Tin quốc tế
Vụ phá sản của Kodak qua những con số
Kodak, một trong những hãng kinh doanh các sản phẩm phim và máy ảnh lừng lẫy nhất nước Mỹ, đã chính thức nộp đơn xin phá sản sau hơn 130 năm tồn tại.Theo giáo sư Robert Burley thuộc Đại học Ryerson (Toronto, Canada), “họ là một công ty đang mắc kẹt”. Lịch sử tồn tại và phát triển huy hoàng của Kodak giờ chỉ còn là “ một món nợ”.
Từ năm 2003 tới năm 2010, Kodak thu được 3 tỉ USD từ các bằng sáng chế về hình ảnh kĩ thuật số của mình. Song trong năm 2011, con số này chỉ thu lại còn 98 triệu USD. Cùng lúc này, Kodak cho biết hãng này gặp khó khăn trong việc thu phí bằng sáng chế từ những tập đoàn mà họ cho rằng đang vi phạm tài sản trí tuệ của mình, trong đó có cả Apple.
Tổng doanh thu của hãng đã giảm 55%, từ con số khoảng 13,3 tỉ USD năm 2003 xuống chỉ còn 6 tỉ USD.
Trong khi đó, 245 triệu USD là số tiền mà hãng này phải chi trả vào các khoản lương hưu và trợ cấp khác cho những người về hưu, chỉ tính riêng trong năm 2011. Kodak cho biết họ “không thể cắt giảm số tiền chi trả theo đúng điều khoản về trách nhiệm với những người từng là nhân viên của mình”, cho dù việc cắt giảm này có thể “tạo ra sự cân bằng với tình hình tài chính của Kodak”.
Số nhân viên làm việc cho Kodak đã giảm 73%. Năm 2003, hãng này có 63.900 nhân viên. Tuy nhiên, cho tới khi lâm vào tình trạng “thoi thóp”, lực lượng lao động của Kodak chỉ còn 17.000 người. Ba thành viên trong ban lãnh đạo Kodak đã nghỉ việc vào tháng 12/2011.
13 nhà máy sản xuất phim, giấy ảnh và hóa chất cùng 130 phòng thí nghiệm đã phải đóng cửa. Việc tái cấu trúc lại cơ cấu này đã khiến Kodak phải chi thêm 3,4 tỉ USD trong thời điểm đầy khó khăn.
Hiện tại, trị giá tổng tài sản của Kodak là 5,1 tỉ USD, trong khi số nợ đã lên tới 6,8 tỉ USD.
Thêm vào đó, hãng này sẽ phải tiếp tục vay tập đoàn CitiGroup 950 triệu USD để duy trì hoạt động trong thời gian hoàn thành thủ tục phá sản.
Ông John Ward, nhân viên đã từng làm việc cho Kodak 20 năm, hiện nay là giảng viên tại khoa kinh tế, Viện Công nghệ Rochester (Mỹ) chỉ ra vấn đề dẫn tới sự sụp đổ của Kodak, đó là “về cơ bản, họ đã chuyển từ mô hình kinh doanh thuận lợi, nơi có thể tạo ra doanh số bán hàng lớn, sang một mô hình rất khó để kiếm lời”. Từ lĩnh vực kinh doanh ảnh phim, Kodak đã chuyển hướng sang lĩnh vực ảnh kĩ thuật số, song không thể cạnh tranh được với những đối thủ có lịch sử mỏng hơn, nhưng năng động hơn như Canon, Nikon hay Olympus.
Theo Bee