Connect with us

Bão giá có giúp hàng Việt lên ngôi?

Tin trong nước

Bão giá có giúp hàng Việt lên ngôi?

Hầu hết các siêu thị Intimex, Hapro, Fivimarrt, Unimarrt, Coopmart đều ưu tiên nhập và bán hàng Việt, chủ yếu ở các nhóm hàng thực phẩm, thời trang, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng...

Theo khảo sát của PV Dân trí, nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm trong nước đã chiếm được thị phần lớn từ các siêu thị lớn đến chợ vì sự phù hợp về giá và chất lượng.

Siêu thị: Hàng Việt “chiếm sân”

Tại Hà Nội, theo khảo sát của PV, hầu hết các siêu thị Intimex, Hapro, Fivimarrt, Unimarrt, Coopmart đều ưu tiên nhập và bán hàng Việt, chủ yếu ở các nhóm hàng thực phẩm, thời trang, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng…

Tại BigC Hà Nội, các hãng may mặc trong nước như Nhà Bè, Việt Tiến, Đức Giang… chiếm 90% tỷ lệ loại hàng này. Tương tự, các mặt hàng như dầu ăn, mỳ tôm, đường sữa… của các công ty trong nước cũng khẳng định mình bằng tỷ lệ xấp xỉ 90% trong tổng hàng của Intimex. Theo đại diện Intimex, một số mặt hàng ngoại là dầu olive, mỳ spaghetti, bánh kẹo Pháp, Đan Mạch; sữa bột Nhật Bản, Hàn Quốc.

Riêng mặt hàng bánh kẹo, vốn lâu nay bị hàng ngoại cạnh tranh khá quyết liệt cũng ghi nhận tỉ lệ 70% hàng Việt so với 30% nhập ngoại.

Theo bà Thanh Huyền, đại diện BigC: “Có tới 95% các sản phẩm, tương đương với hơn 50.000 mặt hàng, ở đây là hàng Việt Nam”. Bà Huyền cho biết, BigC trung thành với chiến lược ưu tiên hàng Việt và hiện số lượng khách hàng mua hàng Việt vẫn tăng lên.

Còn theo chị Trần Hoài Thu (khách mua sắm), chị lựa chọn hàng Việt vì chất lượng “có thể tin được nhờ bán qua kênh siêu thị” và giá cả không quá cao. Giải thích cho việc không lựa chọn các loại hàng giá rẻ, trôi nổi ở một số chợ, chị Thu e ngại về chất lượng và sợ ảnh hưởng tới sức khỏe. Chị Thu cho rằng đó cũng là lựa chọn mà phần lớn người có thu nhập trung bình như chị hướng tới.

Tương tự, tại Đà Nẵng, hầu hết các siêu thị đều có tỷ lệ hàng Việt cao từ 70 – 99% tùy mặt hàng. Theo khảo sát, các loại sữa, bánh kẹo, hàng tiêu dùng luôn chứng kiến trên 90% sự góp mặt của hàng Việt. Đối với nhóm mặt hàng này, theo những người bán hàng, hàng ngoại chiếm ty trọng không đáng kể và chủ yếu để làm phong phú thêm sự lựa chọn của khách hàng, đáp ứng nhu cầu một bộ phận nhỏ tìm kiếm các sản phẩm cao cấp, tỷ lệ thuận với giá.

Theo đại diện BigC Đà Nẵng, nhóm hàng Việt chiếm ưu thế tuyệt đối nhất là hàng tươi sống (rau – củ – quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản) với 99%. Lý do được đưa ra là do loại sản phẩm này có vòng quay ngắn, nguồn cung trong nước dồi dào từ các vùng chuyên canh như rau củ Đà Lạt, trái cây ĐBSCL.

Ở góc độ một nhà phân phối bán lẻ, BigC Đà Nẵng nhận xét: vài năm trở lại đây các NSX trong nước đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa như cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, đa dạng hóa chủng loại, kích cỡ. Theo BigC Đà Nẵng, khâu tiếp thị, quảng cáo sản phẩm, quảng bá thương hiệu cũng bắt đầu được chú trọng đúng mức hơn.

Đối với mặt hàng nội thất, các siêu thị, cửa hàng nội thất lớn như Uma, Nhà đẹp… đều đã “dịch chuyển” từ hàng Malayssia, Indonesia, Châu Âu sang các loại hàng Việt để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Theo đó, chất lượng, mẫu mã hàng nội thất trong nước tương đối tốt, lại không mất thuế nhập khẩu nên giá “dễ chịu” hơn hàng ngoại cùng loại.

Chợ: Người tiêu dùng “quay lưng” với hàng trôi nổi

Không chiếm thị phần nổi trội như các siêu thị, nhưng tại các chợ bán lẻ nhóm hàng thực phẩm, đồ uống, thời trang và đồ gia dụng trong nước cũng đã được khách hàng chú ý nhiều hơn so với các mặt hàng cao cấp giá đắt, đặc biệt là hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tại chợ Cồn – khu chợ bán hàng tiêu dùng đông đúc nhất nhì Đà Nẵng, khi được hỏi về các loại hàng nhập giá rẻ thì đều nhận được cái lắc đầu của các tiểu thương.

Theo quan sát của PV, các sản phẩm tiêu dùng hiện nay được bán tại chợ hầu hết là hàng nội địa, chỉ có vài phần trăm là hàng được nhập chủ yếu từ Trung Quốc. Chị Thủy, chủ quầy hàng chén dĩa bằng sành sứ Vinh Thủy (chợ Cồn) cho biết: “Thời gian gần đây hàng Trung Quốc bán chậm lắm nên tôi cũng không còn bán nhiều nữa, trong gian hàng của tôi hàng Trung Quốc ngoại giờ chỉ chiếm khoảng 2% thôi”.

Không riêng hàng sành sứ, các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng… cũng ít được lựa chọn nếu có chữ tượng hinh không kèm nhãn phụ tiếng Việt và ghi kênh phân phối rõ ràng.

Theo chị Thủy, trong giai đoạn hiện nay người tiêu dùng rất cảnh giác, ít lựa chọn hàng không rõ nguồn gốc vì nghe nói nhiều về tác hại đến sức khỏe của những mặt hàng không rõ nguồn gốc.

Theo các tiểu thương chợ Cồn, các mặt hàng không rõ nguồn gốc có mặt bằng giá rẻ hơn hàng nội từ 10 – 30% tùy loại, nhưng lợi thế đó không còn thu hút được nhiều người mua hàng. Số ít mua hàng này, chủ yếu là do túi tiền quá eo hẹp, hoặc bị chinh phục bởi mẫu mã, hình ảnh trên bao bì.

Tương tự, ở Hà Nội, nhóm hàng nội chiếm ưu thế và bán chạy tại các siêu thị, các chợ bán lẻ vẫn là thực phẩm, đồ uống, thời trang và đồ gia dụng. “Sở dĩ các chạy là do khách hàng truyền tai nhau về chất lượng và giá cả của hàng Việt ngày càng tốt. Cùng với đó là lạm phát co hẹp túi tiền người tiêu dùng, thuế nhập khẩu đẩy giá hàng ngoại lên khiến khách hàng không thiết tưởng đồ ngoại nữa”, một nhân viên bán hàng cho biết.

Theo Dân Trí

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

14 + 4 =

To Top