Connect with us

Nike – adidas: So giày sớm

Tình huống thương hiệu

Nike – adidas: So giày sớm

World Cup 2014 diễn ra sớm với hai hãng trang phục thể thao lớn nhất thế giới là Nike và adidas.

Hãng adidas mới ra mắt trái bóng Brazuca sẽ được sử dụng chính thức tại kỳ World Cup 2014 diễn ra tại Brazil. Đây chắc chắn là một tin không vui với Nike – đối thủ chính của adidas trong mọi kỳ World Cup cũng như trên thị trường trang phục thể thao thế giới. Lâu nay, Nike và adidas cạnh tranh quyết liệt để giành ngôi độc tôn trên thị trường trang phục bóng đá trị giá hơn 5 tỷ euro, dịp World Cup này sẽ khiến cuộc chiến giữa hai thương hiệu quyết liệt hơn.

Nike đã có chiến thắng sớm khi trở thành nhà cung cấp trang phục cho 10 đội bóng lọt vào vòng chung kết World Cup 2014. adidas và Puma, mỗi thương hiệu có hợp đồng với 8 đội tuyển quốc gia. Nhưng adidas tỏ ra giữ lợi thế khi gia hạn hợp đồng tài trợ cho World Cup đến năm 2030, mỗi năm trị giá hơn 37 triệu euro. Hợp đồng cho phép adidas cung cấp bóng thi đấu, trang phục cho trọng tài, quan chức giải và tình nguyện viên cùng đặc quyền quảng cáo tại các địa điểm diễn ra World Cup.

Cuộc đối đầu khốc liệt giữa Nike và adidas trong các kỳ World Cup bắt đầu từ những năm 1990 khi Nike mở rộng thị trường vào lĩnh vực bóng đá, mảnh đất màu mỡ mà adidas đang độc quyền. Kể từ đó, Nike và adidas cạnh tranh quyết liệt để ký hợp đồng với các đội tuyển quốc gia bằng mọi giá, kể cả việc mua lại hợp đồng của đối thủ.

Cuộc chiến này ngày một leo thang, khi các kỳ World Cup mang lại lợi nhuận khổng lồ và hình ảnh thương hiệu cho cả hai. Theo một nghiên cứu trong giai đoạn 2004-2012, Nike đã đạt lãi ròng gần 1,7 tỷ euro, trong khi adidas cũng ở gần mốc 800 triệu euro.

Với lợi thế ở World Cup, adidas đã dự báo doanh số kỷ lục hơn 2 tỷ euro trong năm 2014, một bước nhảy vọt so với con số 1,5 tỷ euro trong năm diễn ra World Cup 2010. adidas cũng đã khởi động các chiến dịch World Cup với các hoạt động như ra mắt các dòng giày mới, áo thi đấu của các đội như Đức, Tây Ban Nha, Argentina.

Trong 15 năm trở lại đây, Nike luôn ở vị trí dẫn đầu trong kinh doanh bóng đá. Các đội bóng nổi tiếng mà họ đã từng tài trợ có thể kể đến Barcelona (189 triệu USD cho bản hợp đồng có thời hạn 5 năm), M.U (439 triệu USD trong 15 năm), Arsenal (gần 250 triệu USD trong 10 năm), Juventus (12 triệu USD một năm) và rất nhiều đội bóng khác nữa. Nike còn có hợp đồng dài hạn với Liên đoàn Bóng đá Brazil, có hiệu lực từ năm 1997.

Nike kỳ vọng Brazil sẽ là thị trường lớn thứ 3 trên thế giới vào năm 2017, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Để giành thị trường của adidas ngay tại thị trường châu Âu, Nike đã mua lại hãng Umbro (Anh). Trong khi đó, adidas bắt đầu chinh phục thị trường Bắc Mỹ bằng cách mua lại hãng Reebok của Mỹ để tranh giành thị trường đầy tiềm năng này.

adidas vừa thông báo lợi nhuận ròng trong quý I/2013 tăng 6%, lên 308 triệu euro (403 triệu USD) và dự báo lợi nhuận cả năm 2013 sẽ tăng lên 920 triệu euro. Doanh số bán của adidas tăng trên phần lớn thị trường toàn cầu, song giảm 6% trên thị trường Tây Âu, nhất là ở các nước Tây Ban Nha, Ý và Anh.

Giám đốc Điều hành adidas Herbert Hainer cho biết, doanh thu của Tập đoàn vẫn ổn định mặc dù không bằng doanh thu của năm ngoái, do không có các sự kiện như Thế vận hội Olympics London và Giải vô địch bóng đá châu Âu cùng với việc phải đối mặt với những khó khăn kinh tế ở châu Âu.

Vì vậy, adidas sẽ không bỏ lỡ cơ hội tại kỳ Wolrd Cup năm tới để bù đắp sự sụt giảm doanh số, cũng như cơ hội mở rộng sang các thị trường mới như Nga, Trung Đông và Nam Phi.

 

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fifteen + nine =

To Top