Connect with us

3D: Cách mạng hay trào lưu?

Tình huống thương hiệu

3D: Cách mạng hay trào lưu?

“Cơn sốt 3D tại VN không hẳn là cuộc cách mạng, cũng không hẳn là trào lưu. Đó là kết quả của một trạng thái tâm lý rất sơ đẳng: sự tò mò”, ông Daniel Ng nhận định.

Tivi 3D, phim 3D, website thương mại điện tử 3D, quảng cáo sử dụng công nghệ 3D… Cơn sốt 3D đang cuốn các nhà sản xuất kinh doanh tại Việt Nam vào lĩnh vực được cho là thời thượng này. Nhưng trào lưu 3D sẽ khó trở thành một cuộc cách mạng khi vẫn còn đó những nút thắt.

Bóng Ma Học Đường, bộ phim 3D Việt Nam đầu tiên do Hãng phim Thiên Ngân sản xuất, đã đạt mức doanh thu hấp dẫn 28 tỉ đồng với 350.000 lượt người xem, dù giá vé cao gấp đôi phim 2D. Hình ảnh dòng người lũ lượt kéo đến rạp trong 3 ngày đầu ra mắt (47.000 lượt người với doanh thu 3,5 tỉ đồng) khiến Bóng Ma Học Đường trở thành hiện tượng trong trào lưu giải trí 3D tại Việt Nam.

Sức hút 3D

3D đã len lỏi vào khá nhiều lĩnh vực tại Việt Nam và chứng minh được tính hiệu quả của nó trong suốt gần 2 năm qua. Ông Phan Trung Hiếu, Giám đốc Autodesk Việt Nam, không tỏ ý chê bai công nghệ 2D được ứng dụng lâu nay trong các bản vẽ thiết kế của kiến trúc sư, nhưng ông khẳng định nếu ứng dụng 3D, vài điều thú vị sẽ xảy ra.

Ông đã bắt đầu trình làng giải pháp BIM (Building Information Modeling) của Autodesk vào tháng 5.2011. Hãy hình dung, trước kia, ngôi nhà của bạn được kiến trúc sư vẽ trên Autocad 2D, sau đó kỹ sư sẽ đo lường kết cấu và chọn vật liệu cho từng khu vực và công đoạn này mất đến 7-10 ngày (đó là chưa kể nếu bạn muốn chỉnh sửa một vài chi tiết thì cả một ê-kíp phải vẽ lại, đo lại và chọn vật liệu lại). Nhưng nếu áp dụng giải pháp BIM, theo ông Hiếu, các kiến trúc sư, kỹ sư sẽ hoàn tất bản vẽ căn nhà của bạn chỉ trong 2 ngày.

BIM cho phép nhập các thông số, thành phần về căn nhà cùng lúc và chỉ cần nhấn phím “Enter”, ngôi nhà 3D sẽ hiện lên một cách chi tiết đến từng ngóc ngách. Còn nếu bạn muốn thay đổi một chi tiết nào đó, chỉ cần nhập liệu và tiếp tục nhấn “Enter”, căn nhà 3D khác lập tức hiện ra. “Khi mọi thứ đang trở nên vội vã, bạn cần những công cụ xử lý nhanh và hiệu quả. 3D đang góp phần làm ra điều đó”, ông Hiếu nói.

3D không chỉ được ứng dụng trong lĩnh vực kiến trúc. Hơn 1 năm trở lại đây, tại Việt Nam, 3D đã rục rịch nhảy vào nhiều lĩnh vực khác. Tháng 8.2010, khi ra mắt website thương mại điện tử chuyên về triển lãm bằng công nghệ 3D www.hello3DWorld.com (nơi các nhà sản xuất có thể giới thiệu hàng hóa với hình ảnh 3D), bà Lê Thị Thu Thảo, Giám đốc Công ty Phúc Lê Gia, đơn vị quản lý website này, cho biết đã có 50 doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Trong lĩnh vực báo chí, một nhà khai thác quảng cáo cho một tờ báo tại Việt Nam (không tiện nêu tên) cho biết đang lên kế hoạch đưa báo in dấn sâu vào công nghệ này. Về thực chất, đây có thể là bản sao từ Trung Quốc. Cách đây hơn 1 năm, vào tháng 4.2010, tờ Shiyan Evening News của Trung Quốc đã biến 16 trang quảng cáo trong tờ này thành định dạng theo công nghệ 3D và người đọc sẽ phải đeo kính (trong khi trang tin tức thì vẫn là bản đọc bình thường). Hiện tượng này đã tạo nên một sơn sốt khiến Shiyan Evening News bán đắt như tôm tươi và tờ Daily Business, một tờ báo có tiếng của Trung Quốc cũng chạy theo trào lưu này.

HÌnh ảnh trong phim 3D Avatar

Một số công ty quảng cáo còn xem 3D là chiến lược cạnh tranh mới của mình. Ông Huỳnh Hoàng Anh, giám đốc một công ty quảng cáo tại TP.HCM, sau giai đoạn chật vật do kinh tế khó khăn và cạnh tranh gay gắt, đã tìm thấy một hướng đi mới về 3D. Chỉ sau nửa năm 2011 triển khai dịch vụ làm các đoạn video clip quảng cáo 3D trên đĩa CD và website, ông đã có thêm một lượng khách hàng là các doanh nghiệp công nghệ cao, xe hơi, đồ trang sức, thủ công mỹ nghệ, bất động sản, khách sạn. Đây là các lĩnh vực có nhóm sản phẩm phức tạp về kết cấu có thể ứng dụng quảng cáo 3D. Theo ông Hoàng Anh, những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ website 3D có khả năng thu hút thêm 30% lượt truy cập và giao dịch trực tuyến so với website thông thường.

Trong việc ứng dụng 3D vào lĩnh vực quảng cáo, phải kể đến Clickcious. Đây là công ty Việt Nam đầu tiên triển khai mô hình quảng cáo 3D (như quảng cáo 3D ngoài trời, trong các trung tâm thương mại, tại các sự kiện) với các khách hàng lớn như hãng phim Thiên Ngân, Procter & Gamble, Unilever.

Ông Robert Trần, đại diện Công ty, cho biết, “Trung tâm Thương mại Nowzone (đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TP.HCM) có địa thế không thuận lợi vì tọa lạc ở khu thưa dân cư, do đó lượng khách hàng không nhiều. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày Clickcious triển khai quảng cáo 3D tại đây, dù chỉ là một game 3D (khách hàng có thể chơi, tương tác với màn hình hiển thị), nhưng đã có hơn 10.000 lượt người đến tham gia”.

Tivi 3D đang được quảng bá rầm rộ

3D cũng khá sôi động trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Ông Lim Jun Yup, Giám đốc ngành hàng điện tử Công ty LG Electronics Vietnam, cho biết, nếu các sản phẩm điện tử gia dụng 3D, cụ thể là tivi 3D, ở Malaysia hoặc Singapore chỉ tăng trưởng 50-60% thì ở Việt Nam là 100%. Ông dự báo, năm nay mức tăng trưởng dòng tivi 3D của LG tại Việt Nam sẽ gấp đôi so với năm 2010.

Không có gì lạ khi từ năm 2010, ăn theo sự thành công của bộ phim 3D bom tấn Avatar của đạo diễn James Cameron, các hãng điện tử tiêu dùng lớn như Samsung, Sony, LG, Toshiba, Panasonic, TCL đã trình làng hàng loạt các mẫu tivi 3D ra thế giới, trong đó có Việt Nam. Cuối tháng 6.2011, tại buổi ra mắt ở TP.HCM, TCL đã giới thiệu tivi 3D dùng kính V6300 và tivi 3D không dùng kính 42D3. Đại diện của TCL cho biết chiếc V6300 sẽ xuất hiện trong bộ phim bom tấn Transformers 3, được khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 29.6.

Đó là chưa kể đến các sản phẩm điện tử tiêu dùng khác cũng đã vào Việt Nam, góp phần làm sôi động thị trường này như điện thoại di động 3D không cần đeo kính của Samsung (Optimus 3D), màn hình máy tính 3D của ViewSonic (có trụ sở tại bang California, Mỹ), Alienware (thuộc hãng sản xuất máy tính Mỹ Dell).

Điện thoại 3D của Samsung

Tuy nhiên, trong phần lớn các ứng dụng 3D nói trên, lĩnh vực giải trí được quan tâm nhiều nhất. Phim ảnh 3D thì đã rõ qua câu chuyện Bóng Ma Học Đường. Về trò chơi 3D, hơn 1 năm vừa qua, game Kiếm Tiên do Vinagame phân phối xác lập một kỷ lục mới với từ 20.000 CCU (số lượng người chơi đăng nhập vào một game cùng lúc) trong tháng 5.2010 lên 32.000 CCU trong tháng 7.2010. Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinagame, cũng cho biết những game loại này góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng doanh thu 50%/năm của Công ty. Và các game thủ rõ ràng là vẫn sốt vì game 3D.

Chỉ vì tò mò

Từ những phân tích trên, 3D tạm được xếp vào 3 nhóm: 3D trong ứng dụng công nghiệp, 3D trong giải trí và 3D trong điện tử tiêu dùng. Tuy tạo được những dấu ấn quan trọng tại Việt Nam trong chưa đầy 2 năm nhưng 3D vẫn loay hoay trong cuộc chinh phục người tiêu dùng.

Ở 3D trong lĩnh vực ứng dụng, không khó để nhận thấy sàn thương mại điện tử hội chợ 3D www.hello3DWorld.com vẫn chỉ mới thu hút được các sản phẩm vật liệu xây dựng, còn đồ dùng gia đình, văn phòng, hàng công nghiệp, nông nghiệp, thiết bị điện tử vẫn chưa nhiều. Dịch vụ quảng cáo 3D mới chỉ là dịch vụ cộng thêm vào gói dịch vụ của các công ty quảng cáo. Trong khi đó, ngay cả ứng dụng của giải pháp BIM 3D của Autodesk trong kiến trúc cũng chưa tìm được nhiều khách hàng.

Ở 3D trong lĩnh vực giải trí, sau bộ phim 3D Bóng Ma Học Đường của hãng phim Thiên Ngân với chi phí đầu tư 1 triệu USD và cơn sốt đến rạp mang tính thời vụ (đợt phim Tết), vẫn chưa có thông tin nào cho biết các hãng phim có ý định đầu tư loại phim này trong năm nay.

Ở 3D ngành điện tử tiêu dùng, cụ thể là tivi 3D, điện thoại di động, màn hình máy tính tại Việt Nam, cho thấy kỳ vọng của các nhà sản xuất đã không đạt được khi nhiều nhà quản lý siêu thị điện máy cho biết khách hàng chỉ đến xem mà không mua.

Vậy vấn đề của 3D là ở đâu? Vì sao việc ứng dụng chỉ mới dừng lại ở trào lưu mà chưa thể trở thành cuộc cách mạng?

Trong mọi cuộc cách mạng công nghệ, giá cả được đưa lên bàn cân trước hết. Kinh phí đầu tư một bộ phim 3D được tính bằng triệu USD và giá vé cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với phim 2D. Một chiếc tivi 3D có giá khá cao (20-140 triệu đồng), cộng thêm tiền mua kính (khoảng 2 triệu đồng/cái) và dàn âm thanh tương thích (ngốn thêm hàng chục triệu đồng) thì chuyện thuyết phục người mua vốn đã quen với nhu cầu giải trí thông thường (vẫn đang tốt) sẽ không dễ.

Trong nửa thập kỷ qua, thị trường điện thoại thông minh đã chinh phục người tiêu dùng theo lối biến mình từ kẻ sang trọng thành người bình dân khi nhiều mẫu sản phẩm giá thấp (khoảng 3 triệu đồng/chiếc) được tung ra. “Người tiêu dùng đang tin rằng các hãng sản xuất tivi đang bước vào cuộc chạy đua công nghệ 3D để có thể giảm giá bán và họ đang chờ đợi”, ông Paul Gagnon, nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường DisplaySearch, cho biết.

Trong khi đó, các hãng sản xuất vẫn chưa có nhiều động thái về giá cả, nhưng có thể thấy các mẫu sản phẩm mới vẫn liên tục được tung ra. Ở những quốc gia phát triển như Anh, theo khảo của nhà bán lẻ Best Buy, 48% trong tổng số 2.000 người được khảo sát không muốn dùng các sản phẩm 3D vì chúng quá đắt. Hoặc như ở Nhật, nơi có nhiều hãng điện tử lớn, tình hình bán hàng cũng không khả quan hơn. Theo tuần san The Nikkei, giá tivi 3D đã giảm rất nhiều nhưng vẫn đắt hơn 50% so với tivi thông thường và hiện tivi 3D chỉ chiếm khoảng 5% thị trường tivi Nhật. Nhìn vào tình hình tiêu thụ sản phẩm 3D tại các thị trường phát triển như Anh, Nhật, khó có thể kỳ vọng một bức tranh khả quan hơn ở Việt Nam.

Bên cạnh giá cả, công nghệ chưa thống nhất về kính 3D có thể bị xem là rào cản thứ 2. Một trường phái sử dụng kính phân cực FPR (giảm thiểu sọc, không cần dùng pin, có thể xem được ở mọi vị trí trong phòng) như hãng LG. Và trường phái kia sử dụng kính màn trập chủ động (chất lượng tốt, phải dùng pin, người xem cần ngồi đúng tư thế) như các hãng Samsung, Sony… Người tiêu dùng sẽ nghe ai? Chỉ biết là khi còn phải sử dụng chiếc kính cũng đồng nghĩa người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị mỏi mắt, nhức đầu với việc xem phim 3D.

Toshiba, Sony cũng đã nghiên cứu thành công tivi 3D không cần kính nhưng lại loay hoay với bài toán giá bán. Tại buổi ra mắt tivi 3D vào cuối tháng 6, đại diện của TCL Việt Nam cho biết chiếc tivi 3D không dùng kính 42D3 hiện chưa được thương mại hóa do giá khá cao, khoảng 8.000 USD/chiếc (hơn 160 triệu đồng).

Mặt khác, nội dung giải trí cho 3D chưa nhiều. Nhà phê bình phim nổi tiếng Roger Ebert đã chỉ trích ứng dụng 3D trong điện ảnh theo trào lưu là một sai lầm vì sau Avatar, không có nhiều phim 3D được sản xuất để các thiết bị 3D có đất dụng võ. Trong khi đó, trên thế giới và tại Việt Nam, các hãng sản xuất tivi 3D đang chữa cháy theo cách trình làng những mẫu sản phẩm có thể chuyển đổi từ 2D thành 3D. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh sẽ là câu hỏi được đặt ra ở đây.

Vậy 3D trong lĩnh vực giải trí và tiêu dùng có làm nên một cuộc cách mạng? Theo đánh giá từ một công ty nghiên cứu thị trường tên tuổi (không muốn nêu tên), 3D mới chỉ có bước khởi đầu tốt đẹp tại các rạp phim, vì sự tò mò của người tiêu dùng hơn là chất lượng của 3D. Trong khi đó, đối với nhóm sản phẩm giải trí tại nhà, câu chuyện vẫn còn ở giai đoạn phôi thai.

La Ngọc Việt Thương, 24 tuổi, nhân viên Công ty Nghiên cứu Thị trường Cimigo, cho biết, cô đến rạp xem phim 3D chỉ vì tò mò và thích đi xem cùng bạn bè, gia đình hơn là trải nghiệm nó tại nhà. Trong khi đó, ông Trần Thanh Tùng, điều phối viên dự án thuộc Công ty Thương mại Đạt Minh (TP.HCM), 43 tuổi, lại cho rằng, ông thích xem phim 2D tại rạp hơn và hoàn toàn không có ý định mua sắm các thiết bị 3D vì lý do sức khỏe.

 “Cơn sốt 3D tại Việt Nam thời gian qua không hẳn là cuộc cách mạng, cũng không hẳn là trào lưu. Đó là kết quả của một trạng thái tâm lý rất sơ đẳng: sự tò mò”, ông Daniel Ng, nhà nghiên cứu độc lập các vấn đề giao thoa văn hóa, cựu Giáo sư tại Đại học Princeton, nhận định.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seven + three =

To Top