Connect with us

“Dẹp tiệm” vì buôn bán khó khăn

Tin trong nước

“Dẹp tiệm” vì buôn bán khó khăn

Buôn bán ế ẩm, lợi nhuận không đủ trang trải chi phí thuê mặt bằng, nhân viên, nên nhiều công ty, cơ sở phải “dẹp tiệm” bán lẻ để cắt lỗ.

Chị Hà, chủ một doanh nghiệp ở lĩnh vực may và bán quần áo may sẵn, mới đây phải quyết định đóng cửa hai trên tổng số ba cửa hàng vì kinh doanh không có lãi.

Theo chị Hà, tiền thuê mặt bằng, tiền công nhân viên từ đầu năm đến nay liên tục tăng vì trượt giá nhưng nguồn thu của cửa hàng lại giảm sút nghiêm trọng, trong đó giảm nhiều nhất là các hợp đồng may đồng phục cho các công ty, vốn là nguồn sống chủ yếu của cửa hàng.

“Trong khi đó, kinh tế khó khăn cũng khiến những khách may và mua quần áo ít hẳn đi. Tính tới tính lui, tôi phải cắt giảm, thu tất cả về một mối để cắt lỗ”, chị Hà nói.

Tương tự, chủ chuỗi cửa hàng giày dép vào dạng có tiếng ở TPHCM cũng vừa phải quyết định dẹp một tiệm trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận và chuẩn bị dẹp thêm một tiệm khác ở đường Lê Văn Sỹ, đối diện chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận. Số cửa hàng bán lẻ của chuỗi này từ 8 xuống 6.

Chủ doanh nghiệp này chia sẻ, chuyện mặt bằng tăng giá thực sự không phải là vấn đề lớn. Bởi, nếu tính theo tỷ lệ thì mức tăng từ đầu năm đến nay đối với cửa hàng ông thuê ở mức vài phần trăm, đủ sức chịu đựng. Mấu chốt của vấn đề nằm ở việc buôn bán khó khăn, không đủ sức trang trải cho tất cả các chi phí nên đành phải “dẹp tiệm” cho bớt mệt đầu.

“Nếu như trước đây, lợi nhuận của mỗi đôi giày, dép bán ra có thể đạt được trên 20%, lại bán được số lượng lớn, trừ đi tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, chúng tôi vẫn có lời. Bây giờ thì khác, biên độ lợi nhuận giảm vì phải gánh lãi suất ngân hàng, hàng lại bán ít đi khi người dân cắt giảm chi tiêu. Thu không đủ chi, đóng cửa là tất yếu”, ông này giải thích.

Theo nhiều chủ doanh nghiệp, chưa có năm nào, kinh doanh lại khó như năm nay. Sức ép của lãi suất ngân hàng, của biến động tỷ giá hay của nguyên liệu đầu vào chỉ là một mặt của vấn đề. Nhức đầu không kém là việc nhiều loại hàng hóa, vốn không phải là đồ dùng thiết yếu, bị sụt giảm số lượng bán ra khi người dân thắt chặt chi tiêu dưới sức ép của lạm phát. Khó dồn khó. Các doanh nghiệp do đó phải cân đối đầu thu, đầu chi và chấp nhận “lùi một bước” để có thể sống sót qua giai đoạn khó khăn.

Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, trên nhiều tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) hoặc quanh khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7)… có khá nhiều biển báo đóng cửa, chuyển địa điểm, sang lại cửa hàng…

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 + six =

To Top