Connect with us

Chạy đua thâu tóm thị trường bán lẻ

Tin trong nước

Chạy đua thâu tóm thị trường bán lẻ

Không ít nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước đang ráo riết mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam nhằm chiếm lĩnh thị phần cao hơn trong phân khúc thị trường đang phát triển nhanh này.

Không ít nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước đang ráo riết mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam nhằm chiếm lĩnh thị phần cao hơn trong phân khúc thị trường đang phát triển nhanh này.

Parkson Retail (Malaysia) thể hiện ý định “bành trướng” tại thị trường châu Á, GS Retail (Hàn Quốc) đang tìm kiếm những đối tác “nội”, trong khi Vincom (Việt Nam) cho biết sẽ phát triển thêm nhiều trung tâm thương mại (TTTM) trong thời gian tới. Những tín hiệu đó chứng tỏ nguồn cung về mặt bằng TTTM trong thời gian tới sẽ không thừa và cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ rất gay gắt.

Kế hoạch của các “ông lớn”

Ngành công nghiệp bán lẻ bao gồm khá nhiều nhiều lĩnh vực, như siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, TTTM… Phạm vi bài viết này chỉ đề cập hạng mục TTTM.

Parkson, nhà phát triển và quản lý các TTTM nổi tiếng của Malaysia (thuộc Tập đoàn Lion Group), đặt chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam từ giữa năm 2005. Sẽ không có gì “ầm ĩ” nếu Parkson không công bố thông tin muốn niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore để huy động thêm 300 – 500 triệu USD cho việc mở rộng hệ thống tại khu vực châu Á.

Ông K.P. Singh, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường DTZ Việt Nam nhận xét, thương hiệu Parkson đã có “chỗ đứng” đối với người tiêu dùng trung lưu Việt Nam. Hơn nữa, Parkson cũng xem Việt Nam như một thị trường chủ lực tại khu vực Đông Nam Á của họ. Do đó, việc mở rộng đầu tư là điều đương nhiên.

Còn nhớ năm 2008, trả lời báo chí, ông Tham Tuck Choy, Tổng giám đốc Parkson Việt Nam cho biết, chiến lược của Parkson là mở thêm nhiều TTTM tại các thành phố lớn của Việt Nam, như TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Cần Thơ…, với tốc độ 2 – 3 trung tâm/năm. Thời điểm đó, nhà bán lẻ này chỉ điều hành 3 trung tâm tại TP.HCM (hợp tác với các chủ đầu tư: Hùng Vương Plaza, Saigon Tourist, C.T Group), nay con số này là 5 (thêm Parkson Lê Đại Hành tại quận 12 và Parkson tại Dự án Saigon Paragon ở quận 7). Đó là chưa kể, nhà bán lẻ này đã ký hợp đồng với C.T Group để quản lý TTTM tại Dự án Léman C.T Plaza Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 (dự kiến hoàn thành vào năm 2013) và hồi tháng 7/2011, Parkson Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thuê và điều hành TTTM tại Dự án TTTM Thế giới Đà Nẵng (dự kiến hoàn thành năm 2012) với VinaCapital.

Được biết, việc chọn mặt bằng của Parkson khá chặt chẽ với hai tiêu chí: diện tích phải đủ lớn và nằm ở vị trí đẹp.

Đại diện của Parkson Việt Nam cũng từng cho biết, 1 trong 3 thử thách của họ sau năm 2009 là sự xuất hiện của các nhà bán lẻ khác tại thị trường Việt Nam. Lo ngại này quả không thừa, bởi qua trao đổi mới đây với phóng viên Báo Đầu tư về kế hoạch phát triển các khu đất của mình tại TP.HCM, ông Lee Seung Huyn, đại diện của GS E&C tại Việt Nam (thuộc Tập đoàn GS của Hàn Quốc) cho biết, khu đất tại Thủ Thiêm (gồm 4 thửa bị chia cắt bởi đường Lương Định Của) sẽ phát triển một khu phức hợp với hạng mục TTTM, văn phòng và nhà ở.

Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, khi Khu đô thị mới Thủ Thiêm hình thành. Còn hiện tại, GS Retail đã “xí” được một khu đất khá rộng nằm ngay trước Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (Bình Dương), sau khi ông Baum Hee, Giám đốc kinh doanh GS Retail tuyên bố ý định tìm đối tác để mở TTTM tại Bình Dương hồi cuối năm 2008. Dự án này vẫn đang nằm chờ ngày “khởi động”.

Một nhà đầu tư nước ngoài khác cũng thể hiện rõ ý định phát triển trung tâm mua sắm tại TP.HCM là Mapletree Investment (thuộc Tập đoàn Temasek, Singapore). Ông Chua Tiow Chye, Giám đốc điều hành Mapletree Investment cho biết, với Dự án Saigon South Place (quận 7, liên doanh với Coop Mart, họ sẽ dành 72.000 m2 cho không gian bán lẻ. Dự án này sẽ được làm theo mô hình của Khu mua sắm VivoCity Mall vốn đã thành công tại Singapore. Dự kiến, khu bán lẻ thuộc Saigon South Place sẽ xây dựng vào cuối năm nay và sẽ mở cửa hoạt động trong năm 2014.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Vincom mới công bố chiến lược phát triển khoảng 10 TTTM trong 5 năm tới, với tổng diện tích hơn 1 triệu m2 sàn. Chuỗi TTTM này sẽ được định vị với hai tên gọi: Vincom Center (dưới 100.000 m2) và Vincom Mega Mall (từ 100.000 m2 trở lên).

Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Vincom nhận định, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng thích nghi với thói quen mua sắm tại các siêu thị, TTTM. “Năm 2010, Việt Nam xếp thứ 4/30 quốc gia hấp dẫn nhất đối với các nhà bán lẻ và mãi lực của thị trường này tăng bình quân 30%/năm… Điều đó cho thấy, nhu cầu về TTTM trong tương lai sẽ không nhỏ”, ông Hiệp nói.

Bán lẻ hiện đại sẽ lên ngôi

Nói về cuộc đua trong thị trường bán lẻ cao cấp tại Việt Nam, ông K.P. Singh, Công ty DTZ nhận định, trong khi các nhà bán lẻ nước ngoài có ưu thế về phát triển thương hiệu theo hệ thống và kinh nghiệm điều hành, thì các nhà phát triển Việt Nam lại chiếm ưu thế về vị trí để mở trung tâm mua sắm chất lượng trong tương lai, bởi họ sở hữu những “khu đất vàng” – 1 trong 2 tiêu chuẩn quan trọng để phát triển trung tâm thương mại.

“Thị trường bán lẻ hiện đại là lựa chọn của những gia đình và người tiêu dùng trẻ. Các nhóm này luôn có nhu cầu về giải trí, ăn uống và làm đẹp để thỏa những trải nghiệm mua sắm. Vì thế, những trung tâm bị giới hạn bởi một vài loại hình dịch vụ rất có khả năng sẽ thất bại, do người tiêu dùng trẻ có tâm lý cần một điểm mua sắm tập trung đầy đủ các mặt hàng và dịch vụ”, đại diện của Công ty DTZ nhận định về triển vọng phát triển của thị trường bán lẻ cao cấp tại Việt Nam.

Theo Báo Đầu Tư

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ten − 1 =

To Top