Connect with us

BlackBerry: Ngạo mạn quá hoá chuốc hại

Tình huống thương hiệu

BlackBerry: Ngạo mạn quá hoá chuốc hại

Trong thế giới thương hiệu những ngày này không có chủ đề nào được quan tâm đến nhiều bằng số phận của BlackBerry. Không chỉ là một cư dân bình thường của thế giới thương hiệu, BlackBerry là một trong những thương hiệu tiên phong về điện thoại di động thông minh. 

Năm 2012, nó còn có vị trí trong 100 thương hiệu sáng giá nhất thế giới. Vậy mà bây giờ nó đang đứng trước nguy cơ “tồn tại hay không tồn tại”.

Trượt dốc không phanh

Những thông tin liên quan đến BlackBerry mới được lan truyền thật chẳng hay ho chút nào đối với thương hiệu này. Đã có một thời, điện thoại di động BlackBerry được coi là biểu tượng đẳng cấp của giới doanh nhân. Từng là một thương hiệu hàng đầu về điện thoại di động thông minh – năm 1999 đứng đầu trên thị trường thế giới, BlackBerry trong quý 2 vừa qua chỉ còn có thị phần 2,9%, trong khi năm 2009 còn 20%. Năm ngoái, tập đoàn này đã phải sa thải 5.000 nhân công và mới rồi lại phải sa thải thêm 4.500 nhân công, chỉ giữ lại được có 7.000 nhân công. Năm 2008, giá trị của tập đoàn BlackBerry được xác định là 83 tỷ USD, vậy mà bây giờ chỉ còn mỗi tập đoàn tài chính Fairfax (Canada) sẵn sàng mua lại BlackBerry với giá 4,7 tỷ USD. Thảm trạng này đến có phần quá nhanh và bất ngờ không chỉ đối với thương hiệu mà còn cả với không ít đối tác bên ngoài, nhưng là kết quả của một quá trình và là hậu quả của một tình trạng mà không ít thương hiệu lừng danh tự gây ra cho mình, như thể tự mắc vào bẫy, đó là sự ngạo mạn của kẻ dẫn đầu trên thị trường.

 

Chủ quan và sai lầm trong hào quang

Hào quang của thành công nhiều khi đã đào huyệt chôn vùi không ít thương hiệu nổi tiếng. BlackBerry trong diện đó. Quá chủ quan và tự tin, BlackBerry đã sao nhãng sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Apple với sản phẩm iPhone và Google với hệ điều hành IOS và Android. BlackBerry đã ngủ quên trong hào quang nên không để ý thấy những thay đổi cơ bản trong tâm lý người tiêu dùng và những thói quen sử dụng mới cũng như những ứng dụng mới do sản phẩm thuộc những thế hệ điện thoại di động thông minh mới đưa lại.

BlackBerry đã chậm chân hơn Apple và Samsung trong việc sử dụng màn hình cảm ứng và cấu hình có hai camera cũng như đã không theo kịp những ứng dụng được người sử dụng điện thoại di động thông minh ưa chuộng đến sùng bái cho các loại điện thoại di động của Apple và Google. BlackBerry đã không kịp thời tự thay đổi khi các DN cho phép nhân viên sử dụng điện thoại di động cá nhân trong công việc. Chủ trương “Bring Your Own Device” này khiến BlackBerry mất rất nhiều khách hàng truyền thống.

Thành công lớn giúp tự tin hơn. Nhưng quá tự tin lại dễ trở nên chủ quan và ngạo mạn, nhất là khi đã chiếm lĩnh được đỉnh cao. Bây giờ, BlackBerry phải trả giá cho việc đã quá chủ quan, tự mãn và ngạo mạn nên châm trễ đến mức quá chậm trong việc định hướng lại về chiến lược. Bài học kinh nghiệm thất bại này đâu có mới trong thế giới thương hiệu và vì thế không lạ lẫm gì đối với thương hiệu lớn như BlackBerry. Nhưng có lẽ đến bây giờ nó mới thấm thía.

Theo DĐDN

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × four =

To Top