Connect with us

Triều đại Steve Ballmer: 12 năm là quá đủ

Tin quốc tế

Triều đại Steve Ballmer: 12 năm là quá đủ

Ngày ra đi của Steve Ballmer sẽ không còn xa, dù ông đã nỗ lực để vực dậy Microsoft. Từ giữa năm 2011 đến nay, có nhiều lời đồn đoán cho rằng ngay sau khi Windows 8 ra mắt thì triều đại Steve Ballmer tại Micorsoft cũng sẽ chấm dứt. 

Lời đồn này có thể nhanh chóng trở thành hiện thực bởi phong trào chống Ballmer đang dần lan rộng từ nhân viên sang cổ đông của hãng công nghệ này.

Tại hội nghị BUILD do Microsoft tổ chức vào tháng 9.2011, khi đến phần phát biểu của Ballmer, nhân viên Microsoft đã lũ lượt kéo nhau ra về. Nghiêm trọng hơn, nhiều cổ đông lớn của Microsoft như ông David Einhorn, nhà đầu tư đứng đầu quỹ phòng hộ Greenlight Capital, đã công khai yêu cầu thay đổi cấp lãnh đạo cao nhất. “Ballmer đã để Microsoft bị nhiều đối thủ đánh bại ở các mặt trận quan trọng, bao gồm cả lĩnh vực tìm kiếm”. Ngoài ra, “việc Ballmer tiếp tục có mặt tại Microsoft là rào cản lớn nhất cho giá cổ phiếu của Hãng”, ông cho biết.

Trước sức ép của cổ đông cũng như trước thực tế rằng sau 12 năm tại vị, Ballmer vẫn chưa tìm ra hướng đi cho Microsoft trong kỷ nguyên hậu máy tính PC, có lẽ đã đến lúc bộ máy lãnh đạo cấp cao của Microsoft cần một thuyền trưởng mới.

Nỗi ám ảnh Windows

15 năm trước, khi khái niệm laptop còn khá xa vời với người tiêu dùng thì Microsoft đã sở hữu một “đống vàng” mang tên Courier, thiết bị vận hành giống máy tính bảng ngày nay. Thế nhưng, Courier chẳng bao giờ được hiện thực hóa. Bởi lẽ, nó đòi hỏi một hệ điều hành di động độc lập, điều được xem là phạm thượng với triết lý “một Windows cho tất cả” mà Microsoft, hay chính xác là Steve Ballmer thời đó vẫn luôn tôn thờ. Nhắc lại vụ Courier để thấy hậu quả của văn hóa cục bộ tồn tại ở Microsoft trong hơn một thập niên qua.

Không chỉ cục bộ, Ballmer còn thiển cận và chậm thay đổi. Năm 2007, khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên, ông từng mạnh miệng tuyên bố: “Microsoft sẵn sàng bỏ qua iPhone bởi Windows sẽ trở thành hệ điều hành được sử dụng trong 60%, thậm chí 80% thiết bị di động của các hãng khác”. Khi phát biểu câu đó, Ballmer vẫn quá tin chắc vào sức mạnh của Windows và không thể ngờ rằng thị phần của iPhone ngày càng tăng trưởng. Dĩ nhiên sự xuất hiện của Android cũng không nằm trong dự tính của ông. Đòn đáp trả mạnh mẽ nhất của Ballmer trước sự bành trướng của Apple là Windows Phone, chỉ xuất hiện sau hơn 3 năm iPhone tung hoành thị trường. Trong thế giới công nghệ biến đổi từng giờ từng phút, 3 năm là quãng thời gian đủ dài để xây dựng một thói quen tiêu dùng mà Microsoft dường như không thể phá vỡ.

Thị trường hệ điều hành cho máy tính PC nơi Windows là bá chủ cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hãng nghiên cứu Catalyst (Mỹ) cho biết: “Trong năm 2012, Apple sẽ soán ngôi HP để trở thành công ty bán PC số 1 thế giới, nếu tính iPad như PC”.

Về sản phẩm chiến lược Windows 8 mà Microsoft sắp tung ra trong vài tháng tới, chuyên gia công nghệ Robert Scoble của trang Business Insider, nhận xét: “Windows 8 không thể đánh bại iPad”. Bởi lẽ, thứ nhất, máy tính bảng chạy Windows 8 sẽ không thể cạnh tranh với phân khúc máy tính bảng giá rẻ, nơi Amazon và Barnes & Noble sẵn sàng chịu lỗ khi bán máy để đổi lại việc khách hàng sẽ mua nhiều nội dung hơn. Thứ hai, máy tính bảng chạy Windows 8 cũng không thể cạnh tranh được với phân khúc cao cấp như iPad, nhất là về phần cứng. Thứ ba, các ứng dụng tích hợp với Windows 8 vẫn còn khá nghèo nàn nếu so sánh với kho ứng dụng của iPad.

 

Giá trị cổ phiếu, 12 năm, giảm 50%

Dù Microsoft vẫn đều đặn công bố lợi nhuận hằng năm nhưng điều mà nhà đầu tư, cổ đông quan tâm nhất là giá cổ phiếu của Công ty, không những không tăng mà còn giảm gần 50%, từ mức 58 USD/cổ phiếu vào năm 2000, thời điểm Ballmer vừa nhậm chức Tổng Giám đốc, xuống còn 30 USD/cổ phiếu hiện nay.

Sở dĩ các nhà đầu tư không đánh giá cao cổ phiếu của Microsoft là vì hãng này không chỉ chậm chân trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh như thiết bị di động, máy tính bảng, mà còn hoang phí tiền của cho những thương vụ hoảng loạn, biểu hiện của sự khủng hoảng về định hướng. Việc Ballmer mua lại Skype đã bị giới phân tích đánh giá là một sai lầm tệ hại. 

Theo ông David Einhorn, đây là hành vi bấn loạn của một người tuyệt vọng, bởi không ai lại bỏ ra 8,5 tỉ USD để mua lại một công ty thua lỗ triền miên. Bên cạnh đó, những ứng dụng doanh nghiệp vốn là thế mạnh của Microsoft như Exchange Server (dùng cho email), SharePoint Server (dùng cho quá trình cộng tác trong doanh nghiệp), Lync (dùng cho hội họp qua video và giao tiếp theo thời gian thực) và Dynamics (dùng cho CRM và kế toán), cũng bắt đầu suy yếu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các nền tảng như Windows Server, SQL Server hay System Center, các mảng kinh doanh đem về cho Microsoft lần lượt 6 tỉ USD, 3 tỉ USD và 1 tỉ USD năm 2011.

Công nghệ điện toán đám mây của Microsoft cũng đi sau Google, Apple và Amazon. Chính vì thế nên Microsoft đã tranh thủ mọi cách để thu hút khách hàng. Theo đó, Hãng đang cho phép các công ty mới thành lập sử dụng miễn phí phần mềm của Hãng trong vòng 3 năm cũng như huy động nhiều chuyên gia phát triển phần mềm, trao cho họ công cụ để họ viết lại phần mềm của mình dưới dạng điện toán đám mây, tích hợp với nền tảng của Microsoft.

Dù Microsoft dưới thời của Ballmer có làm gì đi chăng nữa thì người ta vẫn chỉ thấy hình ảnh một gã khổng lồ ì ạch vác trên mình gánh nặng mang tên Windows và không ngừng bám đuổi những công ty khác. 12 năm tại vị, Ballmer đã không thể thay đổi Microsoft, e rằng cuộc “lương duyên” nên sớm chia tay vì lợi ích của cả hai.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

14 − three =

To Top