Connect with us

Thương vụ mua lại Metro: BJC đã hết khát?

Tin trong nước

Thương vụ mua lại Metro: BJC đã hết khát?

Sự kiện 19 trung tâm phân phối của Metro tại Việt Nam rơi tay tỷ phú Thái Lan cho thấy làn sóng mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bán lẻ đã bắt đầu sôi động.

Sau Metro, những cái tên nào sẽ bị thay chủ khi bán lẻ được xem là ngành có sức hút đầu tư nhất Việt Nam hiện nay?

Metro buông tay

Ngày 7/8, Chủ tịch Tập đoàn Metro Olaf Koch đã đặt bút ký chuyển nhượng toàn bộ các hoạt động của Metro Việt Nam, bao gồm 19 trung tâm bán sỉ và danh mục bất động sản liên quan với giá 655 triệu Euro (869 triệu USD) cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakd.

Thông tin này khiến ngành bán lẻ xôn xao vì lâu nay Metro Việt Nam được biết đến với thương hiệu bán sỉ đứng đầu thị trường khi sở hữu đến 19 trung tâm ở khắp các tỉnh thành. Trong 12 năm hoạt động, Metro đã đầu tư mạnh mẽ và liên tục phát triển hạ tầng thương mại hiện đại…

Hiện Metro Việt Nam được xếp thứ 11 trên 32 nước mà tập đoàn này hiện diện và chỉ tính riêng khu vực châu Á và châu Phi, mạng lưới của Metro Việt Nam xếp thứ 2, sau Trung Quốc.

Chính vì thế, khi thương vụ với BJC được công bố, giới kinh doanh hoàn toàn bất ngờ dù trước đó một năm, thông tin về việc chuyển nhượng đã được râm ran trên các phương tiện truyền thông. Trả lời báo chí khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Metro khẳng định: “Mảng kinh doanh của chúng tôi ở Việt Nam không phải để bán”.

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra là vì sao Tập đoàn Metro bán Metro Việt Nam khi mọi thứ đang được đầu tư bài bản và thương hiệu được đánh giá cao? Có phải vì Metro Việt Nam hoạt động thua lỗ?… Theo công bố của Metro Việt Nam, trong năm tài khóa 2012 – 2013, doanh thu của Công ty đạt 516 triệu Euro (652 triệu USD), một con số không nhỏ cho 19 điểm bán.

Thế nhưng, như vậy không có nghĩa là hoạt động của Metro Việt Nam có lời. Trong 12 năm qua, Metro liên tục báo lỗ, ngoại trừ năm 2010, doanh nghiệp này công khai khoản lãi 116 tỷ đồng. Trong khi đó, các trung tâm Metro mới ở những vị trí đắc địa vẫn liên tục được mở, kể từ năm 2002 đến nay.

Mặc dù đến nửa đầu năm 2015, thương vụ mới hoàn tất nhưng đến nay, thương hiệu Metro coi nhưng đã đặt dấu chấm hết tại Việt Nam. Ngược lại, với BJC, đây là bước ngoặt lớn để BJC thâm nhập mạnh hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Việc mua lại Metro Việt Nam sẽ đưa Tập đoàn BJC lên một vị trí mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh khu vực Đông Nam Á đồng thời bổ sung vào mạng lưới phân phối hiện có của BJC tại Việt Nam, hoàn thiện chuỗi cung ứng và đưa DN này vươn lên trong thị trường phân phối hiện đại.

Bởi trước Metro, năm 2013, BJC cũng đã mua lại chuỗi cửa hàng Family Mart, một liên doanh của Tập đoàn Phú Thái và đối tác Nhật khi phía đối tác này rút khỏi Việt Nam.

Ngay sau khi mua lại Family Mart, BJC đã nhanh chóng đổi tên chuỗi cửa hàng tiện lợi này thành Bs mart – một thương hiệu của BJC. Việc thôn tính Family Mart và giờ là Metro Việt Nam là chiến lược mở rộng đầu tư, chiếm lĩnh thị trường khu vực Đông Nam Á của tập đoàn này.

Nỗi lo của hàng Việt

Khi thị trường chưa hết xôn xao về thương vụ của Metro thì những tin đồn về việc Công ty Đông Hưng đang đàm phán với một đối tác nước ngoài để bán hệ thống siêu thị Citimart cũng đã rộ lên.

Quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020, cả nước có khoảng 1.200 – 1.300 siêu thị. Số trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm cũng tăng lần lượt lên 180 và 157 điểm. 

Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đã có những tên tuổi lớn từ nước ngoài như Big C (Pháp), Auchan (Pháp), Lotte Mart (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Parkson (Malaysia) và sắp tới là Wal Mart và Carrefour. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống siêu thị này cho biết đó hoàn toàn là… tin đồn. Hiện nay, mọi hoạt động của hệ thống Citimart, chuỗi cửa hàng B&B và 4 siêu thị Familymart tại Parkson của Công ty Đông Hưng vẫn diễn ra bình thường.

Bà Hoa cho biết, năm 2007, bà đã từng rất sốc khi nhận hàng loạt điện thoại từ đối tác trong và ngoài nước lo ngại rằng Citimart sẽ không còn nữa. Bởi khi đó, Giant South Asia Investment Pte (thuộc Tập đoàn Dairy Farm – Hồng Kông) đã nhận được giấy phép phát triển kinh doanh tại Việt Nam mà những vị trí mở mặt bằng kinh doanh đều đặt tại các siêu thị của Citimart.

Bảy điểm kinh doanh tại TP.HCM, Cần Thơ và Kiên Giang của Đông Hưng khi đó được Giant South Asia Investment Pte điền vào đơn xin trình lên các cấp có thẩm quyền và đã được phê duyệt. Không chỉ vậy, ngay khi ra mắt Wellcome, Giant South Asia Investment Pte tuyên bố trước báo giới là đã mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Citimart của Đông Hưng.

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Đông Hưng chỉ cho Giant South Asia Investment Pte thuê một phần mặt bằng khu tự chọn tại 3 siêu thị Citimart và phía đối tác đã cải tạo thành Wellcome. Mục đích của Đông Hưng, theo bà Hoa là “Cho thuê để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành… của tập đoàn nước ngoài.

Thế nhưng, học hỏi chẳng được gì vì hoạt động của Wellcome không mấy hiệu quả”. Chính vì vậy, cuối năm 2012, ngay khi hợp đồng kết thúc, Đông Hưng đã lấy lại 3 mặt bằng cho thuê từ Wellcome và kinh doanh ổn định đến hôm nay.

Theo các chuyên gia, tin đồn về Citimart có thể chỉ là một nghi vấn cho tương lai các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam khi làn sóng đầu tư từ nước ngoài với các thương hiệu lớn như Wal Mart, Carrefour… đang ồ ạt tràn vào, và M&A là phương cách nhanh và hữu hiệu nhất để chiếm lĩnh thị trường.

Hiện nay, mặc dù đã lọt khỏi top những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhưng Việt Nam vẫn có sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo mới nhất về “Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014” do CBRE công bố, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng được đánh giá cao vào bậc nhất khu vực do cơ cấu dân số trẻ và sức mua ngày càng được cải thiện nhờ tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng.

Ba thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM cũng lọt vào top 10 thành phố được các DN “chọn mặt gửi vàng” mở cửa hàng trong năm nay. Sau thời gian dài trụ ở top 5, bán lẻ đã quay trở lại là ngành đầu tư hấp dẫn nhất tại Việt Nam.

Với dân số trẻ, mức thu nhập sau thuế tăng trưởng mạnh mẽ đang là những yếu tố hấp dẫn của thị trường này. Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2014 đạt gần 1.600 tỷ đồng, tăng 10,73% so với cùng kỳ năm 2013.

Chưa biết sau Family Mart, Metro Việt Nam đến lượt những thương hiệu nào sẽ rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng hiện tại, sự lo ngại về làn sóng M&A đang tiếp diễn. Và sự thâm nhập của nhà đầu tư Thái Lan không chỉ khiến doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam lo ngại mà ngay cả những nhà sản xuất trong nước cũng lo lắng khi cơ hội tiêu dùng hàng Việt có nguy cơ bị thu hẹp.

Bởi, Metro đến từ Đức không có nhu cầu đưa hàng hóa Đức vào Việt Nam nhưng nhà đầu tư Thái Lan rõ ràng muốn mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Thái, đặc biệt là vào năm 2015, khi cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được mở cửa.

Điều này là hoàn toàn có cơ sở vì trả lời trên báo Bangkok Post hồi năm ngoái, ông Mongkol Banthrarungroi, Giám đốc Điều hành TCI (liên doanh mà BJC góp vốn), cho biết, 70% hàng hóa bán tại Bs mart là hàng Thái Lan và mục tiêu mà của doanh nghiệp này là tạo dựng thương hiệu hàng hóa Thái tại khu vực Đông Dương.

Theo DNSG 

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fourteen + four =

To Top