Connect with us

Làm sao có “giấy thông hành”vào siêu thị Mỹ?

Tin trong nước

Làm sao có “giấy thông hành”vào siêu thị Mỹ?

Ông Herb Cochran, giám đốc điều hành AmCham Việt Nam cho hay có những bước đi cơ bản, bắt buộc có nhưng không khó thực hiện để tiếp cận những nhà mua hàng lớn ở Mỹ và các quốc gia khác, nhưng ít doanh nghiệp Việt Nam nắm được.

Wal-Mart chào đón tất cả những doanh nghiệp tự thấy có khả năng cung ứng cho họ qua quy trình rất chi tiết được họ công khai minh bạch trên website của Wal-Mart. Doanh nghiệp có thể vào website của Wal-Mart để nộp đơn trở thành nhà cung ứng.

Trong những yêu cầu Wal-Mart và một số nhà mua hàng ở Mỹ đưa ra để xác định tiềm lực của nhà cung ứng, có các yêu cầu đáng chú ý nhất và doanh nghiệp bắt buộc phải có là: mã số DUNS (hệ thống số hoá dữ liệu quốc tế – Data Universal Numbering System); giao dịch thông tin điện tử (EDI); chứng nhận tuân thủ an toàn sản phẩm; bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.

Nghe có vẻ nhiêu khê, nhưng thực ra hiện nay các cơ quan hỗ trợ cho doanh nghiệp tiến hành những thủ tục này đều có mặt tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, tổng giám đốc công ty Dun & Bradstreet Vietnam (D&B) cho biết những nhà mua hàng lớn không muốn gặp khó khăn khi không biết rõ về đối tác, bởi nếu gặp đối tác không đủ năng lực sẽ rủi ro rất lớn cho họ khi gián đoạn nguồn cung cấp.

D&B là tập đoàn cung cấp thông tin thương mại và xếp hạng tín dụng doanh nghiệp đã xác thực hơn 225 triệu hồ sơ công ty trên 200 quốc gia và lãnh thổ. Chỉ mất thời gian 5 – 7 ngày làm việc sau khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp được xác minh và cấp mã số DUNS, chi phí chỉ khoảng 4.400.000 đồng/năm (chưa bao gồm VAT).

Ngoài lợi ích được nhà mua hàng chú ý khi nằm trong danh sách đã có mã số DUNS, doanh nghiệp còn được D&B cấp cho con dấu điện tử để gắn lên website của doanh nghiệp. Đối tác mua hàng vào trang web của doanh nghiệp thấy con dấu điện tử đó thì họ sẽ tin tưởng làm việc, điều này dẫn đến cơ hội nhiều đối tác mua hàng quan tâm.

Vào website của Wal-Mart, Kroger hay nhiều nhà mua hàng khác ở Mỹ đều thấy họ yêu cầu tuân thủ giao dịch thông tin điện tử (Electronic Data Interchange, viết tắt là EDI). Một nhà mua hàng phải làm việc với hàng trăm, hàng ngàn nhà cung cấp nên họ không thể quản lý hàng đống hồ sơ bằng giấy và không muốn mất nhiều thời gian giao dịch bằng tay.

Họ buộc nhà cung cấp phải thực hiện EDI và đưa ra mức phạt nếu không tuân thủ đúng. Theo bà Nguyễn Kim Ánh, phụ trách hỗ trợ doanh nghiệp về EDI của công ty Phát triển doanh nghiệp B2B, tuân thủ EDI thực ra giúp ích nhiều cho doanh nghiệp: giảm chi phí nhân công, giảm chi phí lưu trữ tài liệu, giảm sai sót do thao tác bằng tay, xử lý dữ liệu nhanh chóng, giảm nỗi lo thất lạc hoặc mất tài liệu, giảm thời gian từ khâu đặt hàng đến khâu nhận hàng…

Nhà mua hàng cũng theo dõi những thông tin từ uỷ ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) giám sát sự an toàn của hàng nhập khẩu (không bao gồm thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm, xe cộ hoặc các sản phẩm tại nơi làm việc). CPSC có thể ban hành lệnh thu hồi và hình phạt đối với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm nguy hiểm.

Vì vậy, các sản phẩm nằm trong diện giám sát phải được cung cấp chứng nhận “mức độ đảm bảo cao” (HDOA) và doanh nghiệp lưu ý sản phẩm được chứng nhận cho mỗi nhà máy, nên cùng một sản phẩm sản xuất tại hai nhà máy sẽ yêu cầu chứng nhận riêng biệt. Intertek Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp xác nhận tính an toàn toàn cầu để thêm giấy thông hành đến với các nhà mua hàng lớn ở Mỹ.

Luật pháp Mỹ còn buộc nhà xuất khẩu phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại, tổn thất hay thương tật từ việc người tiêu dùng sử dụng sản phẩm. BrokersLink Vietnam lưu ý chỉ cần một khiếu nại yêu cầu bồi thường đã có thể tạo nên gánh nặng tài chính cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm cũng là một giấy thông hành chính để các sản phẩm thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Tuy không hẳn tất cả doanh nghiệp có đủ những “giấy thông hành” trên thì đều trở thành nhà cung ứng cho Wal-mart hay các nhà mua hàng lớn, nhưng ông Herb Cochran khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn thực hiện vì các nhà mua hàng lớn của Mỹ đang hướng đến nguồn cung cấp ở Đông Nam Á, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có các sản phẩm từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ xây dựng mối quan hệ trực tiếp với các công ty Mỹ.

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × 1 =

To Top