Connect with us

Aeon Việt Nam với chiến lược “Đi tắt, đón đầu”

Tình huống thương hiệu

Aeon Việt Nam với chiến lược “Đi tắt, đón đầu”

Trung tâm mua sắm Aeon Mall Celadon Tân Phú vừa ra mắt đã làm thị trường bán lẻ tăng nhiệt. Tuy là người đến sau nhưng Tập đoàn Aeon tỏ ra không hề kém cạnh trong khả năng tranh chấp mặt bằng với các đối thủ bằng chiêu “đi tắt đón đầu”.

“Chúng tôi tập trung vào khu vực ngoại thành, ưu tiên các khu đô thị mới như Celadon ở quận Tân Phú với diện tích khủng và thời gian thuê đất lên tới 50 năm”, ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết.

Mặt bằng chính là thách thức muôn thuở của ngành bán lẻ trong nước nên việc tìm những mặt bằng lớn thuộc các khu đô thị mới ở Việt Nam chính là chiêu khác biệt của Aeon. Chiến lược này cũng sẽ được áp dụng cho Trung tâm mua sắm Aeon thứ hai rộng 62.000 m2 ở Khu Đô thị Canary, Bình Dương (dự kiến khai trương vào tháng 10.2014) và trung tâm thứ ba rộng 100.000 m2 ở Khu Đô thị Long Biên, Hà Nội (7.2015).

Với Aeon Mall Celadon City, Aeon đã đầu tư hơn 100 triệu USD. Theo dự kiến, 2 đại siêu thị Aeon Mall tiếp theo cũng sẽ được đầu tư hơn 200 triệu USD. “Kế hoạch của chúng tôi là chỉ sẽ dùng hoàn toàn vốn tự có từ tập đoàn mẹ ở Nhật”, ông Yasuo, Aeon Việt Nam khẳng định.

Chỉ trong 10 ngày đầu khai trương, Aeon Mall Celadon Tân Phú đã đón nhận sự phản hồi nồng nhiệt của người tiêu dùng, vượt cả mong đợi với hơn 30.000 lượt trong những ngày thường và hơn 70.000 lượt vào dịp cuối tuần. Hiện trên 90% diện tích bán lẻ của trung tâm mua sắm này đã được lắp đầy với hơn 1.000 nhà cung cấp trong và ngoài nước, nhiều nhất là hàng hóa nhập khẩu từ Nhật. Tập đoàn Aeon cũng đã xuất khẩu được lượng hàng hóa trị giá trên 60 triệu USD từ Việt Nam tới hệ thống chuỗi bán lẻ của mình gồm hàng ngàn siêu thị, trung tâm mua sắm tại châu Á.

Từ nay đến năm 2020, Aeon đặt mục tiêu mở 20 trung tâm mua sắm hiện đại tại Việt Nam với tốc độ đầu tư khoảng từ 1 – 2 cơ sở mỗi năm tại các tỉnh thành lớn trong nước. Việt Nam chính là quốc gia thứ ba sau Malaysia và Trung Quốc có sự xuất hiện của mô hình trung tâm mua sắm Aeon với quy mô lớn.

Trong kế hoạch phát triển trung hạn (niên độ 2011 – 2013), Aeon đã đề ra chiến lược “chuyển sang châu Á”. Theo đó, toàn tập đoàn sẽ đẩy mạnh chiến lược phát triển vào Đông Nam Á và Trung Quốc. Tại Việt Nam, năm 2008, Công ty Aeon Credit Service đã trở thành doanh nghiệp Nhật đầu tiên cung cấp dịch vụ bán hàng trả góp.

Hiện Aeon khai thác 75 trung tâm mua sắm tại Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Trong năm 2014, đại gia bán lẻ này có kế hoạch tiến vào các thị trường mới gồm Lào, Myanmar và Ấn Độ.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

10 − two =

To Top