Connect with us

Xiaomi:”Trộm táo” Apple?

Tình huống thương hiệu

Xiaomi:”Trộm táo” Apple?

Giới đầu tư đã định giá công ty có cái tên nhỏ bé "Tiểu Kê” (Xiaomi) ở mức 10 tỷ USD, còn nhiều hơn số tiền Microsoft trả để mua lại bộ phận điện thoại di động của Nokia. Xiaomi liệu đã phải là "câu trả lời từ Trung Quốc" cho Apple?

Theo mọi cách, Xiaomi đều được so sánh với đối thủ khổng lồ đến từ Mỹ – Apple, và cả người tiêu dùng cũng như giới phân tích đều không ngại gọi nó là bản sao của Apple. Đến mức, ông chủ của Xiaomi, Lei Jun cũng ăn mặc theo đúng phong cách của Steve Jobs lúc sinh thời: quần jeans với áo đen.

Trong năm 2012, Xiaomi đã bán được 7,2 triệu điện thoại di động tại các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, đạt doanh thu 12,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 2,1 tỷ USD. Apple, công ty hàng đầu thế giới, thì bán 125 triệu điện thoại thông minh trên thị trường toàn cầu, thu về 80 tỷ USD, chiếm gần ½ tổng doanh thu của Hãng (157 tỷ USD).

Kể từ khi đươc thành lập năm 2010, gần đây, giới đầu tư đã định giá Xiaomi ở mức 10 tỷ USD, còn nhiều hơn số tiền Microsoft trả để mua lại bộ phận điện thoại di động của Nokia. Thậm chí, Phó chủ tịch phụ trách quản lý sản phẩm Android, ông Hugo Barra, cũng vừa quyết định về đầu quân cho Xiaomi. Trong quý II/2013, thị phần Xiaomi tại Trung Quốc đã đạt 5%, vượt Apple (4,8%).

Tuy nhiên, theo Lin Bin, đồng sáng lập Xiaomi, người từng làm việc cho chi nhánh Trung Quốc của Microsoft cũng như Google, thì họ chưa bao giờ so sánh mình với Apple. “Chúng tôi giống Amazon hơn”, anh cho biết. Apple bán sản phẩm iPhone 5 tại Trung Quốc với giá 860 USD, đạt lợi nhuận cao nhất trong ngành này tại Trung Quốc. Còn Xiaomi, cung cấp sản phẩm với giá khiêm tốn hơn nhiều: 2.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 330 USD.

Ngoài việc trực tuyến hóa kênh phân phối và bỏ hoàn toàn kênh bán lẻ truyền thống cũng như phân phối qua hệ thống các nhà khai thác mạng, vốn là một trong các yếu tố làm cho chi phí bán sản phẩm giảm đáng kể, Xiaomi cũng còn cho thấy giá thấp là một chiến lược chứ không phải đơn thuần một chính sách giá như bao công ty khác. Amazon cung cấp thiết bị đọc sách Kindle cho người tiêu dùng, rồi sau đó bán sách cho họ để đọc trên thiết bị ấy. Xiaomi cũng không nhằm vào việc bán phần cứng, mà là tiếp tục thu lời khi khách hàng sử dụng sản phẩm.

Doanh thu dịch vụ của Xiaomi đạt 20 triệu nhân dân tệ, tương đương 3,3 triệu USD riêng trong tháng 8 năm nay, tăng gấp đôi so với hồi tháng 4. Đây là mô hình internet kinh điển: xây dựng hệ thống trước rồi kiếm lợi khi sân chơi bắt đầu đông đúc, như chính Google và Facebook đã áp dụng. Bán trò chơi, hình nền điện thoại và quà ảo nghe có vẻ không hấp dẫn lắm, thế nhưng với Trung Quốc, Xiaomi có cả một thị trường khổng lồ trước mắt: năm ngoái, gã khổng lồ Tencent đã thu về 5 tỷ USD cho riêng những sản phẩm dịch vụ “lặt vặt” này.

Một khác biệt nữa với Apple là cách tiếp cận của Xiaomi đối với người dùng. Apple vốn được coi là một loại “độc tài” với người dùng, rất hạn chế tùy chỉnh của người dùng đối với các cài đặt, đây là một dạng triết lý thiết kế “ta rành nhất”. Xiaomi thì thân thiện hơn, cho phép người dùng sử dụng phần mềm MIUI của riêng nó để cập nhật và tùy chỉnh thiết bị hằng tuần. Một số lần, Xiaomi còn cho phép người dùng bỏ phiếu qua Weibo, một dạng mạng xã hội như Twitter của người Trung Quốc, về một số tính năng đặc biệt của thiết bị: nên được cài đặt thế nào, gồm những chức năng gì và nên chạy ra sao.

Hiện nay, doanh thu của thị trường điện thoại thông minh đang tăng trưởng với tốc độ 50%/năm, Canalys cho biết, nhưng riêng Trung Quốc, tốc độ là 108% và thị trường này đã chiếm tới hơn 1/3 doanh số toàn cầu. Sự kiện ra mắt iPhone 5C đánh dấu bước ngoặt của Apple khi quyết định tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc, cho thấy quan tâm đặc biệt của Hãng với thị trường này.

Tuy nhiên, có bất ngờ lớn về giá bán lẻ tại đây. Giá bán một chiếc iPhone 5C vẫn ở mức 733 USD, hạn chế mức độ tiếp cận nhóm người tiêu dùng thu nhập thấp hơn. Theo nhiều nguồn tin, Apple thất bại trong thỏa thuận với China Mobile để phân phối iPhone 5C theo giá nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nên mức giá điện thoại không giảm được là bao nhiêu so với kỳ vọng.

Thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc rất phát triển, thúc đẩy sự quan tâm của Apple. Thế nhưng Xiaomi lại định hướng con đường đi rất khác. Trò chơi, ứng dụng và tiện ích di động là những điểm quan trọng cần phát triển. Do chính sách của nhà nước, phiên bản Android sử dụng tại đây không được tích hợp hệ thống ứng dụng, dịch vụ mail, bản đồ và tính năng khác được cung cấp bởi Google, vì thế mà các hãng điện thoại có cơ hội phát triển lớn nếu có thể tiếp cận được mảng tiện ích này.

Nhưng cũng vì lợi thế này, mà Xiaomi sẽ khó khăn, nếu không nói là không thể cạnh tranh tại các thị trường ngoài Trung Quốc. Xiaomi vốn được xưng tụng là đối thủ số 1 của Apple? Lei Jun khẳng định rằng: “Chúng tôi không phải là một công ty Trung Quốc chuyên sản xuất điện thoại rẻ tiền. Chúng tôi sẽ lọt vào Top 500 của Fortune”. Vậy hãy thử rời sân nhà Trung Quốc, hẳn giới quan sát sẽ có ngay nhận định Xiaomi đã đủ lực thi đấu với Apple hay chưa. 

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eleven + ten =

To Top