Connect with us

Truyền hình trả tiền: AVG nhảy vào, cuộc chiến có khốc liệt hơn?

Tin trong nước

Truyền hình trả tiền: AVG nhảy vào, cuộc chiến có khốc liệt hơn?

Còn sớm để nói về nhân tố mới AVG trên thị trường dịch vụ truyền hình thu tiền, nhưng với cơ sở hạ tầng công ty này đang có, thì họ là đối thủ đáng gờm trên thị trường này.

Cho đến nay, tập đoàn An Viên (AVG) là một trong ba đơn vị được cấp phép xây dựng hệ thống truyền dẫn phát sóng trên toàn quốc, đây cũng là công ty tư nhân thứ hai được cấp phép xây dựng hạ tầng truyền dẫn truyền hình kỹ thuật số tại Việt Nam, sau tập đoàn Canal+ của Pháp trong liên doanh truyền hình số vệ tinh VSTV khai thác kênh K+. AVG cũng đã được cấp phép thiết lập mạng viễn thông cố định nội hạt và cố định vệ tinh. Lợi thế hạ tầng của AVG còn ở quyền khai thác dịch vụ trên cả hai hệ kỹ thuật số vệ tinh và kỹ thuật số mặt đất.

Đối thủ lớn

Sự có mặt của AVG cũng cho thấy bước đa dạng hoá hình thức phát sóng lâu nay vẫn còn hạn chế ở Việt Nam. Không bình luận về AVG, nhưng đại diện một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả trước thừa nhận đây là đối thủ đáng gờm trên thị trường, xuất phát sau trên thị trường nhưng có một hạ tầng cơ sở “thứ dữ”. Mặc dù nhiều đối thủ khác đã tạo dựng được tên tuổi như SCTV, VCTV, VTC, K+, HCTV nhưng nhà cung cấp đi sau cũng thuận lợi về công nghệ và những kinh nghiệm thị trường mà các nhà tiên phong khác đã đối mặt.

Để công bố dịch vụ chính thức từ ngày 11 rồi, AVG mất gần năm năm triển khai hai kênh hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình là truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh, và đã qua một năm phát sóng thử nghiệm. Tổng đầu tư của AVG cho hạ tầng truyền dẫn truyền hình kỹ thuật số khoảng 1.500 tỉ đồng và 600 tỉ đồng cho thiết bị thu tín hiệu. Trong đó bao gồm trung tâm giám sát và điều độ vận hành mạng từ xa (Network Control Center) đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Phạm Nhật Vũ, chủ tịch hội đồng quản trị AVG, cho biết bên cạnh việc cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng, AVG sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với gói 55 kênh như VTV1, VTV3, Vnews, các kênh VTC, các kênh truyền hình tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương… Trong đó có tám kênh HD và năm kênh radio. Cùng với đó, AVG liên kết sản xuất chương trình với các kênh đài như kênh an ninh tivi, điện ảnh bộ Công an, văn hoá phương Đông, kênh thể thao – giải trí, kênh trẻ em, kênh âm nhạc với đài Phát thanh – truyền hình Bình Dương.

AVG đưa ra mục tiêu 3 triệu thuê bao sau ba năm phát sóng, tuy nhiên xét trên bình diện thị trường chung thì đây quả là tham vọng. Hiện cả nước có hơn 22 triệu hộ có truyền hình, nhưng năm nhà cung cấp đã trải qua 5 – 7 năm khai thác thị trường cũng chỉ chia sẻ con số hơn 2 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Lợi thế trước mắt của AVG là khả năng liên kết nội dung đã thiết lập được nhiều năm nay và năng lực tài chính dài hạn cùng với công nghệ mới.

Truyền hình không chỉ để xem

Ông Cao Văn Liết, tổng giám đốc VSTV, cho biết thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ. Khi có nhiều nhà cung cấp thì sẽ có cạnh tranh và thúc đẩy độ lớn thị trường, vì thế tất cả sẽ cùng hưởng lợi. Điều cốt lõi là sự khác biệt mà mỗi nhà cung cấp phải tạo ra để có thể cạnh tranh thành công.

K+ muốn tận dụng lợi thế của đối tác Pháp Canal+ thiết lập mô hình truyền hình trả tiền tiên tiến và khác biệt với các đối thủ khác. Chắc chắn các nhà cung cấp khác cũng tìm hướng đi riêng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khán giả mình.

Với công nghệ truyền hình mới, người xem không chỉ xem truyền hình trên tivi mà có thể trên smartphone, máy tính bảng hay trải nghiệm các dịch vụ như tra cứu thông tin, mua sắm trực tuyến, chơi game… Truyền hình đang hướng đến các tiện ích hoá theo nhu cầu. Xét ở khía cạnh này thì AVG nếu tận dụng các kênh dịch vụ nội dung trên internet đã đầu tư nhiều năm nay cũng có những lợi thế nhất định.

Xu hướng đó cho thấy khi SCTV mới đây công bố mở rộng phủ sóng, đầu tư công nghệ hiện đại hơn và gia tăng tiện ích xem truyền hình theo yêu cầu. Nhà cung cấp này công bố đạt 1 triệu khách hàng truyền hình cáp và 150.000 khách hàng internet năm 2010, và đưa ra mục tiêu đầu tư 8.000 tỉ đồng đến năm 2015 cho nhiều hạng mục tham vọng như mở trường đào tạo nhân lực làm truyền hình; mở nhà máy sản xuất đầu STB nhắm tới số hoá truyền hình; thử nghiệm công nghệ truyền hình số 3D… Một trung tâm nội dung số được thành lập để đẩy mạnh dịch vụ gia tăng, sản xuất chương trình, trao đổi dữ liệu với khách hàng. Mục tiêu nữa là phát 30 kênh HDTV năm nay và đến 50 kênh HDTV cuối năm 2015.

HTVC hiện đang phát sóng gần 100 kênh và công bố đẩy mạnh dịch vụ cộng thêm như truyền hình độ phân giải cao (HDTV), truyền hình theo yêu cầu (VOD), Mobile TV, truy cập internet tốc độ cao, truyền hình qua mạng internet (IPTV), trò chơi qua mạng và nhiều dịch vụ tương tác khác với khán giả.

K+ hiện đang cung cấp 72 kênh truyền hình tín hiệu SD và tám kênh HD tín hiệu gốc. Mới đây tăng số lượng kênh ở gói cơ bản Access từ 37 lên 58 và bổ sung cho gói kênh này vẫn giữ nguyên phí hàng tháng là 50.000 đồng. Với lợi thế về kênh phủ, K+ chú trọng tính địa phương và độ tuổi, giới tính… Đáng chú ý là nhà cung cấp này phát triển thuê bao khá đồng đều ở cả ba miền và phân bổ các gói kênh hợp lý về tính địa lý giữa các tỉnh, thành.

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 × 1 =

To Top