Tình huống thương hiệu
Bước lùi về tính cạnh tranh?
EVN Telecom được chuyển giao về cho Viettel, VNPT đề xuất sáp nhập hai mạng di động VinaPhone và MobiFone, VimpelCom sẽ rút khỏi Việt Nam cùng thương hiệu Beeline… là những sự kiện thu hút không ít sự quan tâm của giới chuyên gia và người tiêu dùng…Những gì đang diễn ra trên thị trường viễn thông thời gian gần đây khiến có nhiều ý kiến quan ngại rằng ngành này đang có những bước lùi về tính cạnh tranh, đồng thời gia tăng tính độc quyền.
Bình thường hay không bình thường?
Beeline là thương hiệu mạng di động có tuổi đời non trẻ nhất trên thị trường viễn thông Việt Nam. Được thành lập ngày 8-7-2008 trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Tổng công ty Viễn thông di động Toàn Cầu và Tập đoàn VimpelCom của Nga, Beeline gặp không ít khó khăn trong việc phát triển thương hiệu và khách thuê bao. Số lượng khách thuê bao của mạng di động này cứ bị rơi rụng dần trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của các mạng di động có tên tuổi trên thị trường. Beeline rơi vào trạng thái “ngủ đông” khi gần như biến mất cả năm trời, không có mấy hoạt động xúc tiến thị trường. Thế nhưng vào tháng 6 năm ngoái, Beeline bỗng “thức giấc” với việc công bố tăng vốn đầu tư, thay tổng giám đốc và rầm rộ thực hiện các chương trình truyền thông cũng như đưa ra gói cước tỉ phú hấp dẫn chưa từng có trên thị trường… với mục tiêu rõ ràng là “dẫn đầu trong các mạng di động nhỏ (Vietnamobile, S-Fone và EVN Telecom). Với chiến lược này, Beeline đã kéo được nhiều khách hàng trở lại với mình. Chính vì những động thái khá mạnh mẽ đó mà nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi tháng 4 vừa qua VimpelCom bất ngờ công bố rút khỏi Việt Nam cùng thương hiệu Beeline (sẽ rút sau sáu tháng bán lại cổ phần).
Bình luận về việc Beeline rút khỏi thị trường Việt Nam và bán lại cổ phần cho đối tác trong nước là Công ty Truyền dẫn và Dịch vụ hạ tầng Gtel, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng điều đó rất có thể là do yếu tố chủ quan. VimpelCom ở nước ngoài bán lại cổ phần cho Orascom, từ đó dẫn đến việc thay đổi chiến lược kinh doanh và rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Ông Thắng nhấn mạnh: “Việc Beeline, hay bất cứ một nhà đầu tư nước ngoài trong bất kỳ lĩnh vực nào, tham gia hay rút ra khỏi thị trường Việt Nam là chuyện bình thường. Đó hoàn toàn là chuyện tính toán làm ăn”.
Phản biện ý kiến của Thứ trưởng Lê Nam Thắng, ông Hoàng Ngọc Diệp, chuyên gia viễn thông, nguyên giám đốc Qualcomm Việt Nam, nói: “Đúng là trên thị trường viễn thông thế giới, việc thay đổi, bỏ hay rút ra khỏi một mạng di động nào đó là chuyện rất bình thường. Nhưng trong bối cảnh của Việt Nam thì có phần khác. Hiện ba mạng di động lớn chiếm hơn 90% thị trường viễn thông đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách viễn thông cần phải có cách nhìn sâu, rõ và chính xác hơn về vấn đề này”.
Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn của Thời báo Vi tính Sài Gòn nhân dịp được bổ nhiệm cách nay gần một năm, ông Michael Cluzel, Tổng giám đốc Beeline Vietnam (GTEL-Mobile), đã từng nhận xét rằng, sự khác biệt lớn của thị trường viễn thông Việt Nam so với các nước khác là cuộc cạnh tranh về giá cước. Khi khảo sát các cửa hàng bán thẻ SIM ông thấy “hoa mắt” với những con số về thông tin khuyến mãi của các hãng. Mặc dù ông Michael Cluzel khẳng định rằng Beeline sẽ không tham dự vào cuộc cạnh tranh về giá cước, song việc tung ra gói cước tỉ phú sau đó đã cho thấy Beeline không thể đứng ngoài cuộc chơi này.
Một chuyên gia viễn thông khác cho rằng việc bắt buộc phải chạy theo cuộc cạnh tranh giá rẻ của ba mạng di động lớn đã làm cho thu nhập bình quân trên mỗi số thuê bao (ARPU) của Beeline đã thấp đến mức không thể mang lại hiệu quả kinh tế cho mạng di động này và thấp hơn nhiều so với các quốc gia mà VimpelCom có đầu tư. Do đó, Beeline rút lui khỏi Việt Nam là tất yếu.
Bình luận về việc ARPU của Beeline thấp, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng đó là do mạng di động này sử dụng chiến lược miễn giá cước quá nhiều. “Họ muốn bằng mọi giá chiếm lĩnh thị trường và đã từng bị Bộ Thông tin và Truyền thông “thổi còi” vì phá giá, làm mất ổn định thị trường. Với cách làm ăn như thế thì không tồn tại lâu dài được. Đầu tư vào viễn thông là phải bền vững, bài bản, có tầm nhìn xa thì mới có thể phát triển”, ông Thắng nói.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), một mạng di động phải đạt khoảng năm triệu khách thuê bao thì mới có lãi. Trong khi đó, theo nhận xét của các chuyên gia thì việc đạt điểm có lãi với mạng di động Beeline vào thời điểm thị trường viễn thông đã bão hòa lượng khách thuê bao (số thuê bao nhiều hơn tổng số dân) như hiện nay là không dễ dàng. Ông Hùng nói: “Tính thời điểm rất quan trọng trong sự thành công của một mạng di động. Lúc Viettel thâm nhập thị trường viễn thông di động thì tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động chỉ chiếm khoảng 10-20% dân số. Nếu tham gia thị trường lúc tỷ lệ này đã trên 40% thì không có nhiều cơ hội để thành công”. Trong khi đó, Beeline tham gia thị trường vào năm 2008, lúc tỷ lệ này đã khoảng 70-80% (hiện nay là khoảng 120%) thì khả năng thành công lại càng thấp.
Sáp nhập có tăng tính độc quyền?
Không chỉ sự kiện Beeline rút khỏi Việt Nam, gần đây câu chuyện sáp nhập cũng làm nóng thị trường viễn thông. Không trả lời trực tiếp những câu hỏi liên quan đến việc chuyển giao EVN Telecom về cho Viettel hay sáp nhập MobiFone với VinaPhone, song Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói: “Ngành viễn thông không khuyến khích quá nhiều doanh nghiệp nhà nước cùng cạnh tranh. Cùng một lúc 3-4 doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh lẫn nhau thì sẽ không có hiệu quả. Vì thế, phải tái cơ cấu, phải chuyển giao. Tuy vậy, cho đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có ý kiến về phương án sáp nhập VinaPhone và MobiFone mà VNPT đề xuất”.
Ông Thắng cho biết, phải chờ đến kỳ họp tới của Chính phủ, bàn và quyết định về việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì bộ mới có ý kiến. Ví dụ như cần phải biết doanh nghiệp nhà nước có buộc phải kinh doanh thu lợi nhuận hay không; có phải vừa kinh doanh vừa thực hiện chức năng điều tiết xã hội hay không…
Cũng có nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc chuyển giao EVN Telecom cho Viettel, sáp nhập VinaPhone và MobiFone sẽ làm tăng tính độc quyền của ngành viễn thông.
Một chuyên gia cho rằng việc các mạng di động lớn thuộc các doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 95% thị trường đã là độc quyền rồi. Còn việc chuyển EVN Telecom sang cho Viettel cũng chỉ là chuyển từ tập đoàn nhà nước này sang tập đoàn nhà nước khác. Trong lúc đó, việc sáp nhập VinaPhone và MobiFone của cùng VNPT, về bản chất cũng không có gì thay đổi.
“Với việc sáp nhập các mạng di động đã và rất có thể sẽ diễn ra, thị trường viễn thông Việt Nam chuẩn bị chứng kiến một cuộc cạnh tranh khó khăn hơn. Ba mạng di động nhỏ chiếm khoảng 5% thị phần (Vietnamobile, S-Fone và thương hiệu mạng di động thay thế Beeline) sẽ phải chiến đấu với các mạng di động rất lớn chứ không chỉ lớn như trước”, chuyên gia này nhận định.
Chính sách còn bất cập
Bình luận về chính sách, môi trường quản lý viễn thông, ông Hoàng Ngọc Diệp cho rằng có rất nhiều điều bất cập, thiếu minh bạch trong hệ thống quản lý, cùng với sự đầu tư trùng lắp quá lãng phí của ba mạng di động lớn thuộc sở hữu nhà nước.
Hiện cũng không có định hướng để các nhóm mạng di động ảo (mạng di động không có hạ tầng mạng) hoạt động, cũng như quá chậm chạp trong việc phát triển các dịch vụ cao cho 3G. Bên cạnh đó sự phát triển không đồng bộ, không đồng nhất giữa viễn thông và CNTT cũng làm hạn chế những tính năng mà viễn thông có thể cung ứng được. “Phải nói rằng, ngành viễn thông Việt Nam vẫn còn ở mức độ sơ khai trong khi đang sử dụng những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới”, ông Diệp nói.
Ông Diệp cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan cần phải có những sự đánh giá khách quan, chính xác và có những chính sách, kế hoạch thực tế, cụ thể để giảm lãng phí; nâng cao tính hiệu quả của ngành viễn thông qua những dịch vụ chất lượng cao nhằm phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế khác; ngăn chặn việc cạnh tranh giá rẻ không lành mạnh và tạo điều kiện minh bạch đủ để các nhóm tư nhân trong nước có thể tham gia cùng phát triển ngành viễn thông.
“Cần có những kế sách cụ thể để giải quyết những điều bất cập càng sớm càng tốt. Từ đó mới hy vọng ngành viễn thông của Việt Nam có những bước tiến xứng đáng với tiềm năng và nguồn đầu tư của ngành này”, ông Diệp nói.
Theo TBKTSG
