Connect with us

Làm thương hiệu cho hàng rong

Tin trong nước

Làm thương hiệu cho hàng rong

Công việc trôi chảy, thu nhập ổn định và vị trí cao trong công ty cũng không làm Phạm Thanh Tuấn thỏa cơn khát làm giàu. Bao ước mơ thời sinh viên lại được khơi dậy và Tuấn "cháy hết mình" với đam mê.

Đổi sướng lấy khổ

Trong dòng hàng rong đa dạng ở Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng 2011, người ta thấy có chiếc xe bán bánh mì mới tinh, với mấy cô bận áo đồng phục màu cam bắt mắt.

Bánh mì quen thuộc với người Đà Nẵng với tên gọi bánh mì que, vàng và giòn rụm, thơm mùi bơ, mè và pâté, một món ăn vặt bình dân tầm bốn, năm giờ chiều lúc học sinh tan trường.

Nhưng lần này, điểm mới lạ là có thêm một bảng hiệu thú vị “Bánh mì tí hon” và mấy cô mặc đồng phục trao sản phẩm nóng hổi đựng trong chiếc bao bằng giấy in đẹp mắt, kèm theo chiếc khăn lạnh, chai nước uống và tấm danh thiếp.

Trông nhang nhác một suất ăn nhanh kiểu Mỹ, thế nên nó cũng hút người mua dù giá hơi mắc vì phải chi trả thêm cho khoản khăn lạnh và nước uống. Người nghĩ ra tên gọi “Bánh mì tí hon” là một bạn trẻ, từ lâu ấp ủ dự án bán hàng rong có thương hiệu.

Phạm Thanh Tuấn rời bỏ công việc với mức thu nhập gần 10 triệu đồng tại TP.HCM để ra Đà Nẵng bán bánh mì kiểu hàng rong. Đây quả là một quyết định khó khăn với nhiều người trẻ tuổi chỉ thích làm việc văn phòng.

Trong đầu Tuấn nảy sinh ý định “đổi sướng lấy khổ” từ những lần bị kẹt xe trên đường đi làm, ghé ăn hàng rong và có dịp quan sát thế giới kinh doanh ngoài vỉa hè, với những gánh hàng rong có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm ở thành phố. Sau một hồi nhẩm tính với kiến thức của người tốt nghiệp quản trị kinh doanh, Tuấn bỗng thấy nghề hàng rong có mức… thu nhập “khủng”!

Thế rồi một dự án ra đời với tên gọi “Bánh mì tí hon” và một quy trình quản lý dự án thật chuyên nghiệp được xây dựng để hình thành chuỗi bán hàng rong có thương hiệu.

Mô hình chuẩn hóa

Tuấn đã bắt đầu những bước đi đầu tiên và đang triển khai dự án kinh doanh chuỗi “Bánh mì tí hon”. Mô hình kinh doanh là một chuỗi gồm một bếp trung tâm với 10 điểm bán rong được nhận diện và chuẩn hóa hoàn toàn từ màu sắc, đồng phục đến bao đựng sản phẩm, xe bán hàng.

Khác với bán hàng rong, các điểm bán của mô hình này cố định ở mặt bằng vỉa hè thuê của bất kỳ nhà hàng, khách sạn, cửa hiệu nào có đủ chỗ để đặt xe bán hàng. Có thể hiểu nôm na là bán hàng rong có thương hiệu và được nhận diện đồng bộ cả hệ thống.

Ông chủ tương lai đôn đáo chạy ra Đà Nẵng nghiên cứu thị trường, nguồn nguyên liệu, kỹ thuật làm bánh và thử thời vận ngay tại Lễ hội Pháo hoa 2011, và kết quả là trong hai ngày đã bán được 1.000 ổ bánh thương hiệu “Bánh mì tí hon”.

Một kết quả khả quan, nhưng chủ dự án vẫn lỗ 6 triệu đồng do chưa ráp nối tốt nhu cầu thị trường và nguồn cung nguyên vật liệu.

Trước mắt Tuấn còn quá nhiều khó khăn: cần đảm bảo chất lượng bánh mang hương vị đặc sản truyền thống, cần khoản kinh phí lớn đầu tư cơ sở vật chất cho chuỗi sản xuất và bán hàng, nhưng với những kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực quản lý thương hiệu và quan hệ công chúng trước đây, Tuấn luôn đặt niềm tin vào tương lai của dự án hàng rong này.

Tuấn nghĩ, sắp tới cần gọi thêm vốn đầu tư cũng như đi từng bước chắc chắn tiến tới mở lò sản xuất bánh và xây dựng một bếp trung tâm làm nhân bánh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chuẩn hóa công thức bánh của thương hiệu “Bánh mì tí hon”.

Sẽ đến lúc không chỉ là ổ bánh mì que quen thuộc với người Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Bình, mà còn có thêm những món ăn rong như: khoai nướng, hạt dẻ, các loại bánh rán mang thương hiệu “Bánh mì tí hon”.

Tuấn nói: “Dù khởi đầu khó khăn, nhưng tôi luôn có niềm tin và sẽ luôn nỗ lực để có thể làm những gì mình thích. Các bạn trẻ đam mê kinh doanh ngay từ bây giờ hãy tiếp tục ước mơ, không ngừng ước mơ, luôn cầu thị ắt sẽ có tương lai xán lạn”.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ten − seven =

To Top