Tin trong nước
Mạng di động nhỏ liệu có chuyển mình?
Một số mạng di động nhỏ đã được đối tác cấp thêm vốn hoặc thực hiện bán cổ phần với số lượng lớn cho các nhà đầu tư chiến lược để tăng sức mạnh tài chính, nhằm tiếp tục kiếm tìm thị phần và củng cố vị trí trong lĩnh vực viễn thông di động vốn hấp dẫn, màu mỡ nhưng cũng đầy tốn kém và khắc nghiệt.Vài ngày trước, tập đoàn VimpelCom của Nga đã công bố dự định đầu tư thêm 500 triệu USD đầu tư vào mạng di động Beeline – liên doanh giữa Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (GTEL) của Việt Nam và VimpelCom. Theo nguồn tin của VnEconomy, VimpelCom đã chuyển về cho Beeline nguồn vốn ban đầu, khoảng 200 triệu USD.
Trước đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) – đơn vị sở hữu mạng di động S-Fone cũng đã đồng ý bán 40% cổ phần cho hai đối tác trong nước là Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank).
Thông tin từ SPT cho biết, giá chào bán cổ phần sẽ tuỳ thuộc vào tình hình thị trường và thoả thuận giữa công ty với đối tác chiến lược, nhưng sẽ không thấp hơn 15.000 đồng/cổ phần. Đến thời điểm hiện tại, SaigonTel đã chính thức công bố mua 30% vốn điều lệ của SPT; còn Western Bank thì đang đợi quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Với số cổ phiếu trên, SaigonTel sẽ được quyền trực tiếp tham gia điều hành các dự án trọng điểm hiện nay của SPT, trong đó có mạng S-Fone, mạng cáp quang biển AAG (Asia America Gateway), mạng NGN SPT (mạng thông minh) và mạng truyền dẫn cáp quang.
Cả Beeline và S-Fone gần như trong suốt một năm qua đều ít nhiều rơi vào tình cảnh “đói vốn”. Mạng S-Fone, sau kế hoạch chuyển đổi mô hình hợp danh sang liên danh với đối tác SK Telecom từ cuối năm 2009 đầu năm 2010, không còn nguồn vốn cấp của đối tác và SPT chính thức phải “một mình đứng mũi chịu sào” và “tự bơi” để tìm nguồn vốn đầu tư cho dự án liên doanh.
Nguyên Giám đốc điều hành Trung tâm Điện thoại di động CDMA S-Telecom, ông Hồ Hồng Sơn, cũng tính toán cho tương lai là khi chuyển đổi sang mô hình liên doanh, S-Fone sẽ có tư cách pháp nhân để kêu gọi vốn đầu tư, vay vốn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, triển khai thêm nhiều gói cước. Không những thế, SPT cũng sẽ phải lo trả cho đối tác SK Telecom (Hàn Quốc) số tiền tương đương 20% cổ phần mà nhà đầu tư này nắm giữ tại S-Fone sau khi đối tác này chính thức rút vốn khỏi S-Fone.
Do có những khó khăn về nguồn vốn nên cuối năm ngoái, tại triển lãm quốc tế lần thứ 13 về viễn thông và công nghệ thông tin tại Việt Nam, SPT chính thức phát đi thông điệp mời gọi các đối tác đầu tư cho mạng S-Fone, trong đó kêu gọi các đối tác trong nước và nước ngoài có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính tham gia vào phát triển mạng di động S-Fone.
Trong khi đó, với mạng di động Beeline, cũng gần một năm nay, sau khi ra mắt và thực hiện một loạt chiến lược quảng cáo, tiếp thị một cách rầm rộ nhưng cũng lặng lẽ “chìm xuống”. Một số nguồn tin cho rằng, việc Beeline trở nên “lặng lẽ” sau thời gian ra mắt ấn tượng và thu hút được một lượng lớn thuê bao, là do những khó khăn về nguồn tài chính nên không thể tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh phát triển hạ tầng mạng lưới và thực hiện các dịch vụ.
Những khó khăn chính trên đã tác động trực tiếp đến sự sụt giảm mạnh mẽ về số lượng thuê bao của cả hai mạng di động này chỉ trong một thời gian ngắn. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, giữa năm 2008, số thuê bao của S-Fone là gần 3,2 triệu thuê bao, nhưng cuối năm 2010 giảm xuống còn khoảng 1,8 triệu thuê bao.
Trong khi, Beeline ra mắt cuối tháng 7/2009, chỉ 8 tháng sau, mạng di động này đã có được khoảng 2 triệu thuê bao hoạt động. Nhưng trong năm 2010, thuê bao của mạng này “lao dốc không phanh” xuống còn 187.176, tính đến cuối tháng 12/2010 (theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông).
Dù khó khăn vậy, nhưng các mạng nhỏ, không chỉ Beeline, S-Fone mà cả nhiều mạng khác chưa ra mắt đều nhận định, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn “màu mỡ” và nhiều cơ hội.
Khi VimpelCom công bố dự định đầu tư thêm 500 triệu USD vào Beeline, Tổng giám đốc liên doanh GTEL Mobile, ông Alexey Blyumin nói, công ty đang muốn tái khởi động và củng cố vị trí mạng di động này ở Việt Nam và cho rằng Việt Nam đang là một trong những thị trường có tiềm năng cao trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, sau khi được tiếp thêm nguồn vốn đầu tư mới, liệu Beeline hay S-Fone có thực sự chuyển mình hay không, thì đó vẫn còn là một ẩn số trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh và thống lĩnh thị trường của ba mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone.
Theo vneconomy