Connect with us

Đường gập ghềnh của Kazuo Hirai

Tình huống thương hiệu

Đường gập ghềnh của Kazuo Hirai

Đầu tháng 5/2013, Kazuo Hirai đã có thể ăn nói với cổ đông khi hãng điện tử Nhật Sony có lãi trở lại sau 4 năm thua lỗ. Khi đó, Sony đã lãi ròng 43 tỉ yên, tương đương 435 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2013. Thế nhưng, kể từ đó, vị tổng giám đốc của Sony liên tục đón nhận hung tin.

Chỉ một năm sau ngày ăn mừng chiến thắng, Công ty đã quay trở lại với điệp khúc lỗ với mức lỗ 128 tỉ yen (1,25 tỉ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2014. Sony cũng dự kiến sẽ tiếp tục lỗ trong năm tài chính hiện tại nhưng mức lỗ sẽ nhẹ nhàng hơn, chỉ 50 tỉ yen.

Nhưng rồi giữa tháng 9 vừa qua, Sony lại điều chỉnh con số lỗ cho năm tài chính 2014/2015 gấp gần 5 lần so với mức dự báo hồi tháng 5. Mức lỗ ròng dự kiến lên tới 230 tỉ yen (2,15 tỉ USD), do Sony ghi giảm giá trị sổ sách của bộ phận di động. Cổ phiếu đã giảm tới 13%, mức giảm sâu nhất trong một phiên kể từ tháng 3/2011 sau thông tin trên.

Những diễn biến mới nhất đã khẳng định điều mà các chuyên gia lo ngại: đó là Sony sẽ không là một người chơi lớn trên thị trường điện thoại thông minh, một trong những hy vọng cuối cùng của ông Hirai nhằm lội ngược dòng bộ phận điện tử tiêu dùng đang gặp khó khăn.

Ông Hirai cho biết ông muốn tái thiết lại bộ phận điện tử tiêu dùng, nhưng ông đang hết sự lựa chọn. Đầu năm nay, Công ty đã bán đi bộ phận máy tính cá nhân không sinh lời và chia tách bộ phận tivi làm ăn thua lỗ thành một công ty riêng lẻ – một động thái mà giới chuyên gia phân tích cho rằng có thể là bước đi chuẩn bị cho việc bán bộ phận tivi sau này.

Trong khi đó, mảng điện thoại di động, vốn cách đây hơn một năm là mảng điện tử sinh lợi nhất của Công ty, thì bắt đầu va vấp. Hồi tháng 7, Sony cho biết dự kiến sẽ bán được chỉ 43 triệu chiếc điện thoại thông minh trong năm nay so với mức dự báo 50 triệu chiếc trước đó. Nguyên do là sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ châu Á ở phân khúc trung cấp như Huawei và Xiaomi của Trung Quốc.

Sony khuyến cáo sẽ lỗ tiếp trong năm tài chính hiện tại

Ở phân khúc cao cấp hơn, Apple và Samsung lại là đối thủ đáng gờm. Các chuyên gia phân tích cho biết chiếc Xperia Z3 mới của Sony sẽ khó bán chạy do trùng với thời điểm Apple công bố chiếc iPhone 6. Thiết bị Xperia hiện chỉ chiếm khoảng 3,1% thị trường điện thoại thông minh toàn cầu xét về lượng bán ra. “Thị trường di động thay đổi quá nhanh chóng cả về sản phẩm, giá lẫn dịch vụ”, ông Hirai thừa nhận.

Ông Hirai đã rất vất vả để đưa bộ phận di động trở thành một đối thủ xứng tầm với Apple và Samsung kể từ khi Sony mua lại hết số cổ phần của đối tác Ericsson (Thụy Điển) trong liên doanh di động vào năm 2012. Và mặc dù nhiều đối thủ Nhật của Sony đã rút khỏi mảng di động nhưng ông vẫn cho rằng mảng di động vẫn là một động lực tăng trưởng trong bộ phận điện tử.

“Chúng tôi tin rằng di động vẫn là một mảng quan trọng cùng với mảng trò chơi và hình ảnh. Chúng tôi vẫn thấy nhiều dư địa tăng trưởng và sẽ xây dựng một nền tảng để chúng tôi có thể tấn công mạnh vào các thị trường bên ngoài điện thoại thông minh như thiết bị có thể mang trên người”, ông nói.

Tháng 9 vừa qua, ngoài việc ra mắt Xperia Z3, Sony cũng đã trình làng chiếc đồng hồ thông minh được cải tiến tại một cuộc triển lãm thương mại ở Berlin, Đức. Công nghệ thiết bị có thể mang trên người đang gây sốt, nhất là sau khi Apple tung ra chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch.

Khi đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc vào năm 2012, ông Hirai cho biết sẽ hồi phục Sony bằng cách đẩy mạnh mảng trò chơi, hình ảnh và thiết bị di động trong bối cảnh các bộ phận tivi và máy ảnh compact đang sa sút. Cho đến bây giờ, mảng phim ảnh Hollywood vẫn còn làm ăn tốt trong khi mảng trò chơi chứng kiến doanh số bán cao của thiết bị điều khiển trò chơi PlayStation 4.

Tháng 9 vừa qua, theo thông tin từ Sony, doanh số bán PlayStation 4 đã qua mặt thiết bị của các đối thủ Microsoft và Nintendo trong 8 tháng liên tiếp. Còn bộ phận hình ảnh thì hưởng lợi từ việc nhu cầu mạnh đối với các cảm biến dùng trong các điện thoại thông minh khác trong đó có iPhone của Apple. Nhờ những mảng này mà Công ty đã báo cáo lãi ròng 25,7 tỉ yen trong quý kết thúc vào tháng 6/2014.

Giờ kế hoạch lội ngược dòng của ông Hirai đang bị “yếu” ở mảng di động. Sự khó khăn của mảng di động đã buộc Sony dự kiến sẽ cắt giảm gần 1.000 việc làm, chiếm khoảng 15% lực lượng lao động của mảng này, ngoài việc ghi giảm giá trị tài sản.

Dù vậy, một số chuyên gia phân tích vẫn ủng hộ Hirai. “Dẫu có cắt giảm dự báo kết quả kinh doanh 4, 5 hay 6 lần cũng đều không quan trọng. Điều quan trọng là liệu cuộc tái cấu trúc này có giải quyết được các vấn đề như đã nói hay không”, Yasuo Sakuma, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Bayview Asset Management tại Tokyo, nhận xét.

Một số chuyên gia khác thì cho biết việc ghi giảm tới 180 tỉ yen giá trị tài sản ở mảng di động là hoàn toàn nằm trong dự đoán sau khi Sony phát tín hiệu về việc này trong tháng 7 vừa qua và xem đó là một mảng ghép quan trọng trong kế hoách tái cấu trúc mà Hirai cam kết sẽ hoàn tất trong năm nay.

“Tôi đảm bảo tái cấu trúc sẽ hoàn tất trong năm nay và chúng tôi sẽ có lợi nhuận vào năm tài chính tiếp theo (năm 2015/2016)”, ông Hirai nói.

Đối với mảng di động, ông đã có sự thay đổi chiến lược. Ông cho biết, thay vì cạnh tranh với các thương hiệu giá rẻ, Công ty sẽ tập trung vào các thị trường ngách cao cấp ở những quốc gia có chọn lọc.

Một số người cũng đồng tình, cho rằng việc nhắm vào những thị trường mạnh nhất như Nhật có thể sẽ giúp Sony thành công. “Có vẻ như đây là nước cờ cuối của Sony với vị trí là người chơi lớn trong mảng điện tử tiêu dùng”, Pelham Smithers, Giám đốc Điều hành Pelham Associates in London, nhận xét.

Dẫu vậy, một vấn đề dai dẳng của bộ phận di động Sony là thiếu khả năng tạo sự đột phá trên thị trường Mỹ, nơi Apple và Samsung đang chiếm lĩnh. Các sản phẩm “đinh” mới đây nhất của Sony được bán bởi T-Mobile US Inc. Và Công ty gần đây đã ký thương vụ cung cấp sản phẩm Xperia Z3 với Sprint Corp.

Thế nhưng, Sony lại chưa bắt tay được với 2 nhà khai thác dịch vụ di động hàng đầu nước Mỹ là Verizon Wireless và AT&T. “Một điều rõ ràng là chúng tôi cần tiếp tục đầu tư vào thị trường Mỹ. Từng bước một, tôi tin là chúng tôi sẽ có thể tăng được thị phần ở đây”, ông Kunimasa Suzuk, phụ trách mảng di động tại Sony, cho biết.

Sau lần bán tháo vào tháng 9, giá cổ phiếu Sony vẫn còn tăng khoảng 7,5% tính từ đầu năm đến nay. Có vẻ như nhà đầu tư vẫn còn hy vọng. Họ hy vọng rằng quá trình tái cấu trúc sẽ hoàn tất trong năm nay và ông Hirai sẽ có thể làm được lời hứa đưa Sony có lãi trở lại trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2016, chấm dứt thời kỳ ảm đạm kéo dài khi trong 6 năm qua, có đến 5 năm Sony làm ăn thua lỗ.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

6 + nineteen =

To Top