Connect with us

Vị của đất, hương của trời

Tình huống thương hiệu

Vị của đất, hương của trời

Nói đến cái nôi của trà Việt Nam, hẳn ai cũng nghĩ ngay đến các vùng trà phía Bắc. Hà Nội thì có "Giếng nước hè, chè Cam Lâm". Ngược lên Sơn La có "Gái Mường Tè, chè Tô Múa". Thong dong Thái Nguyên có, "Chè Thái gái Tuyên".

Non cao Cao Bằng có chè đắng; Hà Giang có Shan tuyết Vị Xuyên, Yên Minh. Rồi thì trà Bắc Kạn, Lào Cai, Lạng Sơn… đủ cả, mỗi vùng mỗi loại, mỗi vị, cho thấy sự hùng hậu về số lượng của trà Việt Nam. Nhưng ít ai biết “thủ đô” trà Việt lại được định danh ở thành phố Bảo Lộc – vùng đất B’Lao xưa của Tây Nguyên.

Vùng trà B’Lao có lịch sử hình thành và phát triển đầy thăng trầm và thú vị. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã thành lập tỉnh lỵ Đồng Nai thượng, trong đó bao gồm cả B’Lao.

Người Pháp thấy vùng đất này thích hợp với ngành công nghiệp trà nên đã đem cây trà đen Bạch Mao về trồng ở đây, và từ đó những đồn điền chè đầu tiên của B’Lao ra đời.

B’Lao xưa chủ yếu là người Mạ, người Ko Ho sinh sống. Đến những năm 1930 – 1940, người Kinh bắt đầu di cư đến lập nghiệp. Những đồn điền chè của người Việt bắt đầu hình thành, và một trong những đồn điền đầu tiên là của gia đình ông Trần Thuận.

Bà Trần Thị Hồng Túc, con gái ông Trần Thuận, nói: “Cha tôi vẫn kể lại là trà ở đây chủ yếu trồng để bán cho người Pháp đem về nước chế biến. Kỹ thuật được họ bảo mật rất kỹ. Vì thế, người địa phương sau khi hái về chỉ luộc qua rồi phơi khô, sau đó đóng gói cất để dành uống”.

Trải qua nhiều năm, vùng đất B’Lao ngày càng thay da đổi thịt, người dân từ khắp nơi đổ về lập nghiệp, trong đó có gia đình bà Đỗ Thị Ngọc Sâm, gốc Huế, lập nghiệp ở B’Lao từ những năm 1950.

Bà là chủ danh trà Đỗ Hữu, được xem là người sáng chế ra sản phẩm trà ướp hương đầu tiên ở B’Lao (và có lẽ là ở cả Việt Nam) cách đây hơn nửa thế kỷ và được dân vùng này coi là người đã làm nên điều kỳ diệu cho xứ trà này.

Bà Sâm nay đã 90 tuổi, sức đã yếu nhưng vẫn gắn bó với nghề ướp trà. Trà Đỗ Hữu nổi tiếng khắp nơi, nhưng bà vẫn chỉ làm theo kiểu thủ công với những chiếc bồ, chiếc rổ, chiếc sàng làm bằng tre để sấy, sàng sẩy trà…

Đối với bà, làm trà dường như không còn mang ý nghĩa mua bán, mà là trao gửi cho nhau thưởng thức một loại trà tao nhã do bà kỳ công làm ra. Đến giờ, kỹ thuật ướp trà của bà vẫn chưa được truyền cho ai, nên trà Đỗ Hữu vẫn là một thứ của quý ở đất Bảo Lộc.

Theo lời bà kể, bà gắn bó với những búp trà từ hồi còn phải bán hàng rong theo những chuyến xe Sài Gòn – Đà Lạt. Cứ mỗi lần khách chê trà của bà bán đắng quá, không hương vị là bà lại thấy day dứt.

Rồi một ý nghĩ lóe lên: “Tại sao không thử ướp hương vào trà để trà có hương thơm?”. Nói là làm, những bó hoa tường vi đầu tiên được chuyển từ Huế vào để ướp trà. Mẻ trà hương đầu tiên được ưa thích vượt mức mong đợi của bà, người mua ngày càng nhiều, hoa chuyển từ Huế vào không kịp.

Bà quyết định trồng hoa tường vi tại chỗ, nhưng đáng tiếc là khí hậu quá lạnh, không thích hợp để hoa phát triển. Rồi bà lại phát hiện trà ướp tường vi không giữ được lâu, chóng hỏng vì bị mọt.

Niềm vui đến bất ngờ cũng tan mau, trong lúc buồn rầu bà chia sẻ với những người hàng xóm từ Bắc di cư vào, thì được biết một thông tin thú vị: ngoài Bắc có hoa sói vẫn dùng để ướp trà và hoa sói phù hợp với khí hậu lạnh.

Với sự giúp đỡ của người hàng xóm tốt bụng, những cây hoa sói đầu tiên được chuyển vào đất cao nguyên. Xứ B’Lao vốn sương mù quanh năm, Mặt trời lên trễ, mà hoa sói khi gặp nắng ban mai mới bung nở, đó là thời điểm tốt nhất để hái hoa.

Hoa sói có từng hột tròn nhỏ như hạt minh châu (trà hoa sói còn gọi là Châu (Chu) Lan trà). Hoa rời cây thì không chịu được nắng, không để được lâu, phải ướp ngay, nếu không hương sẽ bay mất.

Hương hoa sói tuyệt diệu là vậy, song không đủ làm bà Sâm hài lòng. Nghe nói, để có được hương trà đặc trưng, bà phải ướp hoa sói với nhiều loại khác như: cam thảo, tiểu hồi, quế chi, đại hồi…

Dưới bàn tay của bà, những mẻ trà hương sói đầu tiên được ra đời ở đất B’Lao, rồi lan đi khắp nơi. Lịch sử trà B’Lao lật qua một trang mới. 

Tiếng lành đồn xa, khắp nơi truyền miệng ở xứ B’Lao có một loại trà ngon và thơm kỳ lạ, vị lại không quá đắng gắt như loại trà truyền thống. Hương trà lúc mạnh mẽ, lúc đằm thắm, trà khi trên đầu lưỡi thì có vị chát nhẹ, xuống cổ rồi thì ngọt dịu, chén đã đặt xuống mà hương vị vẫn còn phảng phất.

Những chuyến xe than nối liền Đà Lạt – Sài Gòn khi dừng chân ở B’Lao khách đều hỏi thăm trà “Giấy báo” của bà Sâm, vì ngày đó không có bao bì in nhãn hiệu như bây giờ, trà chỉ được gói bằng giấy báo.

Theo nhiều góp ý của những người mến mộ trà bà Sâm, đến năm 1956 danh trà Đỗ Hữu chính thức có mặt trên thị trường với biểu tượng hình con chim bồ câu trắng. Bà nói đó là biểu tượng của hòa bình, vì bà luôn ước mong hòa bình được lập lại trên quê hương.

Và cũng từ đó, nhiều hộ dân mới di cư đến đang còn lúng túng chưa biết bắt đầu lập nghiệp thế nào đã được bà Sâm khuyên nên trồng hoa sói cung cấp cho người trồng trà. Thế là những vườn hoa sói dần nở rộ khắp đất B’Lao.

Nghề trà ướp hương của B’Lao được “khai sinh” và dần lớn mạnh cùng với nhu cầu uống những loại trà ướp hương mới lần lượt ra đời như: sen, lài, ngâu… của người tiêu dùng.

Những hộ kinh doanh trà cũng mở ra ngày một nhiều, vùng đất B’Lao ngày càng sung túc và náo nhiệt. Những gói trà nhỏ theo người yêu trà được chuyển đi khắp mọi miền và thương hiệu trà B’Lao cũøng theo đó mà lan tỏa khắp nơi.

Từ mẹt trà của bà Sâm, hôm nay ở Bảo Lộc đã xuất hiện hàng chục danh trà khác nhau với cửa hiệu bề thế, như: Thiên Hương, Quốc Thái, Thiên Thành, Bảo Tín, Lâm Kim Hoa, rồi Trâm Anh, Tâm Châu.

Theo phòng Công – Nông – Thương thị xã Bảo Lộc, trên địa bàn thị xã hiện có 90 công ty, nhà máy và cơ sở chế biến trà tư nhân, mỗi năm chế biến được khoảng 22.000 tấn trà thành phẩm với nhiều chủng loại đa dạng.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 25.300ha trà (chiếm 1/4 diện tích trà cả nước), trong đó 95% được trồng ở Bảo Lộc, Bảo Lâm và Di Linh, mỗi năm sản xuất trên dưới 160.000 tấn trà tươi.

Ngoài 8 nhà máy trực thuộc Công ty Chè Lâm Đồng, 20 công ty đầu tư nước ngoài mỗi năm tiêu thụ và chế biến tối đa 60.000 tấn trà tươi… Bảo Lộc quả không hổ danh là “thủ đô” trà của Việt Nam.

Tiết trời ngày cuối Đông dần chuyển mình xua đi cái lạnh, ai nấy cả năm đi xa nay cùng nhau quây quần tụ họp đón không khí nhộn nhịp và hạnh phúc đang tràn về.

Lòng người bình yên và tĩnh lặng, khẽ nâng chén trà, hương Chu Lan dường như lan mà chẳng lan, thoáng gần là hương trà bảng lảng, thoáng xa như sương gió đồi trà. Nhấp ngụm trà thấy đắng nhẹ rồi ngọt dịu ngay. Bỗng thấy lòng bâng khuâng và ấm áp khó tả. Xuân đã về!

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

14 + 20 =

To Top