Tình huống thương hiệu
Bi hài chuyện PR du lịch
Tổ chức cuộc thi tạo dựng logo và slogan cho ngành du lịch của Việt Nam, trao giải Nhất nhưng sau đó lại không sử dụng. Một lần nữa, ứng xử này cho thấy vẫn thiếu tầm nhìn cho sự phát triển của một ngành đầy tiềm năng.Được phát động từ tháng 10/2010, giải nhất cuộc thi sáng tác logo và slogan du lịch Việt Nam đã được trao cho công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Cowan. Tuy nhiên, ngay sau đó Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch đã thông báo không sử dụng logo ngôi sao ngũ sắc và slogan “Sự khác biệt Á Đông” cho du lịch Việt Nam giai đoạn tới.
Bất hợp lý sao vẫn được giải Nhất?
Lý do được phần đông người nhìn nhận là bởi hình ảnh logo phác họa hình ảnh chú ngựa vằn (Zebra) với những đường nét nhiều màu sắc không những không thể hiện được hình ảnh tượng trưng của Việt Nam, trái lại còn lẫn lộn cơ bản khi dùng hình ảnh chú ngựa vằn quá quen thuộc của Châu Phi để tượng trưng cho du lịch Việt Nam. Thêm vào đó, rất nhiều những vệt xanh lá cây, tím, vàng, đỏ… thể hiện sự thiếu định hướng chủ đạo về màu sắc. Từ đó, các ý kiến cho rằng, nên chọn một màu sắc chủ đạo, tượng trưng gắn liền với hình ảnh của du lịch Việt Nam, chẳng hạn có thể dùng màu xanh nước biển (blue) là màu chủ đạo khi du lịch Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng du lịch biển với trên 3.200 km biển và năm nay cũng là năm du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ có chủ đề về biển, đảo. Cũng có đến 80% lượng khách đến Việt Nam chọn biển trong hành trình của mình.
Slogan “Vietnam- Sự khác biệt Á Đông” nửa Việt nửa Anh cũng mang đến sự hồ nghi về hàm ý không rõ ràng của các nhà thiết kế khi gợi nhiều liên tưởng đến sự khác biệt văn hóa, con người nhiều hơn đến thế mạnh thiên nhiên, du lịch của Việt Nam. Việc sử dụng những từ như “Different” (khác biệt) và “Orient” (Phương Đông) gợi lên sự huyền bí và khác biệt của Việt Nam, tuy nhiên lại không thể hiện rõ sự khác biệt Á Đông ở đây là gì? Đó là chưa nói đến, việc chuyển ngữ “Vietnam-A Different Orient” thành “Sự khác biệt Á Đông” cũng là điều gây bàn cãi, vì nó, theo một nhà ngôn ngữ học, “nên được hiểu là một Phương Đông khác mà thôi”. Ngoài ra, mạo từ “a” cũng không nên dùng ở đây khi mà Việt Nam là một nước cụ thể, một thực thể đã xác định.
Một quy trình ngược
Theo ông Vũ Hoàng Ân, Giám đốc Công ty Du lịch Cầu Vồng, việc tạo dựng logo nên có một định hướng rõ ràng, phải có đề thi và lời giải cụ thể. Nên chọn biểu tượng thân thuộc, dễ nhận biết làm hình ảnh đại diện. Kế đến là yếu tố màu sắc mang tính đặc trưng, thu hút, mang chất biểu cảm về cá tính dân tộc và định hướng phát triển. Sau cùng, chính slogan phải ý nghĩa, súc tích và dễ hiểu, dễ nhớ, nghe thuận tai. Thạc sỹ Hoàng Hữu Phước, Tổng giám đốc công ty Thương mại Mỹ Á cho rằng, “nét độc đáo bản sắc của Việt Nam không chỉ là những kỳ quan, những cảnh đẹp, những phế tích mà quốc gia nào cũng có, thậm chí có nhiều hơn, toàn vẹn hơn, và đẹp hơn. Sự riêng có chính là khí phách và hào khí đã và đang được chứng minh thật hào hùng, thật ngập tràn kỳ tích trong lịch sử suốt hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước. Phải nhận diện nét độc đáo này mới biến Việt Nam đích thị là “uniquely”(độc đáo), là “amazing” (ngỡ ngàng), là “incredible” (lạ kỳ), là “sparkling”(sinh động), là “wonderful” (tuyệt hảo), là “fascinating” (đầy mê hoặc), và do đó, là “truly Asia” (một Châu Á đích thực). Một số slogan có thể dùng cho Việt Nam đó là “Vietnam-the new Orient” (Việt Nam-Một Á Đông mới mẻ) hoặc “Việt Nam- the new exotic” (Việt Nam-Một Á Đông đẹp kỳ lạ). “PR phải đi trước một bước, mở cánh cửa để thiên hạ biết mình có gì trong cửa hàng. Trong khi Thái Lan, Campuchia đồng loạt triển khai các chiến dịch quảng bá hình ảnh thì Việt Nam vẫn đang loay hoay với việc chọn logo và slogan. Lẽ ra, ngay từ lúc đầu chúng ta nên có một kế hoạch, chiến lược hành động cụ thể, rõ ràng cho việc xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu hợp với thế mạnh, mục tiêu của du lịch Việt Nam”, ông Phước thẳng thắn. Và cuối cùng, trước khi quyết định lựa chọn logo và slogan, ngành du lịch nên công bố hay trưng cầu ý kiến, đánh giá rộng rãi của các chuyên gia, các doanh nghiệp… Nửa năm đã trôi qua vậy mà ngành du lịch vẫn chưa có cái gì để quảng bá cho năm.
Theo Doanh Nhân