Connect with us

Cơ hội cho ôtô Việt Nam

Tin trong nước

Cơ hội cho ôtô Việt Nam

Sắp tới, một chiếc xe cũ nhập về Việt Nam tới đây sẽ chịu 2 loại thuế. Vô hình trung, giá xe cũ sẽ bị đẩy lên cao gần bằng giá xe mới.

Thông tư 20 của Bộ Công Thương về nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc đã chính thức có hiệu lực. Thêm vào đó là Nghị định 45/2011/NĐ-CP nâng phí trước bạ lên 20% và chính sách đánh thuế mới của Bộ Tài chính đối với xe đã qua sử dụng. Các thay đổi này đã khiến cho giá xe liên tục tăng.

Xe nhập khẩu thất thế…

Từ tháng 4 đến tháng 6.2011, giá xe nhập khẩu đã tăng vọt. Chẳng hạn, các dòng xe của Toyota đã tăng từ 3.000-20.000 USD/xe. Lexus LX 570 tăng từ 210.000 USD lên 230.000 USD, Toyota Camry 2.4 LE tăng từ 55.000 USD lên 58.000 USD, Toyota Corolla LE 1.8 tăng từ 42.000 USD lên 48.000 USD. Các dòng xe của Ford cũng có mức tăng vài ngàn USD đến vài chục ngàn USD.

Ngày 22.6.2011, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5569/BCT-XNK gửi Tổng cục Hải quan. Đây được coi là động thái nới lỏng Thông tư 20. Đó là chấp nhận cho những doanh nghiệp có giấy ủy quyền từ đối tác nước ngoài được phân phối một thương hiệu ôtô tại Việt Nam thay vì bắt buộc xuất trình giấy ủy quyền nhập khẩu, phân phối chính hãng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô không dễ kiếm được giấy ủy quyền. Thêm vào đó là thời gian quá ngắn. Những điều này khiến cho hàng ngàn doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chỉ còn 2 con đường để lựa chọn: chuyển sang kinh doanh xe cũ hoặc chuyển ngành kinh doanh.

Tuy nhiên, sau khi quyết định 36/2011/QĐ-TTg của Bộ Tài chính về siết nhập khẩu xe cũ được ban hành, con đường chuyển sang kinh doanh xe cũ đã trở nên hẹp hơn. Bởi khi áp dụng mức thuế mới, giá xe cũ lại càng đội lên cao. Cho đến nay, xe cũ khi nhập về Việt Nam chỉ chịu một loại thuế duy nhất là thuế tuyệt đối được quy định theo từng loại xe với mức khoảng 5.000-25.000 USD/chiếc. Tuy nhiên, sau khi quyết định này có hiệu lực vào ngày 15.8.2011, xe cũ sẽ phải chịu thêm một loại thuế nữa. Đó là thuế phần trăm, giống như thuế đánh trên xe mới, tức cộng thêm khoảng 72-82% giá xe.

Như vậy, sắp tới xe cũ nhập về Việt Nam sẽ chịu 2 loại thuế, cả tuyệt đối và phần trăm. Vô hình trung, giá xe cũ sẽ bị đẩy lên cao gần bằng giá xe mới. Thậm chí, theo giới kinh doanh, có những dòng xe hạng sang, giá sẽ còn cao hơn cả xe mới cùng loại. Ví dụ, một chiếc Acura MDX Advance 7 chỗ mới (sản xuất tại Canada năm 2010), dung tích 3.7L, có giá khoảng 125.000 USD. Trong khi đó, nếu chiểu theo cách tính mới, giá chiếc xe cũ sẽ lên hơn 144.0000 USD.

 

…nhưng xe trong nước chưa thể phất cờ

Xe mới bị hạn chế nhập khẩu với Thông tư 20, xe cũ thì thêm thuế. Cả 2 loại đều chịu thêm phí trước bạ tăng cao. 3 động thái này là lực đẩy giá xe trong nước tăng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những chính sách này đang mở ra cơ hội cho các nhà nhập khẩu xe chính hãng và thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). Bởi hiện nay, các doanh nghiệp ôtô trong nước không chỉ sản xuất mà còn nhập khẩu và có quyền phân phối nhiều mẫu xe khác nhau. Với quy định mới, các doanh nghiệp này phần nào được hưởng lợi vì sẽ bớt đối thủ cạnh tranh là các cửa hàng xe nhập khẩu tự do.

Một số doanh nghiệp thuộc VAMA khi được hỏi về những chính sách này thì cho biết họ sẽ hưởng ứng và không bình luận gì thêm.

Ngành ôtô Việt Nam đã phát triển gần 20 năm qua, nhưng hầu như mọi mục tiêu đặt ra cho ngành đều không đạt được. Thị trường vẫn chưa có xe ôtô “sản xuất tại Việt Nam” mà chủ yếu là lắp ráp và nhập khẩu, tỉ lệ nội địa hóa rất thấp. Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 1,6 triệu ôtô các loại trên tổng số gần 90 triệu dân, có nghĩa tiềm năng phát triển thị trường này vẫn còn rất lớn.

Thế nhưng, đứng trước thời điểm được coi là cờ đã đến tay, dường như các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ôtô trong nước vẫn chưa phất được. Minh chứng là đến nay vẫn chưa thấy biến chuyển gì trong lượng xe bán ra của các thành viên VAMA. Thậm chí, lượng xe bán ra tháng 5.2011 giảm gần 2.000 xe so với tháng trước (7.661 xe so với 9.409 xe tháng 4).

Một chuyên gia ở Hiệp hội Kỹ sư ôtô (không muốn nêu tên) cho rằng, chưa thể nói các chính sách gần đây tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận xét: “Tôi cho rằng những chính sách gần đây của Chính phủ về siết chặt việc nhập khẩu ôtô đơn thuần là để hạn chế nhập siêu chứ không phải tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ôtô trong nước”.

Trong cuốn “Sách trắng 2011” về thương mại, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cho rằng, việc cấm nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng sẽ giúp thị trường ôtô Việt Nam phát triển lành mạnh hơn. EuroCham cho rằng, đến 2018, thuế nhập khẩu ôtô từ Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vào Việt Nam sẽ được xoá bỏ hoàn toàn. Khi đó, các nhà lắp ráp ôtô trong nước sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất thuộc các nước ASEAN, trong đó có các nhà sản xuất của Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Ngân hàng Thế giới cũng nhận định, những chính sách thời gian gần đây của Chính phủ Việt Nam là đúng hướng và sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam khởi sắc hơn.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

sixteen − 2 =

To Top