Connect with us

VNG là công ty Việt Nam?

Tình huống thương hiệu

VNG là công ty Việt Nam?

Những thông tin về việc hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã thâu tóm VNG khiến giới công nghệ xôn xao.

Hai tuần qua, những thông tin về việc hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã thâu tóm VNG khiến giới công nghệ xôn xao.

Ngày 30.7.2012, VNG phát đi một thông cáo báo chí khẳng định mình là công ty Việt Nam. Thông cáo cũng cho biết, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc VNG, vẫn nắm giữ 19% cổ phần Công ty chứ không phải là 1% như một số bài báo, diễn đàn đã phản ánh. Thông cáo cũng khẳng định VNG hoạt động theo pháp luật Việt Nam và đối tác nước ngoài cũng không thể sở hữu quá 49% cổ phần.

Tuy nhiên, cũng không phải không có lý khi cộng đồng lan truyền thông tin Tencent thâu tóm VNG.

không thể không nghi vấn

Tencent đã có những bước đi thể hiện quyết tâm thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Năm 2008, hãng công nghệ này đã đầu tư vào một công ty game trực tuyến của Việt Nam với việc mua 20,02% cổ phần (theo báo cáo cổ đông của Tencent năm 2008). Tiếp đó, năm 2011, công ty này công bố trong báo cáo cổ đông năm 2011 rằng đang có vốn tại một công ty game trực tuyến chưa niêm yết ở Đông Nam Á với tỉ lệ sở hữu năm 2010 là 30,02%, năm 2011 là 31,25%. Báo cáo này không chỉ đích danh VNG nhưng theo những dữ kiện và con số doanh thu thì nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định đó là VNG.

Thêm vào đó, cơ cấu ban giám đốc của VNG cũng có thành viên từng làm việc cho Tencent. Ông này cũng là người nước ngoài duy nhất tại VNG, phụ trách tài chính. Vấn đề là thời gian ông gia nhập VNG đúng lúc công ty này mua 20,02% cổ phần của một công ty game trực tuyến của Việt Nam năm 2008.

Thông tin cổ đông của VNG cũng chỉ rõ Tencent là cổ đông lớn, nhưng không cho biết tỉ lệ sở hữu.

Năm 2010, trong một bài viết về VinaGame trên Forbes, tác giả đã dẫn lời giám đốc chiến lược của công ty nghiên cứu và chiến lược số Plus 8 Star ở Bắc Kinh, ông Benjamin Joffe, rằng VinaGame đang làm theo mô hình Tencent.

Một bài báo khác nghiên cứu sự thành công của dịch vụ tin nhắn QQ thuộc Tencent, đăng trên tạp chí chuyên về nghiên cứu kinh doanh (số tháng 1 và 2.2012), 2 tác giả công tác tại Đại học Bắc Kinh là Jane Peihusn Wu và Terrill L. Frantz đã viết: “Tencent đã mua chuộc VinaGame và giao công ty này sử dụng phần mềm QQ và một số trò chơi. Năm 2007, VinaGame đã nâng cấp QQ rồi đổi tên thành Zing Chat, thay biểu tượng chim cánh cụt bằng biểu tượng 2 con vịt”.

Xây rồi bán

Thực ra, tất cả những thông tin về lượng cổ phần của Tencent tại VNG chỉ là phỏng đoán, chưa có bên nào đưa ra con số chính xác. Ngay cả VNG cũng không đề cập số cổ phần của Tencent trong thông cáo của mình. Nhìn sự kiện này dưới góc độ kinh doanh thì câu chuyện này chẳng có gì lạ.

Việc các công ty sở hữu cổ phần của nhau, hay bán lại công ty cho nước ngoài không phải hiếm. Sự kiện Eat.vn được bán cho VCCorp mới đây cũng là ví dụ cho việc các công ty được dựng lên để bán đi vào lúc thích hợp là chuyện bình thường. Eat.vn là trang gọi thức ăn trực tuyến đang có doanh thu khoảng 1 tỉ đồng/tháng và có lãi, nhưng họ vẫn bán cho VCCorp, một doanh nghiệp đang muốn mở rộng thương mại điện tử. Hay MJ Group cũng đã mua lại OrderFood.vn và đổi tên thành Hungry.vn cũng là một trường hợp khác.

Những trang này được xây dựng lên đúng phần còn thiếu của những công ty hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, họ được mua lại như một cách lấp chỗ trống để các công ty kia hoàn thiện hệ sinh thái đầy đủ của mình.

Nhìn vào mô hình của VNG thì có thể nhận ra mô hình của họ được xây lên giống hệt Tencent. VNG cũng có game online, thương mại điện tử, mạng xã hội như Tencent. Do vậy, cũng không loại trừ những nhà sáng lập VNG đã nhắm vào việc xây dựng mô hình rập khuôn và bán lại cho Tencent khi được giá.

Doanh nghiệp nước ngoài, khi đã muốn thì có muôn vàn cách để kiểm soát công ty, không nhất thiết họ phải trực tiếp nắm hơn 49% cổ phần. “Có thể họ đã mua hết VNG rồi cũng nên, nhưng họ cứ đứng sau, không đứng tên thì chả việc gì, chuyện này họ rành hơn chúng ta rất nhiều, họ còn dạy chúng ta về việc này được mà”, một chuyên gia (không muốn nêu tên) cho biết.

Ông Nhan Thế Luân, Tổng Giám đốc NCT, cho rằng: “Việc các công ty công nghệ mua cổ phần, thậm chí đầu tư cho nhau là chuyện bình thường và cũng tốt cho thị trường. Bản thân NCT cũng nhận đầu tư từ 2 quỹ của Mỹ (IDGVV) và Nhật (CAV). Sự đầu tư này cũng giúp cho NCT rất nhiều trong quá trình phát triển. Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này theo hướng tích cực”.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

five + one =

To Top