Connect with us

Các mạng di động đua nhau xuất ngoại

Tin trong nước

Các mạng di động đua nhau xuất ngoại

Sau Viettel đến lượt MobiFone tính chuyện "xuất khẩu" dịch vụ di động ra nước ngoài. Giới chuyên gia nhận định đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt đang tiệm cận ngưỡng bão hòa.

Chủ tịch MobiFone – Lê Ngọc Minh mới đây hé mở kế hoạch trở thành một trong 10 mạng di động hàng đầu châu Á. Trong thời gian ngắn nữa, hãng sẽ tiến hành đầu tư ra thị trường nước ngoài, thông qua việc liên kết, liên doanh với đối tác ngoại. “Mục tiêu của chúng tôi là trở thành hãng cung ứng dịch vụ di động trong thị trường 200 triệu dân”, vị lãnh đạo MobiFone chia sẻ. Để thực hiện tham vọng này, MobiFone đã triển khai kế hoạch tổng thể như đào tạo nhân lực, duy trì tốc độ phát triển 25-30% một năm.

Trước đó, Viettel cũng bày tỏ tham vọng lọt top 10 thế giới trong việc đầu tư nước ngoài về viễn thông. Sau một thời gian “làm mưa làm gió” trên thị trường viễn thông Lào, Campuchia, Viettel đang đặt mục tiêu sẽ chiếm thị phần lớn tại Haiti, Mozambique và Peru.

Trong năm 2010, Viettel đã thực hiện ít nhất 3 thương vụ mua bán tại nước ngoài. Hồi đầu năm, Viettel đã bỏ khoảng 300 triệu USD để sở hữu trên 60% thị phần của mạng di động Teletalk tại nước Bangladesh. Tiếp đó, Viettel chi thêm 59 triệu USD để mua lại 70% cổ phần của Công ty Viễn thông Teleco tại Cộng hòa Haiti, đơn vị sở hữu mạng di động Teleco. Đồng thời, hãng cũng thắng thầu trị giá 28,2 triệu USD tại thị trường Mozambique.

Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel – Hoàng Anh Xuân nhìn nhận, năm ngoái, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến nhiều hãng viễn thông thế giới phải bán cổ phần của mình với giá giảm tới 4 lần. Đây chính là lý do khiến hãng nhận thấy cơ hội đến và đẩy nhanh chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Dù vậy, vị lãnh đạo này cũng nhìn nhận những thác thức đối với họ không hề nhỏ vì phải đương đầu với rất nhiều tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia khác. Viettel hiện có thị phần khá khiêm tốn trên thế giới, chỉ khoảng 0,02%. Hãng đang đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ chiếm khoảng 0,32%, tương đương 3,2 tỷ USD, vùng phủ dân số là 500 triệu dân ở khoảng 10-20 nước.

Một lãnh đạo của VinaPhone cho hay, đơn vị này có tham vọng đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này không tiết lộ thời điểm cũng như kế hoạch cụ thể.

Việc 7 hãng viễn thông khai thác dịch vụ trên thị trường trên 86 triệu dân cho thấy mảnh đất Việt đã không còn nhiều màu mỡ. Các hãng viễn thông lớn ngoài việc duy trì thị phần của mình, họ buộc phải tính kế hoạch dài hơi.

Tuy nhiên, doanh nghiệp viễn thông “đem chuông đi đánh xứ người” cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Một chuyên gia viễn thông cho rằng Viettel dù đã tận dụng được cơ hội tốt khi mua lại cổ phần của một số đối tác nước ngoài trong giai đoạn họ gặp khủng, đơn vị này cũng phải đối mặt với một số trở ngại như: rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, khó khăn trong việc xin giấy phép viễn thông, cạnh tranh mạnh…

Thị trường viễn thông đang trong xu hướng kết hợp và sáp nhập. Thế giới hiện có khoảng 700 mạng di động – số lượng hãng viễn thông này được cảnh báo trong vài năm tới sẽ giảm xuống còn 2 con số. Điều này có nghĩa khoảng 600 hãng sẽ dần biến mất vì không còn thị phần, không còn thuê bao.

Theo vnexpress

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 − 3 =

To Top