Tình huống thương hiệu
Cháo ăn liền: Món ‘ngon’ mới của FMCG
Với mức tăng trưởng lên tới 61% trong năm 2013, ngành cháo đóng gói đang được xem là lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) không thể bỏ qua.Theo khảo sát từ Kantar Worlpanel về ngành hàng FMCG, đầu quý II/2013, cháo đóng gói ở khu vực thành thị đã tăng vượt bật lên 61%, thu hút thêm 470.000 người mua, khối lượng tiêu thụ trung bình mỗi hộ tăng lên 21% so với năm trước.
Trái ngược với sự “im hơi lặng tiếng” từ năm 2012 trở về trước, cháo ăn liền đã có sự trở mình đột biến, với mức tăng trưởng dự kiến năm 2014 đạt khoảng 25%, có tiềm năng sẽ vượt ngành mì ăn liền với mức tăng trưởng khoảng 12% với sự tham gia của nhiều đơn vị trong ngành FMCG.
Ngoài những tên tuổi vốn đã có chỗ đứng trên thị trường như: Cháo Vifon (Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam – Vifon), Cháo Gấu Đỏ (Công ty CP Thực phẩm Á Châu – Asia Food), nay danh sách các nhãn hàng cháo gần như đã hội tụ đủ các thương hiệu lớn nhỏ: Cháo B’fast, Komi (Masan Consumer, thuộc Masan Group), Bột cháo Bích chi (Công ty CP Thực phẩm Bích Chi (Đồng Tháp), Cháo Thìa Vàng (Tổng Công ty TM Hà Nội – Hapro), Cháo dinh dưỡng SG Soup (Công ty CP Sài Gòn Food)… và mới đây nhất là sự góp mặt của Cháo Yến (sản phẩm của Công ty CP Yến Việt).
Trong vai trò là nhà bán lẻ, mới đây, Co.opmart cũng bắt đầu tung nhãn hàng riêng đối với mặt hàng cháo đóng gói, được gia công tại Sài Gòn Food.
Ông Nguyễn Trọng Tấn, Giám đốc Marketing Công ty CP Yến Việt, cho biết, sau 3 tháng đưa sản phẩm ra thị trường, phản ứng của người tiêu dùng rất tốt. Với khoảng 15.000 điểm bán hàng (phân phối theo hệ thống đã có sẵn của các đại lý) gần như đều quay lại lấy hàng sau đợt hàng đầu tiên.
Nhà máy chế biến cháo hoạt động liên tục 3 ca/ngày nhưng vẫn không đủ hàng giao cho nhà phân phối. Doanh thu của Masan Consumer đạt mức kỷ lục trong quý III/2013 với 3.235 tỷ đồng, tăng 21%. Theo đánh giá, góp phần không nhỏ vào kết quả này là thành công của các sản phẩm mới gồm mì Sagami và cháo B’fast.
Qua việc tung ra loại cháo B’fast, một sản phẩm tiên phong trong việc cung cấp bữa ăn hoàn chỉnh, Masan Consumer cũng nhắm đến 2 thị trường đầy tiềm năng là thực phẩm dành cho bữa ăn sáng và các sản phẩm làm từ gạo. Trong khi đó, Sai Gòn Food đã chọn hướng đi riêng với cháo dinh dưỡng dùng liền. DN này đã tiếp tục mở rộng đến 8 nhãn hàng cháo dĩnh dưỡng tính đến quý I/2014.
Thành công của cháo ăn liền đi cùng với xu hướng chung của thị trường các sản phẩm có nguồn gốc từ gạo. Vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của mì gói giảm nhưng xu hướng dùng thực phẩm ăn liền từ gạo lại đang tăng và thị trường này hiện tại ít cạnh tranh hơn mì.
Phát triển sản phẩm mới từ gạo, trong đó có cháo, còn giúp các DN tạo sức hút để thoát khỏi tình trạng sức mua đang sút giảm hiện nay. Chẳng hạn, Vifon đã chiếm gần 50% thị phần của phân khúc sản phẩm ăn liền có gốc từ gạo.
Riêng hệ thống Co.opmart, các sản phẩm ăn liền làm từ bột gạo, ngũ cốc cách đây ba năm chỉ chiếm tỷ lệ hơn 10%, nay đã lên đến gần 50% trong tổng lượng hàng bán ra. Phổ biến nhất là bún, phở, hủ tiếu, bánh đa cua, cháo sấy khô…
So với các ngành hàng trong lĩnh vực FMCG, ngành sản xuất cháo có chi phí logistic khá lớn, chiếm đến 15% giá thành sản phẩm. Trước đây, mặc dù các DN đã không ngừng đa dạng hóa sản phẩm cháo đóng gói với đủ các loại hương vị như cháo đậu xanh, rau củ, thịt bằm, tôm hùm, cá, cua, gà… nhưng món ăn này vẫn bị người tiêu dùng thờ ơ vì mùi vị và lo ngại độ dinh dưỡng thấp.
Vì thế, DN nào khắc phục được hai nhược điểm này thì đều đạt được thành công bước đầu. Theo ông Nguyễn Trọng Tấn, hiện nay, các loại cháo ăn liền trên thị trường mới chỉ mang tính chất “chống đói” chứ chưa đề cao đến vấn đề “dinh dưỡng”. Do đó, cơ hội sẽ đến với các nhà đầu tư nhắm vào yếu tố dinh dưỡng.
“Yến Việt đã thay đổi cách làm, chọn cách đi ngược lại các thương hiệu lớn là không “đốt tiền” bằng quảng cáo, mà tập trung hợp tác với các nhà phân phối và bán hàng online. Điều này đã giúp Yến Việt tiết giảm chi phí nhằm bù đáp chi phí logistic quá lớn”, ông Tấn cho biết.
Theo DNSG