Tin trong nước
Mất chữ tín thương hiệu: Gậy ông đập lưng ông
Chỉ vì một chút lợi trước mắt, một số người đã tạo nên cái hại lâu dài: đánh mất thương hiệu bao đời mới xây dựng được.Mấy ngày nay, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, gốm sứ Trung Quốc “đổ bộ” vào chợ làng nghề Bát Tràng. Theo lời ông Trưởng Ban quản lý chợ, đồ gốm sứ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10-15% món mặt hàng ca cốc, còn tính chung trên tổng số sản phẩm thì chỉ chiếm 2-3%. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng cảnh báo một hệ luỵ không nhỏ.
Một làng nghề truyền thống có tiếng của Hà Nội nay có một phần hàng ngoại nhập trộn vào, liệu có giữ được thương hiệu hàng trăm năm tuổi của mình không? Ví thử, bạn cần đưa một người khách phương xa đi chơi Hà Nội, cho dù đó là người nước ngoài hay trong nước, bạn có còn muốn đưa đến một làng nghề không còn giữ nguyên tính truyền thống đặc sắc của mình không? Nếu bạn ở ngay trung tâm Hà Nội, lặn lội sang Chợ Làng nghề Bát Tràng, chắc hẳn bạn sẽ mong muốn tìm mua những món đồ mang sắc thái của nghề gốm truyền thống. Còn nếu muốn mua hàng gốm sứ Trung Quốc thì mua ở chợ nào cũng có, cần gì phải sang tận Bát Tràng?
Không chỉ có thương hiệu gốm sứ Bát Tràng đang có những dấu hiệu của hàng ngoại trà trộn vào, mà ngay cả Làng lụa Vạn Phúc cũng có những chuyện tương tự, với một cấp độ cao hơn. Theo thông tin trên báo chí, có đến hơn 70% mặt hàng lụa tại đây là hàng lụa pha, hàng “nhái”, hàng trôi nổi.
Cách đây không lâu, thông tin của các cơ quan chức năng đưa ra, một số hộ dân ở làng Vòng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nơi nổi tiếng với món ăn truyền thống đã thành thương hiệu- Cốm Vòng, đã sử dụng phẩm màu công nghiệp để tạo màu cho cốm. Nguyên nhân thật đơn giản, nắm bắt tâm lý khách hàng mua cốm bao giờ cũng muốn mua cốm với màu xanh mướt, một số hộ gia đình làm cốm đã “đáp ứng” ngay nhu cầu này.
Thay vì sử dụng màu thực phẩm hoặc phương pháp cổ truyền là dùng nước lá lúa để tạo màu, thì người ta sử dụng ngay màu công nghiệp- chất phụ gia malachite green cho “vừa nhanh, vừa rẻ”. Và hậu quả nhãn tiền, từ khi thông tin được đưa ra, các hàng cốm bị ế ẩm ngay lập tức.
Hiện chỉ còn 9 hộ gia đình giữ được nghề làm cốm ở làng Vòng (phường Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) thay vì trước kia cả trăm gia đình làm cốm. Các gia đình này đã ký kết giao ước không dùng phẩm màu công nghiệp để tạo màu cốm. Nhưng chỉ vì một vài gia đình sử dụng phẩm màu độc hại nhuộm cốm mà dẫn đến những hộ gia đình có nghề gia truyền từ mấy đời nay đứng trước nguy cơ mất thương hiệu cốm nổi tiếng.
Những câu chuyện gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc trộn hàng Trung Quốc, Cốm Vòng mất an toàn vệ sinh thực phẩm là những hồi chuông cảnh báo: Chỉ vì những cái lợi trước mặt, một số người đã gây nên cái hại lâu dài- đánh mất thương hiệu bao đời mới xây dựng nên!
Theo VOV