Tin trong nước
Vì sao nhà giàu Việt chưa chi tiền cho hàng Việt?
Tại Việt Nam đã xuất hiện một tầng lớp người tiêu dùng không cần quan tâm đến giá cả, trung bình chi tới 80 – 100 triệu đồng/lần mua hàng. Tuy nhiên, lượng tiền chi cho hàng Việt trong số đó còn khiêm tốn.PGS. TS Phạm Tất Thắng thuộc Viện nghiên cứu thương mại – Bộ Công Thương cho biết, theo kết quả điều tra của ban tổ chức cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, có tới 59% người được hỏi đã có quyết định tiêu dùng hàng Việt. So với trước đây, con số này chỉ là 23%.
Tại Hà Nội, chỉ cần đi dọc các tuyến phố như khu chùa Bộc (quận Đống Đa), đường Xã Đàn (quận Đống Đa), đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), đường Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy), phố Lò Rèn (quận Hoàn Kiếm) hay Sài Đồng (Gia Lâm)… sẽ dễ dàng tìm thấy rất nhiều cửa hàng treo biển “Made in Vietnam”. Mặt hàng được bày bán chủ yếu là các loại quần áo thu đông, áo khoác, áo len, áo dạ, quần kiểu dáng thể thaovới đủ mọi kích cỡ, màu sắc dành cho mọi lứa tuổi.
Trong hệ thống phân phối, siêu thị hiện đại như: Metro, Big C, Saigon Co.op, Fivimark, Hapro…, tỷ lệ hàng Việt gần đây đã tăng lên đáng kể, dao động từ 75 – 90% tuỳ từng siêu thị.
Ông Thắng cho biết thêm, tại Việt Nam hiện nay, sự phân tầng trong chi tiêu cũng rất rõ rệt. Trong số 86 triệu dân Việt Nam, 20% dân số nghèo chỉ tiêu thụ 7,2% trong tổng doanh số bán lẻ, trong khi đó 20% người giàu lại có sức tiêu thụ tới 43,3%. Đã xuất hiện một tầng lớp người tiêu dùng khi mua hàng không cần quan tâm đến giá cả, trung bìnhchi tới 80 – 100 triệu đồng/lần mua hàng.
Thế nhưng, theo đánh giá của một số chuyên gia, “hàng Việt” chưa thực sự chiếm được trọn tình cảm và sự trân trọng của người tiêu dùng Việt Nam,đặc biệt là giới siêu giàu cũng nhưchưa giữ được thế thượng phong trên thị trường nội địa, nếu không muốn nói là bị lấn lướt bởi hàng nhập khẩu và nhập lậu.
Chất lượng tạp nham
Theo ông Thắng, nguyên nhân là bởi nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chưa nghĩ tới việc sản xuất ra hàng chất lượng cao để phục vụ cho người tiêu dùng trên thị trường nội địa, không chú ý tới xây dựng hệ thống phân phối để đưa hàng Việt tiếp cận với người tiêu dùng.
“Thêm vào đó, một số doanh nhân đang tư duy theo kiểu “buôn cau thì ăn chũm”, “nuôi gà thì ăn gà toi”. Với tư duy này, người ta đem bán hàng không xuất khẩu được ở thị trường nội địa, đưa hàng ế ẩm, cận đát, quá đát về nông thôn khiến nhiều người không chấp nhận mua những mặt hàng như vậy”,ông Thắng nói thêm.
Còn theo chia sẻ chân thành của chủ một cửa hàng bán đồ “Made in Vietnam” đại hạ giá trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì trên thực tế, họ bày bán “thập cẩm” đủ thứ hàng, không chỉ hàng Việt, mà còn có hàng xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông hoặc Campuchia. Không chỉ thế, họ còn trộn lẫn hàng Trung Quốc với hàng gia công vào cùng với hàng “Made in Vietnam” để bày bán. Nhiều sản phẩm khác thậm chí còn không có nhãn mác, ghi chú nơi sản xuất, nhưng vẫn có mức giá cao “chóng mặt”.
Nhiều loại quần áo bị nhái các thương hiệu lớn như Calvin Klein, Louis Vuitton, Puma… được bán với mức giá từ 120 – 600 nghìn đồng, nhưng chất lượng lại tỉ lệ nghịch với mức giá mà người tiêu dùng phải trả. Chẳng hạn,chúng thường có chất vải nhanh bạc màu, đường chỉ may ẩu, nhanh tuột chỉ, logo không sắc nét…
Anh Vinh, nhân viên của một cửa hàng bán đồ “Made in Vietnam” ở khu Chùa Bộc (Hà Nội) cho biết: “Nhiều khi hàng Made in Vietnam đại hạ giá chưa hẳn đã là lởm. Nếu chịu có tìm, bạn vẫn sẽ tìm thấy những sản phẩm chất lượng khá ổn mà giá cả lại phải chăng. Thường thì do vải thừa, nên một số công ty sản xuất đồ để bán tại thị trường nội địa, kiếm thêm chút thu nhập cho công nhân. Đại gia cũng thích săn những mặt hàng này do chúng có nhiều size “khủng”, chất vải tốt, phù hợp với dáng vóc của họ, nhưng hiếm ngườitin vào chất lượng của chúnglắm”.
Vẫn trăn trở khi phân tích về nguyên nhân khiến hàng Việt chưa bao sân được thị trường nội địa, ông Thắng nhấn mạnh: “Một nguyên nhân khác nữa đó là do hàng Việt chưa thâm nhập được vào hệ thống phân phối truyền thống, đặc biệt là các chợ nổi tiếng, có chức năng phát luồng cho cả vùng, thậm chí cả nước như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Rồng (Nam Định), chợ Đông Ba (Huế), chợ Hàn (Đà Nẵng), chợ Bến Thành (Sài Gòn) …
Trong những chợ này dường như là lãnh địa của hàng Trung Quốc giá rẻ để rồi phát luồng đi bán ở các chợ nhỏ hơn, các hộ kinh doanh bán lẻ trong khắp cả nước”.
Gần đây, một số hãng, thương hiệu có uy tín đã có ý thức xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình trên khắp lãnh thổ Việt Nam như May Mười, Việt Tiến, Nhà Bè, Trung Nguyên, Vinamilk, Kinh Đô …, nhưng số đó còn quá nhỏ so với thị trường rộng lớn như Việt Nam.
Theo ông Thắng, đã đến lúc cần nhìn nhận lại vấn đề về hệ thống phân phối để có cách tổ chức nhằm đưa hàng Việt đến với dân chúng.Cơ cấu của sản xuất, kinh doanh hàng Việt cần phù hợp với cơ cấu chi tiêu và xu hướng tiêu dùng của các tầng lớp dân cư người Việt Nam. Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ cần bắt nhịp nhanh với phong cách tiêu dùng đã có nhiều sự thay đổi của người Việt trong những năm gần đây để không còn chỗ cho hàng nhập khẩu, hàng nhập lậu.
“Hàng “Made in Vietnam” cũng cần vươn tới ngưỡng phục vụ được nhu cầu của người có thu nhập cao, rất cao, đồng thời có cả hàng giá rẻ để phục vụ cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở thành thị và thị trường nông thôn”, ông Thắng nhấn mạnh.
“Có rất nhiều minh chứng chứng tỏ người Việt không quay lưng lại với hàng Việt đặc biệt kể từ khi chúng ta có được những biện pháp phù hợp để nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hoá, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng hoá Việt. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nữa nếu các nhà sản xuất biết trân trọng người tiêu dùng, am hiểu và tìm mọi cách thoả mãn nhu cầu của họ.
Về phần mình, người tiêu dùng cũng cần phải thông thái hơn, biết tự bảo vệ mình trước những hàng hoá không rõ nguồn gốc”, ông Thắng nói.
Theo VTC News