Tin trong nước
VIB được giá, đối tác được gì?
Mua thêm 5% cổ phần (tương đương 1.150 tỉ đồng) của Ngân hàng VIB với mức giá cao, Ngân hàng Commonwealth (Úc) hẳn đang có những toan tính.Chỉ hơn 1 năm sau khi mua 15% cổ phần trong Ngân hàng Quốc tế (VIB), ngày 20.10.2011, Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã công bố rót thêm 1.150 tỉ đồng vào VIB. Thương vụ này nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần của ngân hàng Úc này tại VIB lên 20%. Đồng thời, khoản đầu tư mới giúp ngân hàng Việt Nam tăng vốn chủ sở hữu lên hơn 8.200 tỉ đồng. Việc mua thêm 5% cổ phần này nằm trong giai đoạn 2 lộ trình trở thành cổ đông chiến lược của VIB mà CBA hướng tới từ khá lâu.
Ở lần tăng thêm vốn đầu tư này, mức giá một cổ phần VIB mà CBA mua là khoảng 46.000 đồng. Đây là mức giá cao so với giá cổ phiếu VIB trên sàn OTC hiện nay (khoảng trên 10.000 đồng/cố phiếu). Để so sánh, Vietcombank có tổng tài sản tính đến cuối tháng 6.2011 lên tới 344,2 nghìn tỉ đồng và vốn điều lệ được nâng lên 19.698 tỉ đồng vào giữa tháng 8 vừa qua. Trong khi đó, ở thương vụ Ngân hàng Mizuho (Nhật) mua 15% cổ phần tại Vietcombank ngày 30.9.2011, giá thỏa thuận của một cổ phần Vietcombank là 34.000 đồng (cao hơn không nhiều so với giá giao dịch trên thị trường niêm yết lúc đó là 28.000 đồng/cổ phiếu).
Có thể thấy, VIB bán được cổ phần với giá khá tốt so với các ngân hàng khác. Tại sao CBA chấp nhận mua thêm 5% cổ phần VIB với mức giá đó?
Theo lý giải của ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIB, giá cổ phiếu VIB trên thị trường tự do (chỉ trên 10.000 đồng/cổ phiếu) chỉ thể hiện quan hệ cung – cầu số lượng nhỏ cổ phiếu này và phụ thuộc vào thị trường chứ không phải giá trị của ngân hàng. Ông Vũ cho biết, CBA có cách đánh giá dài hạn về tiềm năng tăng trưởng của VIB, với nhiều yếu tố khác nhau, chứ không nhìn nhận giá trị của ngân hàng này dựa vào giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, có một lý do khác có vẻ khá hợp lý được đặt ra. Phải chăng CBA chấp nhận mua cổ phiếu VIB với giá cao để chờ ngày VIB phát hành cổ phiếu ra công chúng? CBA có thể dần thoái vốn sau khi VIB niêm yết trên thị trường chứng khoán sau khi đã thu được mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn số vốn họ bỏ ra. Điều này đã từng xảy ra, khi Ngân hàng Úc ANZ thoái vốn khỏi Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Cũng không loại trừ CBA nhìn xa hơn, đón đầu xu hướng mua bán sáp nhập, dự báo sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Trước khi khi lựa chọn VIB, CBA đã mất khoảng 3-4 năm tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các ngân hàng Việt Nam. Khoản đầu tư thêm 1.150 tỉ đồng vào VIB sẽ giúp tăng cường cơ sở vốn, mở rộng kinh doanh, quy mô hoạt động và xác lập tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) cao hơn cho VIB. Theo ông Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIB, sau 2 lần CBA mua cổ phần trong VIB hồi năm ngoái (15%) và mới đây (5%) để trở thành cổ đông chiến lược, VIB đã thu về khoảng 2.550 tỉ đồng thặng dư vốn. Toàn bộ số tiền thặng dư sẽ được sử dụng phục vụ mục đích mở rộng kinh doanh của VIB.
Ông Wayne Hoy, Giám đốc Dịch vụ Tài chính quốc tế, CBA Sydney, cho biết ngân hàng này đã có 2 thành viên cao cấp thuộc Ban điều hành là đại diện tại Hội đồng Quản trị, một đại diện trong Ban kiểm soát VIB. Ngoài ra, khoảng 20 chuyên gia đến từ ngân hàng Úc cũng đang làm việc tại VIB, thuộc nhiều lĩnh vực chủ chốt gồm: ngân hàng bán lẻ, quản trị rủi ro, phát triển nhân sự, công nghệ thông tin, hoạt động nguồn vốn và tài chính. Số chuyên gia của CBA sang công tác trong VIB dự kiến tăng lên 40 người trong năm 2012 và tiếp tục tăng dần trong các năm tiếp theo.
Theo NCĐT