Tin trong nước
Bỏ tiền vô ví điện tử
Hôm 24.10, NTT Data của Nhật chính thức tham gia mạng thanh toán điện tử Việt Nam sau khi công bố nắm 40% vốn điều lệ tại VietUnion, để sở hữu ví điện tử Payoo. Sự kiện này làm sinh động thêm thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam với nhiều tên tuổi khác đã có mặt như PayPal, Kosto,Webmoney, AsiaPay, Softbank…NTT Data đang sở hữu hạ tầng phục vụ hơn 70% giao dịch thanh toán điện tử tại Nhật, với hợp tác này họ sẽ đóng góp tài chính, công nghệ và kinh nghiệm để đối tác triển khai dịch vụ và mở rộng thị trường. Thế mạnh của NTT Data ở Việt Nam có thể thấy ở sự am hiểu thị trường và dịch vụ, với vai trò là nhà tư vấn cho đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam và đã tham gia vào thị trường dịch vụ ngân hàng nội địa trong vài năm qua.
Tham vọng “one-stop shop”
Theo ông Nguyễn Hoàng Ly, tổng giám đốc VietUnion, trước tiên hai bên sẽ chú trọng vào mảng thị trường thanh toán hoá đơn, nội dung số, thương mại điện tử và chính phủ điện tử. Ưu tiên hàng đầu vẫn là mảng thanh toán hoá đơn (điện, nước, điện thoại, truyền hình cáp, internet…) bên cạnh các nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ để tạo ra một hệ thống “one-stop shop” – nghĩa là một điểm thanh toán duy nhất để khách hàng có thể mua sắm, nạp tiền điện thoại di động, thanh toán đơn hàng…
Một hệ thống điểm chấp nhận thẻ thanh toán (POS) cũng sẽ được triển khai nhắm đến nhu cầu thanh toán thẻ và các dịch vụ Payoo OneStop. NTT Data cũng sẽ nghiên cứu triển khai những giải pháp thanh toán mới vốn còn xa lạ tại Việt Nam như tiền điện tử (e-cash), thanh toán giao thông (transportation payment), thanh toán di động… Ông Ly cho biết, việc triển khai mạng lưới POS làm sao có thể cung cấp dịch vụ POS bên thứ ba là các ngân hàng. Nếu vậy thì hạ tầng POS của Payoo trên cùng một máy POS có thể cho nhiều ngân hàng thuê lại khi đặt ở những điểm có nhiều giao dịch.
Ông Toru Yamashita, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành NTT Data, cho biết Việt Nam đang triển khai các đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, sẽ là cơ sở hình thành và phát triển mạng lưới thanh toán điện tử trong tương lai gần. Thông qua mạng lưới khách hàng và đối tác của VietUnion, NTT Data sẽ phát triển các dịch vụ trung gian thanh toán để mở rộng hệ thống kinh doanh dịch vụ thanh toán hoá đơn, xử lý giao dịch thanh toán.
Chăm sóc “ví” chờ thời
NTT Data cũng chưa phải là nhà đầu tư mới. Mạng thanh toán PayPal đến nay đã tích hợp với ví điện tử nganluong.vn để hỗ trợ giao dịch xuyên biên giới cho người mua bán hàng trên hai mạng eBay và chodientu.vn. Ông Nguyễn Hoà Bình, tổng giám đốc PeaceSoft, cho rằng uy tín của PayPal tạo niềm tin cho những khách hàng nước ngoài tham gia giao dịch trên các website bán hàng của Việt Nam. Trong khi đó việc hợp tác với nganluong.vn cũng là cầu nối để PayPal nhắm đến bán hàng cho doanh nghiệp trong nước.
Loại hình dịch vụ ví đến nay dù chưa mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư nhưng được các công ty nước ngoài chăm sóc kỹ lưỡng, và bước một chân vào để chờ cộng đồng thanh toán phát triển. IDG Ventures với VinaPay; PayPal đầu tư liên kết với nganluong.vn; Webmoney của Nga mở mạng lưới ở Việt Nam qua ngân hàng Nam Á; Kosto Group của Ukraine đầu tư cho mạng Paylink; AsiaPay của Hong Kong đang tuyển dụng nhân sự để thiết kế mạng lưới mới tại Việt Nam…
Cho đến nay đứng đằng sau các “ví” chủ yếu là các đại gia trong ngành tài chính; các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có nhiều lợi thế về cộng đồng hoặc các công ty bán hàng trực tuyến có lưu lượng giao dịch lớn, cần đầu tư phục vụ cho môi trường thanh toán đặc thù. Trong hơn 20 ví đang lưu hành trên thị trường thì có chín nhà đã chính thức được cấp phép là “nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử”. Các ví nổi bật như: Payoo, Mobivi, Paynet, nganluong.vn, Webmoney, VnMart, VinaPay, M-Service, VnPay, baokim.vn, Momo… Nhiều ví có mạng lưới mạnh về thanh toán hoá đơn như Mobivi và Payoo kết nối đến nhiều nhà phát hành hoá đơn lớn như điện lực, viễn thông, bán lẻ và các ngân hàng. Số khác như Momo, Pay-plus phục vụ cho người dùng mạng Vinaphone hay Viettel. nganluong.vn, baokim.vn thì phục vụ cho cộng đồng thương mại điện tử trên chodientu.vn và vatgia.com…
Nhìn chung các cổng thanh toán trung gian này vẫn đang trong giai đoạn xây dựng cộng đồng, với kỳ vọng khoảng ba năm nữa hưởng lợi từ người dùng. Lộ trình này nhà đầu tư căn cứ vào độ trưởng thành của cộng đồng sử dụng điện thoại di động, internet và ATM. Nhiều ví ra đời sớm đang rơi vào tình trạng phải đầu tư dài hơi, bởi chi phí cao nhưng thị trường chưa tiến triển kịp. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đánh giá sai thị trường đầu tư sớm vào các dịch vụ di động và internet, đã quay lại tìm kiếm dịch vụ top up hoặc POS hay kiosk để chờ cộng đồng trưởng thành. Cũng giống như thương mại điện tử nói chung, các kênh hiện đại trên online và trên di động dù đầu tư mạnh vẫn còn hạn chế người dùng.
Ông Ly cho rằng, về bản chất ví điện tử là cánh tay nối dài của ngân hàng, giải quyết các vấn đề an toàn giao dịch, khiếu nại giao dịch. Các nhà cung cấp trung gian này sẽ cạnh tranh bằng độ rộng của kết nối đến đối tác ngân hàng và tổ chức chuyển mạch, các nhà bán lẻ, các đơn vị bán hàng trực tuyến và cung ứng hoá đơn. Nhà đầu tư nào cung cấp dịch vụ tiện lợi, hệ thống kết nối rộng và an toàn sẽ có lợi thế lớn.
Theo SGTT