Tin quốc tế
Truyền hình trả tiền và cuộc đua mới
Google đang quyết tâm xây dựng một môi trường tivi và thông qua đó, củng cố khả năng kiểm soát hoạt động tìm kiếm và quảng cáo.Dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình theo yêu cầu, hoạt động trên nhiều thiết bị sẽ là tương lai của ngành truyền hình.
Truyền hình tự chọn hoặc theo yêu cầu sẽ sở hữu nhiều ứng dụng mới, tạo nên một trải nghiệm xã hội về hình thức truyền hình.
Khi khán giả có thể tự do chọn lựa nội dung truyền hình theo nhu cầu thì bản chất dễ đoán và dựng sẵn trước kia của truyền hình sẽ biến mất. Mỗi chương trình giờ đây có khả năng tồn tại độc lập và nhờ được kết hợp với tính năng tìm kiếm, sẽ thu hút khán giả hơn, nhất là trong bối cảnh khán giả đang có hàng ngàn chương trình để lựa chọn.
Hình thức truyền hình mới đang dần hình thành những đặc điểm của kỷ nguyên mạng xã hội hiện nay, khác với truyền hình hiện tại vốn là sân chơi của các nhà cung cấp truyền hình trả tiền. Dù nền tảng công nghệ và nội dung truyền hình hiện tại đã sẵn sàng cho môi trường mới nhưng người ta vẫn chưa tìm thấy một thiết bị hay dịch vụ nào có khả năng cạnh tranh với các nhà cung cấp truyền hình trả tiền hiện thời. Và người ta tiếp tục tự hỏi khi nào lĩnh vực truyền hình qua internet phát triển để bất kỳ khi nào, bất cứ ở đâu, họ đều có thể truy cập vào một thư viện chứa những nội dung theo yêu cầu của họ.
Trong thị trường truyền hình hiện tại, lợi nhuận đã chảy về túi những công ty có khả năng sở hữu và kiểm soát khách hàng. Đây quả là tin không vui cho những công ty mong muốn khởi xướng xu thế mã nguồn mở. Bản chất của hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình hiện tại chỉ đơn thuần là thu phí định kỳ các khách hàng đăng ký dịch vụ. Bởi thế, thị trường này đang là sân chơi của những nhà cung cấp truyền hình trả tiền, vốn sở hữu 2 thành tố chính trong chuỗi cung ứng sản phẩm giải trí kỹ thuật số: dịch vụ nội dung và thiết bị dành cho người dùng.
Các công ty cung cấp internet video hiện chưa thể cạnh tranh được với các nhà cung cấp truyền hình trả tiền bởi nguồn nội dung hạn chế và mô hình kinh doanh phụ thuộc vào thiết bị của bên thứ ba. Dù truyền hình thông minh và thiết bị chơi game là các phương tiện trung gian có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng truy cập dịch vụ của công ty cung cấp truyền hình qua internet nhưng suy cho cùng, truyền hình thông minh chỉ đơn thuần cung cấp tính năng truy cập internet qua tivi, trong khi đây lại không phải là một dịch vụ hấp dẫn. Còn các thiết bị chơi game như Wii hay Xbox lại là những sản phẩm của các công ty vốn không có thế mạnh về kinh doanh dịch vụ truyền hình, thậm chí nhiều công ty còn đang sử dụng sản phẩm truyền hình trả tiền.
Để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nhà cung cấp truyền hình trả tiền, chí ít những công ty mới phải cung cấp được những dịch vụ hiện có, cộng thêm các lợi ích gia tăng như nội dung nhiều hơn, giá thấp hơn, trải nghiệm sử dụng ưu việt hơn…
Nếu thành công, các công ty cung cấp truyền hình qua internet sẽ mang đến cho khán giả một danh mục toàn diện gồm các nội dung tự chọn với trải nghiệm sử dụng trực quan. Tuy nhiên, hiện những gì các công ty này cung cấp được chỉ là một phần nhỏ so với các nhà cung cấp truyền hình trả tiền, trong khi việc mua bản quyền nội dung mới lại được họ thực hiện hết sức tùy hứng. Nếu muốn cạnh tranh với các nhà cung cấp truyền hình trả tiền, họ cần tiên liệu những chương trình nào sẽ có ý nghĩa với khán giả và chỉ mua bản quyền những chương trình đã chọn lọc.
Apple đã thành công khi làm chủ cả thiết bị iPod/iPhone/iPad lẫn dịch vụ (iTunes/App Store). Nhờ có nhiều kinh nghiệm, họ đã tạo ra một môi trường mới, với những chiếc tivi được trang bị các ứng dụng mà mọi người chưa hề tưởng tượng ra. Tuy nhiên, việc dịch vụ truyền hình của Apple có khả năng cạnh tranh với các nhà cung cấp truyền hình trả tiền hay không vẫn còn là một dấu hỏi.
Tham gia thị trường truyền hình mới, Amazon sở hữu lợi thế là hiểu thấu môi trường. Bởi lẽ, họ là chủ của những chiếc máy đọc sách Kindle và sách điện tử, cùng với các dịch vụ điện toán đám mây. Tuy nhiên, Amazon chỉ mới thử nghiệm dịch vụ truyền hình như một tính năng bán lẻ nâng cao, chứ không phải là một sản phẩm độc lập.
Các công ty viễn thông cũng là đối thủ đáng gờm. Một khi họ thoát khỏi ý tưởng xưa cũ rằng cơ sở hạ tầng của họ phải được sử dụng cho việc phân phối chương trình truyền hình thì việc mở rộng dịch vụ, chú trọng xây dựng hệ thống nội dung theo yêu cầu sẽ mang đến cho họ nhiều triển vọng kinh doanh mới.
Cũng đừng quên Google. Tuy chưa trở thành mốt nhưng Google TV là sản phẩm chiến lược của Google. Hãng hiện quyết tâm xây dựng một môi trường tivi và thông qua đó, củng cố khả năng kiểm soát hoạt động tìm kiếm và quảng cáo.
Trước sức mạnh của internet, các công ty viễn thông tỏ ra yếu thế bởi họ không thể cung cấp một dịch vụ đồng nhất và quy mô như internet.
Giống như sự xuất hiện của truyền hình trả tiền đã thay đổi cách con người giải trí tại nhà, truyền hình tự chọn hoặc theo yêu cầu hứa hẹn sẽ tạo nên một đợt sóng mới. Các công ty mới chưa tạo ra sức ép đủ lớn cho những nhà cung cấp truyền hình trả tiền kỳ cựu. Tuy nhiên, điều có thể chắc chắn là hình thức truyền hình này sẽ trở thành hiện thực, vấn đề chỉ là công ty nào sẽ cán đích đầu tiên trong cuộc đua này mà thôi.
Theo NCĐT