Connect with us

Kinh Đô nhảy vào làm mì gói: Thêm bát có nát mâm?

Tình huống thương hiệu

Kinh Đô nhảy vào làm mì gói: Thêm bát có nát mâm?

Dù đã có 50 doanh nghiệp (DN) sản xuất nhưng thị trường hơn 5 tỷ gói mì mỗi năm với mức tăng trưởng 15-20% vẫn luôn thu hút dòng tiền đầu tư. Sự xuất hiện của "tay to" Kinh Đô là một minh chứng của xu hướng này.

Kinh Đô: Giữ bánh, thêm mì

Tại đại hội cổ đông 2013, lãnh đạo Công ty Kinh Đô tuyên bố sẽ tham gia lĩnh vực mỳ gói, dầu ăn và sữa. Đây là giải pháp quan trọng để Công ty tăng trưởng trên 20% một năm. Chia sẻ với báo giới, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô, cho biết, Công ty đang lên kế hoạch chi tiết và nếu không có gì thay đổi, vào tháng 6 tới, mì gói Kinh Đô sẽ có mặt trên thị trường.

Đến quý IV năm nay, dầu ăn thương hiệu Kinh Đô cũng sẽ xuất hiện. Việc tham gia vào hai lĩnh vực này sẽ giúp Công ty đạt doanh thu lên 6.000 tỷ đồng trong năm nay.

Do ra sau nên Kinh Đô sẽ không cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ tầm cỡ, mà sẽ nhắm vào những phân khúc nhỏ hơn. Cùng với việc sản xuất, Kinh Đô củng cố hệ thống phân phối, từ kênh phân phối thực phẩm (bánh khô và bánh tươi) đến kênh phân phối lạnh, với 300 nhà phân phối và 200.000 điểm bán lẻ.

“Hiện nay, thị trường mì gói miền Nam trị giá khoảng 2 tỷ USD/năm, do vậy Kinh Đô vẫn còn nhiều không gian để phát triển và chúng tôi rất tự tin sẽ thành công với các dự án này”, ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ.

Sự “lấn sân” của Kinh Đô không khiến các DN khác ngạc nhiên bởi sức hút của thị trường này quá lớn. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Mì ăn liềnThế giới, Việt Nam được xếp vị trí thứ tư trên thế giới (sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản) về tiêu thụ mì gói. Nếu như năm 2009, Việt Nam tiêu thụ khoảng 4,3 tỷ gói mì thì đến năm 2012 đã tăng lên 5,1 tỷ gói và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trên thực tế, doanh thu của các DN mì gói liên tục tăng 10-30% mỗi năm. Cụ thể, năm 2011, doanh thu của Acecook tăng 30%. Thương hiệu mì Shin Ramyun của Công ty Nong Shim (Hàn Quốc) tăng từ 27-35% mỗi năm, kể từ năm 2005 đến nay.

Sản lượng tiêu thụ mì ăn liền tại thị trường Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây đã thu hút sự tham gia của nhiều DN. Mặc dù Việt Nam đã có khoảng 50 DN mì ăn liền, sản xuất gần 50 tỷ gói một năm nhưng điều này không cản bước các nhà đầu tư.

Trước Kinh Đô, tháng 7/2012, Tập đoàn mì ăn liền Nissin Foods cũng đã nhảy vào thị trường Việt Nam bằng việc khai trương nhà máy sản xuất mì ăn liền tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II (Bình Dương) với kinh phí đầu tư lên đến 41 triệu USD. Không sản xuất mì như các DN đi trước, Nissin chọn loại mì đặc biệt không chiên.

Sự xuất hiện Nissin Foods cũng khiến các thương hiệu khác ngán ngại. Bởi đây là thương hiệu mì bán chạy số 1 tại Nhật. Tập đoàn đã có 47 nhà máy sản xuất ở 15 quốc gia và tạo ra hơn 1.200 loại mì gói cho thị trường toàn cầu.

Phòng thủ và soán ngôi

Trước sự xuất hiện của những thương hiệu mới, các DN ngành mì gói phải tăng tốc để giữ thị phần. Năm 2012, sau khi Nissin xuất hiện, Vina Acecook đã tăng vốn thêm 10 triệu USD và đưa vào hoạt động hai nhà máy sản xuất mì ăn liền quy mô hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á tại TP.HCM.

Cùng với dây chuyền sản xuất mới, Vina Acecook cũng giới thiệu thương hiệu mì không chiên Mikochi, mì Udon Sưki Sưki. Masan do đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như cà phê, nước uống nên lĩnh vực mì gói có vẻ chựng lại. Tuy nhiên, thương hiệu này vẫn liên tục “dội bom khuyến mãi” và đẩy mạnh phân phối vào các thị trường, đặc biệt là thị trường nông thôn.

Các nghiên cứu cho thấy, dù thị trường có 50 DN sản xuất nhưng chủ yếu tập trung vào các “ông lớn” như Vina Acecook, Asia Foods và Masan. Trong đó, các sản phẩm của Vina Acecook (100% vốn Nhật Bản) đang dẫn đầu với khoảng 50% thị phần.

Tiếp theo là Asia Foods (DN trong nước) chiếm hơn 20% thị phần và thứ ba là Massan. Còn lại một thị phần rất nhỏ chia đều cho các DN cả mới lẫn cũ, trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, ở nhóm này, vẫn có những DN tiềm năng như Uni-President, Miliket…

Ông Trần Bảo Minh, người tạo dựng thương hiệu Mì Gấu Đỏ, từng cho rằng, với mì gói, công nghệ sản xuất của các công ty gần như giống nhau và sự khác biệt được tạo ra chủ yếu bởi chủng loại, giá cả và các chiêu thức quảng cáo chứ không phải ở chính sản phẩm.

Và năm nay, DN mì gói không cạnh tranh về sản phẩm mà dồn lực cho quảng cáo. Hiện nay, ba “ông lớn” Vina Acecook, Asia Foods và Masan vẫn liên tục chiếm các “giờ vàng truyền hình”. Tuy nhiên, bên cạnh các thương hiệu này, kênh giờ vàng truyền hình còn có sự “án ngữ” của tân binh Nissin.

Chưa có thống kê về kinh phí mà các DN này đầu tư cho truyền thông nhưng theo đại diện một công ty nghiên cứu thị trường là không hề nhỏ. Bởi, Vina Acecook vừa kết thúc TVC mì Udon Sưki Sưki thì hình ảnh quảng cáo mì không chiên Mikochi, Hảo Hảo xuất hiện. Masan cũng liên tục tung Omachi trên truyền hình. Xen lãn vào những TVC của những thương hiệu này là những thước phim về Nissin.

Theo các nhà phân tích, dù thị trường có cạnh tranh cỡ nào thì các DN cũng khó “soán ngôi” của Acecook vì DN này đang sở hữu trên 700 nhà phân phối, phủ kín 100% thị trường Việt Nam. Với 11 nhà máy sản xuất, mỗi năm công ty này thu về hơn 4.500 tỷ đồng.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twelve − 3 =

To Top