Tình huống thương hiệu
4 bài học marketing từ ban nhạc rock The Rolling Stones
Đã có thời The Rolling Stones và The Beatles là hai thái cực của làng nhạc rock’n’roll –bề ngoài bảnh trai, chải chuốt của The Beatles đối lập với phong cách nổi loạn, cuồng nhiệt của The Rolling Stones.Vì thế, đôi lúc người ta quên mất đây chính là hình ảnh mà cả hai ban nhạc đều muốn xây dựng trong lòng khán giả. Các nhà kinh doanh ngày nay có thể học được một số bí quyết từ những gì Andrew Loog Oldham – người quản lý kiêm nhà sản xuất của The Rolling Stones trong nửa đầu thập niên 60 – đã thực hiện để xây dựng hình ảnh và tên tuổi cho ban nhạc.
Theo một bài viết trên ADWEEK, Oldham từng làm PR cho Bob Dylan và The Beatles nhưng khi đến với The Rolling Stones, ông mới có cơ hội nhào nặn một thứ đặc biệt ngay từ đầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là The Rolling Stones không tồn tại từ trước khi Oldham bắt tay vào việc, nhưng đây chính là điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt giữa một The Rolling Stones đang tìm danh tiếng và một The Rolling Stones nổi danh toàn thế giới. Dưới đây là 4 chiến lược mà Oldham đã áp dụng để tạo nên bước đột phá cho the Stones.
1. Định vị
Phân loại sự vật/sự việc là một trong những điều con người thích làm, vì suy cho cùng, đây là cách họ quyết định xem sản phẩm/công ty nào có thể khiến họ quan tâm. Nếu một đối thủ cạnh tranh đang ở thế thượng phong trong một lĩnh vực/ngành nào đó, điều bạn nên làm là tìm một cách khác để định vị chính mình, như Oldham chia sẻ:
“The Beatles luôn tạo cảm giác họ thuộc về show biz, do đó, điều then chốt với The Rolling Stones là tỏ vẻ như họ chẳng cần gì đến thế giới show biz ấy.”
Dù nhạc rock được xem là tượng trưng cho sự nổi loạn, The Beatles thể hiện khía cạnh hào nhoáng và bảnh bao của sự nổi loạn ấy. Với the Stones, thì ngược lại, họ không cần những bộ đồ vest đồng điệu đỏm dáng, họ chính là những gã trai hư đích thực của rock’n’roll.
2. Chọn một định hướng nghệ thuật
Khi bạn muốn công ty tượng trưng cho một lĩnh vực nào đó, bạn cần quản lý tất cả mọi mặt về hình ảnh của công ty. Oldham bảo the Stones phải nổi loạn, và họ đã thể hiện trọn vẹn hình ảnh đó. Điều này cũng tương tự như diễn xuất, khi bạn đóng vai một nhân vật nào đó, bạn sẽ khoác lên mình tất cả mọi điệu bộ, tâm lý và cách ứng xử để nhập vai một cách hoàn hảo nhất.
Trong giai đoạn đầu, Rolling Stones có sáu thành viên và tay keyboard Ian Steward lại có diện mạo hơi tròn trịa và già dặn hơn so với năm thành viên còn lại. Oldham không ngần ngại “mời” Ian Stewart lùi về hậu trường vì ông muốn tạo ra một hình ảnh thật nhất quán và thu hút mọi sự chú ý cũng như những hợp đồng thu âm, trình diễn béo bở về sau và Ian Stewart không phù hợp với hình ảnh mới của ban nhạc.
3. Biết thu hút sự chú ý đúng chỗ
Dĩ nhiên, một ban nhạc nổi tiếng cần sự chú ý của công chúng. Oldham đã khuyên ban nhạc nên thêm cụm từ “I Can’t Get No” vào đầu đề ca khúc “Satisfaction” và nhờ đó, ý nghĩa nổi loạn của bài hát hiện ra rõ ràng hơn trước khán giả.
Bên cạnh đó, giành được sự chú ý của các hãng đĩa cũng là một nhiệm vụ khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của nhóm. Trong thập niên 60, các công ty thu âm rất bận rộn sản xuất đĩa nhạc cho rất nhiều ca sĩ, do đó, nếu không được một hãng đĩa để mắt đến thì bạn khó bề nổi tiếng được. Vì thế, dấu phẩy lạc loài trong bài hát “Paint It, Black” không chỉ khiến khán giả phải vắt tay lên trán suy nghĩ mà còn làm cho các hãng đĩa phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần.
4. Chọn đúng đối thủ
Oldham cho rằng các thương hiệu thời trang và hàng tiêu dùng nên tìm cho mình một đối thủ – và đó phải là một đối thủ đúng tầm. Nhiều người cho rằng đối thủ của The Rolling Stones là The Beatles, nhưng không đúng, vì hai ban nhạc tập trung vào các đối tượng khán giả khác nhau. Trên thực tế, đối thủ của the Stones ở thị trường Mỹ chính là gã trai hư huyền thoại Elvis Presley và ở thị trường Anh là Cliff Richard.
DNA Branding – www.dna.com.vn
www.facebook.com/dnabrandingvietnam
Tham khảo bài viết của Erik Sherman