũng đã ký thỏa thuận với Công ty cổ phần ôtô Trường Hải độc quyền phân phối sản phẩm xe Hyundai tại Việt Nam và đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai một nhà máy sản xuất động cơ tại Việt Nam quy mô 10.000 động cơ/năm để tiêu thụ trong nước (giai đoạn 1) và 50.000 động cơ/năm để tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc (giai đoạn 2).

Mặc dù vậy, vị trí của Trung tâm quá xa hai cực phát triển của đất nước là Hà Nội và TP.HCM không khỏi khiến cho các doanh nghiệp băn khoăn. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) Bùi Ngọc Huyên cho rằng, lựa chọn Khu kinh tế mở Chu Lai để xây dựng Trung tâm công nghiệp cơ khí và ôtô quốc gia là không phù hợp. Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng cho rằng, các doanh nghiệp của VAMA sẽ khó đầu tư vào Trung tâm ôtô ở Chu Lai khi mà các nhà máy của họ đều ở Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên ông Trần Bá Dương lại tự tin cho rằng, Trường Hải đã thành công ở Chu Lai, không cớ gì các doanh nghiệp khác lại không làm được. Nhất là trong bối cảnh Chu Lai đã có Trường Hải làm “hạt nhân”, đã đầu tư khá cơ bản hạ tầng cảng biển, dịch vụ logistic… thuận lợi cho việc vận chuyển sản phẩm.

 

Rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Vấn đề mà các nhà đầu tư tiềm năng còn đang “nghe ngóng” là trung tâm này sẽ được ưu đãi những gì để có thể phát triển trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Theo ông Ngô Văn Trụ, không doanh nghiệp nào lại đi đầu tư máy dập, máy CNC, máy hàn công nghệ cao chỉ để làm vài nghìn xe/năm mà chẳng được ưu đãi gì cả!

Trình lên Thủ tướng, tỉnh Quảng Nam đề xuất nhiều chính sách ưu đãi như: thời gian thực hiện dự án và sử dụng đất là 70 năm; không thu tiền thuê đất (đã có hạ tầng) trong suốt thời gian thực hiện dự án; ngân sách hỗ trợ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, san lấp mặt bằng và đầu tư hạ tầng đến hàng rào dự án. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ cho áp dụng ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành đối với các loại thuế liên quan.  Đặc biệt tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng cho áp dụng quy chế doanh nghiệp chế xuất đối với dự án sản xuất động cơ của Tập đoàn Hyundai và dự án sản xuất lắp ráp ôtô của Tập đoàn KIA (KIA cam kết xuất khẩu tối thiểu 70% sản phẩm)…

Về các đề xuất của địa phương này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của pháp luật, các dự án đầu tư vào trung tâm này sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (mức thuế suất 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50%  trong 9 năm tiếp theo); thuế thu nhập cá nhân (giảm 50%); ưu đãi tiền thuê đất (11 năm kể từ khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động)…

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tài chính, việc Quảng Nam đề nghị cho áp dụng quy chế doanh nghiệp chế xuất trong trường hợp Tập đoàn KIA cam kết xuất khẩu tối thiểu 70% sản phẩm và dự án sản xuất động cơ quy mô 10.000 sản phẩm của Tập đoàn Hyundai là chưa phù hợp. Theo quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP thì “doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp xuất khẩu toàn bộ sản phẩm hoạt động trong khu chế xuất, khu kinh tế”.

Bộ Tài chính cũng không thống nhất với các đề xuất như ngân sách hỗ trợ thuế tiêu thụ đặc biệt cho 50% sản phẩm tiêu thụ trong nước (tương đương 30% tổng số sản phẩm sản xuất ra); giảm thuế 5 năm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt thu được từ dự án…

Đồng thời, theo quy định tại Nghị định 87/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu thì dự án Trung tâm cơ khí đa dụng và ôtô quốc gia không thuộc đối tượng được miễn, giảm thuế nhập khẩu.

Theo Doanh Nhân

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

6 + 14 =

To Top