Tình huống thương hiệu
Chiến lược góp vốn thương hiệu của Richard Branson
Tập đoàn Virgin của Richard Branson hoạt động trong nhiều mảng kinh doanh khác nhau, nhưng có không ít công ty trong số đó đã được ông đầu tư theo kiểu góp vốn thương hiệu.Đế chế thương mại hiện nay của Tập đoàn Virgin có hơn 400 công ty và được quản lý thông qua các quỹ đầu tư và ủy thác của Richard Branson ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, trong số đó, vị doanh nhân người Anh này chỉ sở hữu hoàn toàn có một vài công ty. Những công ty nổi bật như Virgin Atlantic, Virgin Money, Virgin Media hay Virgin Trains đều có sự hiện diện của những cổ đông lớn.
Ngoài ra, Branson còn nhượng quyền sử dụng thương hiệu Virgin cho các doanh nghiệp đã mua lại công ty con của ông như Virgin Mobile USA, Virgin Mobile Australia, Virgin Radio và Virgin Music. Thông qua hoạt động này, Branson đều đặn nhận được một khoản phí sử dụng thương hiệu có giá trị tổng cộng lên đến hàng trăm triệu USD sau mỗi 3 năm với tư cách là chủ sở hữu của thương hiệu Virgin.
Là một trong những thương hiệu được biết đến rộng rãi nhất tại Anh, Virgin có tỉ lệ nhận diện thương hiệu lên đến 96% và cũng đã nổi tiếng khắp thế giới. Thương hiệu này còn có mối liên hệ mật thiết với tên tuổi của người sáng lập. Do vậy, Tập đoàn này cung cấp thương hiệu Virgin lẫn tên tuổi của Branson như một cách để quảng bá, còn đối tác sẽ chịu trách nhiệm quản lý và hỗ trợ tài chính.
Phụ trách điều hành hoạt động góp vốn thương hiệu của Richard Branson là Công ty Virgin Management Limited (VML). Bên cạnh việc đảm bảo lợi ích của ông chủ Tập đoàn Virgin, công ty này còn tư vấn và cung cấp dịch vụ quản lý cho các công ty thuộc tập đoàn này. Và mặc dù VML thuộc sở hữu của Branson, mọi hoạt động góp vốn thương hiệu của ông đều được thực hiện trên danh nghĩa của Tập đoàn Virgin. Hai công ty Virgin Trains và Virgin Active là những mô hình đầu tư góp vốn đúng kiểu VML.
Công ty kinh doanh vận chuyển Virgin Trains ra đời vào năm 1997 và không nằm ngoài quy luật đầu tư của ông chủ thương hiệu Virgin. 49% cổ phần của Virgin Trains hiện nằm trong tay của Stagecoach, một công ty kinh doanh các tuyến xe buýt ở Anh. Một công ty khác là Virgin Active, chủ sở hữu của 122 trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Anh, cũng được quỹ đầu tư CDC quản lý với 49% cổ phần.
Nhờ vậy, Tập đoàn Virgin đã thu về hơn 2 tỉ USD từ năm 2000-2002 chỉ từ việc thành lập công ty mang thương hiệu Virgin và bán lại cho các đối tác. Trong đó, thương vụ tiêu biểu nhất là việc bán 49% cổ phần của Virgin Atlantic cho Singapore Airlines với giá hơn 900 triệu USD.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Branson cũng thành công. Vào giữa những năm 1990, ông đã vấp phải một loạt thất bại với các công ty Virgin Brides, Virgin Cola và Virgin Cosmetics. Thua lỗ cũng xảy ra với các hoạt động kinh doanh âm nhạc của Virgin. Đưa Virgin Records lên sàn chứng khoán vào cuối những năm 1980, niềm kiêu hãnh của Branson đã bị tổn thương vì cổ phiếu công ty này liên tục mất giá. Không chấp nhận thất bại, ông quyết định rút Virgin Records ra khỏi thị trường chứng khoán và mua lại toàn bộ cổ phần. Đến năm 1992, ông bán công ty này cho tập đoàn giải trí EMI (Anh) với giá hơn 870 triệu USD. Đây cũng chính là thương vụ đình đám nhất thế giới lúc bấy giờ.
“Chúng tôi hiểu được giá trị của thương hiệu Virgin. Vì vậy mỗi khi quyết định gắn cái tên Virgin lên bất cứ công ty nào, chúng tôi đã cho đối tác lời hứa bảo đảm. Hứa thì rất dễ, nhưng thực hiện được thì khó hơn nhiều. Nhưng Virgin sẽ làm tất cả để cho đối tác thấy được giá trị khi hợp tác với chúng tôi”, ông Will Whitehorn, cựu Tổng Giám đốc của Virgin Galactic, cho biết. Cụ thể, Virgin Atlantic được Tạp chí Travel Weekly đánh giá là hãng hàng không đường dài có dịch vụ tốt năm 2004. Hay như Virgin Mobile ở Mỹ và Úc đều được tổ chức Mobile Choice Consumer bầu chọn là hãng di động có gói cước tốt nhất và dịch vụ khách hàng chu đáo nhất năm 2003.
Những năm 2005-2006 là thời điểm Branson bắt tay xây dựng Virgin Media. Công ty này đang cạnh tranh trực tiếp với 2 tập đoàn BT và Sky ở thị trường truyền thông giải trí băng thông rộng của Anh. Hoạt động đầu tư vào Virgin Media của Branson vẫn là mô hình quen thuộc. Ông chỉ sở hữu một ít cổ phần ở công ty này nhưng vẫn thu về hàng chục triệu USD từ việc góp vốn bằng thương hiệu Virgin.
Liên kết với những đối tác có nguồn lực tài chính mạnh là cách để vị doanh nhân 62 tuổi này mở rộng hoạt động đầu tư mà không phải tốn quá nhiều tiền. Người đại diện của Tập đoàn Virgin cho hay, trong năm 2011, doanh thu từ các công ty mang tên Virgin đã đạt 18 tỉ USD và thương hiệu Richard Branson cũng có giá trị hơn 4,6 tỉ USD.
Điều đặc biệt là Branson không hề nằm trong hội đồng quản trị của bất cứ công ty nào thuộc Tập đoàn Virgin. Đối với ông, sở thích phiêu lưu trong kinh doanh có lẽ còn quan trọng hơn việc trở thành một doanh nhân đúng nghĩa.
Theo NCĐT