Connect with us

Mất dần các thương hiệu lớn trong nước

Tình huống thương hiệu

Mất dần các thương hiệu lớn trong nước

Nhiều công ty sản xuất vật liệu xây dựng bị đẩy đến bờ vực phá sản. Đó là cơ hội không thể tốt hơn cho các công ty nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam, sở hữu những cơ sở sản xuất hiện đại và các thương hiệu lớn với giá rẻ.

Cứu giúp và… cơ hội

Cuối năm 2012, tập đoàn Semen Gresik (Inđônêsia) đã hoàn tất việc mua lại cổ phần của Công ty Xi măng Thăng Long. Đây là thương vụ có lợi cho cả Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), chủ đầu tư của xi măng Thăng Long, và cả Semen Gresilk, nhà sản xuất xi măng lớn của Đông Nam Á.

Vào thời điểm đó, Xi măng Thăng Long đang thua lỗ khá nặng. Sự xuất hiện của Semen Gresik giống như chiếc phao cứu sinh đối với Geleximco, giúp công ty giải cơn “khát” tài chính để thanh toán các khoản nợ nần, trong đó các khoản nợ vay để đầu tư, đồng thời rút dần ra khỏi lĩnh vực xi măng mà tương lai ở phía trước vẫn còn xám xịt. Còn với Semen Gresik, tuy số tiền phải chi ra cho thương vụ này cao, theo đánh giá của những người trong nghành, nhưng bù lại, đây là con đường ngắn nhất để Semen Gresik sở hữu một trong hai nhà máy xi măng cho thị trường Inđônêsia, vốn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu.

Quan trọng hơn, thương vụ này còn giúp Semen Gresik có được quyền đầu tư thêm hai dự án xi măng nữa, gồm dự án xi măng Thăng Long 2 (tỉnh Quảng Ninh) và nhà máy Xi măng An Phú ở Bình Phước. Semen Gresik dự kiến, đến năm 2016, năng lực sản xuất xi măng của tập đoàn này tại VN sẽ lên đến 6,3 triệu tấn/năm, đó là nền tảng để Semen Gresik thâm nhập mạnh vào thị trường VN.

Năm 2012, Chính phủ phải cắt giảm một loạt dự án đầu tư công do kinh tế khó khăn. Nhu cầu đầu tư của khu vực doanh nghiệp cũng giảm sút mạnh, cộng với tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, nên doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Không ít doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, cắt giảm sản lượng, thậm chí nhiều công ty bị đẩy tới bờ vực phá sản. Đó là cơ hội không thể tốt hơn cho các công ty nước ngoài, nhất là những doanh nghiệp đến từ các nước Đông Nam Á, để sở hữu các cơ sở sản xuất trong các nghành quan trọng ở VN.

Ngoài thương vụ với Xi măng Thăng Long, Semen Gresik còn hoàn tất thương vụ mua Xi măng Chinfon. Còn một nhà đầu tư đến từ Maylaisia cũng đang thương thảo để sở hữu Công ty Xi măng Cẩm Phả. Năm ngoái, tập đoàn Siam Cement Group (SCG- Thái Lan) cũng đã chi ra khoảng 5.000 tỉ đồng để sở hữu 85% cổ phần của Prime Group, nhà sản xuất gạch ốp lát lớn nhất VN.

Một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính ở trong nước cũng đã tận dụng cơ hội này để tăng cường năng lực sản xuất của mình với giá rẻ. Trong đó điển hình là tập đoàn The Vissai. Chỉ trong vòng ba năm, tập đoàn này đã mua về 4 Công ty xi măng: Vinashin, Hòa Phát, Đồng Bành, và Đô Lương.

Công cốc

Nhìn lại các thương vụ mua bán, sáp nhập trong nghành vật liệu xây dựng một năm qua, dễ dàng nhận ra các công ty nước ngoài đều chọn những doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng và sản phẩm có chỗ đứng tốt ở thị trường nội địa. Những ông chủ của các công ty đã phải tổn hao rất nhiều công sức tiền bạc để quảng bá thương hiệu, gây dựng thị trường, thiết lập hệ thống phân phối. Việc doanh nghiệp trong nước phải bán đi công ty, chỉ để có tiền trang trải nợ nần và không bị rơi vào phá sản, sau khi đã bỏ ra nhiều năm và nhiều công sức gây dựng thì quả là đáng tiếc.

Ông Đinh Quang huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam, nói: “Với nỗ lực xây dựng một thượng hiệu tốt như thế, có tiếng tăm trên thế giới, như Prime được tạp chí World Ceramics xếp là doanh nghiệp sản xuất gạch lớn thứ năm trên thế giới và đứng đầu tại Việt Nam, giờ đã bị “thâu tóm”, là một điều đáng tiếc”

Bên cạnh đó, sản xuất xi măng, gạch ốp lát đều là những nghành được hình thành phát triển dựa trên việc khai thác tài nguyên. Mua lại các công ty có nguy cơ phá sản trong nước là giải pháp đơn giản và rẻ tiền nhất để các công ty nước ngoài có quyền khai thác những mỏ khoáng sản lớn và những địa đểm thuận lợi nhất cho cả việc khai thác và vận chuyển, mà ngay cả nhiều công ty trong nước khác muốn mà không được.

Ngoài ra, sau nhiều năm ngưng đầu tư kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính vào năm 1998, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á bắt đầu rơi vào tình trạng sản xuất vật liệu xây dựng không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Để doanh nghiệp của các nước này mua lại cơ sở sản xuất ở Việt Nam còn trực tiếp làm giảm đi cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước. Đây không chỉ là mất mát của bản thân họ, mà của cả nền kinh tế đất nước.

Cuối năm ngoái, Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam đề nghị Chính phủ có biện pháp hạn chế việc các công ty lớn, có công nghệ sản xuất hiện đại và thương hiệu mạnh rơi vào các công ty nước ngoài. Thế nhưng, nếu Chính phủ không thể cứu các doanh nghiệp này, thì cũng không thể ngăn họ tự cứu mình bằng cách đó.

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 − twelve =

To Top