Connect with us

Phát triển công nghiệp: Ngước mắt nhìn Thái Lan

Tin quốc tế

Phát triển công nghiệp: Ngước mắt nhìn Thái Lan

Từ một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp cách đây hơn 50 năm, Thái Lan đã trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu chủ chốt của thế giới. Quốc gia này đã làm điều đó như thế nào?

Nhắc đến Thái Lan, người ta nghĩ ngay đến công nghiệp xe hơi, ngành công nghiệp chế tạo hàng đầu của nước này. Hiện nay, Thái Lan là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất khu vực ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á) và đang hướng tới vị trí thứ 10 trên toàn cầu. Gần một nửa các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô lớn nhất thế giới đã đặt nhà máy tại đây như Ford, General Motors, BMW, Daimler Chrysler, Mitsubishi, Mazda, Toyota, Isuzu, Nissan, Honda, Yamaha và Suzuki.

Không chỉ công nghiệp ôtô, ngành công nghiệp điện tử của Thái Lan cũng rất phát triển. Nước này hiện là nhà sản xuất ổ cứng lớn thứ hai thế giới, cung cấp tới 40% sản lượng cho thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Trận lũ lụt lịch sử cuối năm 2011 tại Thái Lan đã khiến nguồn cung các thiết bị, phụ tùng hàng điện tử và xe hơi cho thế giới bị thiếu hụt nghiêm trọng. Điều này cho thấy ngành công nghiệp Thái Lan đóng vai trò quan trọng như thế nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn lại nền kinh tế dựa vào nông nghiệp của Thái Lan cách đây hơn 50 năm, sự phát triển này quả là khá ấn tượng. Vậy người Thái đã làm điều đó như thế nào?

Bài học về công nghiệp phụ trợ

Trước năm 1960, công nghiệp Thái Lan khá manh mún, chủ yếu là các xí nghiệp tư nhân nhỏ và một số công ty quốc doanh cỡ vừa. Thế nhưng, sau năm 1960, Thái Lan đã thay đổi về tầm nhìn lẫn chính sách tăng trưởng. Nước này chuyển sang đầu tư nhiều vốn và kỹ thuật cao thay cho lao động giá rẻ. Họ không sử dụng chiến lược sản xuất thay thế hàng nhập khẩu nữa, mà hướng đến xuất khẩu. Tỉ trọng công nghiệp trong nền kinh tế ngày càng tăng, hiện chiếm gần 50% tổng sản phẩm quốc nội so với 44,9% của năm 2006.

Do có chính sách đầu tư cởi mở, Thái Lan đã thu hút nhiều tập đoàn nước ngoài. Họ được phép sở hữu đất để xây dựng nhà máy và được cung cấp cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Quốc gia này còn xây dựng được các ngành công nghiệp phụ trợ hoàn thiện. Khi công nghiệp phụ trợ nội địa được mở rộng, nhiều hoạt động sản xuất khác cũng phát triển theo, biến Thái Lan thành một trung tâm xuất khẩu và sản xuất chủ chốt của thế giới.

Trong ngành công nghiệp xe hơi, chẳng hạn, tính đến cuối năm 2011, các nhà cung cấp phụ tùng nội địa đã chiếm số lượng lớn nhất với 1.700 công ty so với 16 công ty nước ngoài. Nhờ đó, tỉ lệ nội địa hóa ngành xe hơi đã lên tới 70-80%.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục chảy mạnh vào ngành này. Mitsubishi (Nhật) đã quyết định đầu tư 450 triệu USD cho nhà máy thứ ba ở Thái Lan để sản xuất các loại xe thế hệ mới, thân thiện với môi trường. Ford cũng không chịu thua kém. Theo kế hoạch, hãng xe Mỹ này sẽ có 3 nhà máy xe hơi tại đây với tổng vốn trên 1 tỉ USD. Ford còn dự kiến chi 800 triệu USD mỗi năm để mua các phụ tùng và linh kiện được sản xuất tại Thái Lan cho nhà máy mới. Trước đó, năm 2011, Hãng đã khởi công xây dựng nhà máy trị giá 450 triệu USD tại đây.

Giải thích lý do chọn Thái Lan, ông Michael Pease, khi ấy là Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, nói: “Nguồn cung cấp linh phụ kiện tại Thái Lan rất tốt. Cơ quan xúc tiến đầu tư nước này luôn tích cực tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Chính phủ Thái Lan có hàng loạt chính sách thông thoáng. Và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và xuất khẩu cũng rất phát triển. Đầu tư tại đây thì có thể xuất khẩu ra cả khu vực”.

Công nghiệp phụ trợ Việt Nam đến đâu?

Về phát triển công nghiệp Việt Nam, Đại sứ Nhật Mitsuo Sakaba đã nhận xét: “Hiện nay 70-80% sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp vẫn phải nhập khẩu. Ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam chưa có gì, vừa thiếu vừa yếu về nhiều mặt. Đây là điều đã cản trở doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam”.

Thực tế này của ngành công nghiệp phụ trợ cũng được ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thừa nhận. Ông cho biết, công nghiệp xe hơi, chẳng hạn, sau gần 20 năm ra đời, tỉ lệ nội địa hóa chỉ mới đạt từ 5-10%, chỉ dừng lại ở vỏ ruột xe, dây điện, khung ghế ngồi, bàn đạp chân ga, chân phanh và ăng-ten cho radio trong xe.

Vậy vấn đề của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam nằm ở đâu? Theo Giáo sư Kenichi Ohno, Giám đốc Diễn đàn Phát triển Việt Nam, các nhà quản lý công nghiệp chưa hình dung một cách rõ ràng rằng, đối với ngành lắp ráp, chi phí linh phụ kiện chiếm tới 70-90% giá thành, còn nhân công lao động chỉ chiếm dưới 10%. “Suốt thời gian qua nền công nghiệp của Việt Nam vẫn phát triển dựa trên khai thác tài nguyên và lao động gia công giá rẻ, chứ chưa mấy chú ý đến hàm lượng giá trị gia tăng mà công nghiệp phụ trợ có thể mang lại”, ông nói.

Trong khi đó, theo nhận xét của ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Công nghiệp, ở các nước có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển như Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, công nghiệp phụ trợ được phát động từ phía Chính phủ. Còn ở Việt Nam thì lại được phát động từ giới nghiên cứu và doanh nghiệp. Nói cách khác, các nhà làm chính sách vẫn chưa làm tốt vai trò nhạc trưởng của mình trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Ông Hayashida Takayuki, cố vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật, đã cảnh báo một nguy cơ lớn đối với Việt Nam: “Nếu không phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ thì thay vì mở các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ lựa chọn các điểm đến khác”. Và như vậy Việt Nam sẽ chỉ là nơi tiêu thụ hàng nhập khẩu. Khi đó, công nghiệp Việt Nam sẽ vẫn mãi giậm chân tại chỗ, không thể bắt kịp chứ đừng nói vượt qua các nước trong khu vực.

 

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

13 − twelve =

To Top