Connect with us

Thương vụ Marico – ICP và tương lai của X-Men

Tình huống thương hiệu

Thương vụ Marico – ICP và tương lai của X-Men

Theo báo chí Ấn Độ, Marico đã mua lại cổ phần chi phối tại ICP từ Mekong Capital và BankInvest với giá 60 triệu USD.

Trong các khoản đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital, ông Chris Freund, Tổng Giám đốc Công ty, luôn nhìn nhận Công ty Cổ phần Sản xuất Hàng gia dụng Quốc tế (ICP) và Thế Giới Di Động là 2 trường hợp đầu tư thành công. Thành công của ICP gắn với nhãn hiệu X-Men, sản phẩm dầu gội cho nam giới có mặt khá sớm trên thị trường.

Và Tiến sĩ Phan Quốc Công, Tổng Giám đốc ICP, được biết đến là nhà điều hành điềm đạm nhưng có nhiều quyết định kinh doanh táo bạo, khi đưa ICP lấn sân vào ngành thời trang với nhãn hiệu X-series và phân phối nước giải khát Orangina (đã chấm dứt sau một thời gian triển khai). Năm 2009, các cổ đông ICP đã cùng ông Công mua lại Công ty Thực phẩm Thuận Phát nhằm mở rộng ICP bằng cách tận dụng hệ thống phân phối của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, sau 10 năm hoạt động, việc lấn sân sang ngành thời trang và nước giải khát của ICP không đạt được thành công như mong đợi, trong khi Thuận Phát vẫn còn trong giai đoạn cải tiến. ICP cho đến nay vẫn được biết đến nhiều nhất với nhãn hiệu cốt lõi X-Men.

Tháng 2.2011, thông tin tập đoàn hóa mỹ phẩm và thực phẩm Ấn Độ Marico mua lại ICP với tỉ lệ chi phối càng khiến giới kinh doanh đặt câu hỏi, có phải chăng ICP đang gặp khó khăn trong việc mở rộng mô hình kinh doanh, hoặc tài chính nên buộc phải bán? Không ít người cũng thắc mắc về số phận của X-Men sau thương vụ này. NCĐT đã trao đổi với ông Công xung quanh các vấn đề trên.

Cái bắt tay giữa ICP và Marico

Ông có thể cho biết vì sao ICP bán 85% cổ phần cho Marico?

Thực ra, câu chuyện mua bán xuất phát từ cơ cấu cổ đông của ICP. Tôi xin kể một chút về lịch sử của ICP. Năm 2001, vợ chồng tôi dành dụm được 1 tỉ đồng và quyết định thành lập ICP. Một người bạn của tôi cũng góp vào 1 tỉ đồng. Tỉ lệ sở hữu khi đó là 50% cho mỗi bên. Người bạn đó cũng cho Công ty mượn thêm 2 tỉ đồng để có đủ vốn hoạt động và Công ty cam kết sau này làm ăn có lãi sẽ trả lại.

Năm 2006, Mekong Capital đã đầu tư vào ICP với tỉ lệ sở hữu 26% và số cổ phần nắm giữ của tôi và người bạn cũng giảm xuống. Hai năm sau đó, BankInvest, một trong những tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất khu vực Bắc Âu, tham gia góp vốn, chia tỉ lệ sở hữu thành 21% (Mekong Capital), 21% (BankInvest), 26% (người bạn); còn lại là cổ phần của tôi cùng gia đình và nhân viên Công ty. Riêng cá nhân tôi đứng tên sở hữu 15% cổ phần.

Nhà đầu tư nào cũng muốn thoái vốn sau một thời gian đầu tư. Vì Marico là một doanh nghiệp hóa mỹ phẩm lớn tại Ấn Độ và có nhiều nét tương đồng về văn hóa công ty với ICP, nên Mekong Capital và BankInvest đã đồng ý bán 42% cổ phần của họ. Các cổ đông khác cũng vui mừng khi ICP tìm được một đối tác phù hợp như Marico, nên cũng đồng ý bán cổ phần để Marico có thể đồng hành lâu dài cùng ICP. Do vậy, hiện nay, ICP chỉ còn 2 cổ đông chính là Marico và tôi. Điều này cho phép chúng tôi hướng đến những mục tiêu dài hạn để phát triển lâu dài và bền vững.

Ông có thể cho biết giá trị thương vụ Marico? Và theo ông, Marico đã mua được giá tốt?

Marico đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Bombay, nên có thể dễ dàng tìm hiểu thêm thông tin về công ty này. Tôi vẫn giữ 15% cổ phần và tin rằng sẽ cùng với nhà đầu tư mới nâng cao được giá trị của Công ty. Còn đối với Mekong Capital và BankInvest, có lẽ họ đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng từ thương vụ này (Theo nhật báo Times of India (Ấn Độ), thương vụ mua lại này khoảng hơn 60 triệu USD).

Ông nghĩ Marico được lợi gì khi mua ICP?

Marico và ICP có nhiều điểm tương đồng. Marico là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm của Ấn Độ với nhãn hiệu dầu gội Parachute lớn nhất tại quốc gia này. Ngoài ra, họ còn có sản phẩm chăm sóc da Kaya và nhãn hiệu thực phẩm Saffola. Tương tự, ICP có các sản phẩm dầu gội và chăm sóc da nhãn hiệu X-Men và L’Ovité, cùng với thương hiệu thực phẩm Thuận Phát.

Marico có quy mô lớn gấp ICP nhiều lần. Năm 2010, Marico đạt doanh số 600 triệu USD. Còn chúng tôi đang hướng tới mức doanh thu khoảng 1.000 tỉ đồng trong tương lai gần. Mức tăng trưởng doanh thu bình quân hằng năm của ICP là 30%.

Sau khi Marico mua lại, vai trò mới của ông sẽ như thế nào và ICP sẽ có những thay đổi gì?

Trước mắt, ICP sẽ chẳng thay đổi gì cả về nhân sự lẫn cấu trúc. Có chăng chỉ là nhân viên 2 công ty sẽ được trao đổi kinh nghiệm kinh doanh với nhau. Và một điều dễ nhận thấy là X-Men có thể được phân phối trong cùng hệ thống phân phối của Marico ở nhiều nước sau này.

Còn tôi vẫn sẽ làm Tổng Giám đốc ICP đến năm 2014 (nhiệm kỳ 3 năm), sau đó cổ đông của Công ty sẽ bầu lại.

Còn Thuận Phát có thay đổi gì chăng sau khi ICP mua công ty này và giờ đây cũng thuộc sở hữu của Marico?

Chúng tôi chỉ mới tái cấu trúc Thuận Phát bước đầu, chủ yếu là cải tiến bao bì và chất lượng sản phẩm. Doanh thu trong mảng thực phẩm tăng bình quân 50%/năm. Đó cũng là một lý do đã hấp dẫn Marico. Cho đến lúc này, chúng tôi chưa thể tiết lộ thông tin nhiều hơn về Thuận Phát.

Sau năm 2014, khi không còn giữ chức vụ Tổng Giám đốc, ông dự định sẽ làm gì?

Thú thật là hiện nay tôi chưa nghĩ nhiều về điều này vì vẫn đang tập trung vào công việc hiện tại. Nhưng trong tương lai xa, có 3 hướng đi mà tôi cân nhắc. Thứ nhất là thành lập một công ty mới rồi phát triển nó lên, tương tự như cách tôi đã làm với ICP. Thứ 2, có thể tôi sẽ hợp tác với những công ty Việt Nam tiềm năng ở góc độ tư vấn chiến lược hoặc điều hành trực tiếp, giúp những công ty đó tăng trưởng tốt hơn. Thứ 3, tập trung vào giáo dục, thành lập công ty về tư vấn và đào tạo để mở rộng kiến thức kinh doanh cho doanh nhân trẻ.

Nhiều thương hiệu Việt Nam đã giữ công ty từ đời cha truyền sang đời con. Ông không nghĩ đến điều này cho ICP?

Mỗi người có một lựa chọn. Tôi nghĩ mình là người khởi xướng chạy đoạn đường đầu tiên và nên tiếp tục trao ngọn đuốc lại cho ai chạy nhanh hơn mình. Và người đó chưa chắc là con của mình. Một yếu tố quan trọng khác là ngành hóa mỹ phẩm mang tính đào thải cao, có tính toàn cầu, nếu không chạy nhanh thì sẽ bị tụt lại phía sau. Nó không giống với những ngành mang tính truyền thống cha truyền con nối. Mặt khác, chỉ khi nào rời khỏi ICP, tôi mới có thể chia sẻ bí mật kinh doanh với các doanh nhân trẻ. Khi nhiều người được chia sẻ kinh nghiệm thì đất nước sẽ tốt hơn.

Số phận “Đàn ông đích thực”

ICP được biết đến với nhãn hiệu X-Men, dòng sản phẩm dầu gội cho nam và sau này là các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác, vốn có mặt trên thị trường khá sớm. Nhưng bây giờ, Unilever và Procter & Gamble (P&G) cũng đang làm mưa làm gió trên phân khúc này. Ông có nghĩ vài năm nữa, “đàn ông đích thực” X-Men sẽ bị đuối?

Nhiều người đã hỏi tôi câu này rồi. Trước hết, nói về sản phẩm chăm sóc thân thể, điển hình là sữa tắm, tỉ lệ nam giới đang sử dụng xà phòng cục để tắm lên đến khoảng 90%. Với mức sống ngày càng tăng cao, việc chuyển từ xà phòng cục sang sữa tắm là điều dễ thấy. Khi đó, cứ một người sử dụng xà phòng cục mà chuyển sang dùng sữa tắm thì doanh số của chúng tôi sẽ tăng tương đương khoảng 5 lần.

Đối với sản phẩm dầu gội, tỉ lệ nam giới sử dụng dầu gội dành riêng cho mình chỉ khoảng 1/4 dân số. Đó là lý do chúng tôi nghĩ rằng thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho ICP, vốn đã hình thành đầy đủ các sản phẩm hóa mỹ phẩm dành cho nam giới gồm dầu gội, sữa tắm, khử mùi, chăm sóc da. Trong từng nhóm sản phẩm, có nhiều loại sản phẩm được tiếp tục cải tiến theo thời gian. Chẳng hạn, trong dầu gội thì có dầu gội trị gàu, dầu gội chống rụng tóc, dầu gội cho giới trẻ, cho doanh nhân. Tôi cho rằng, tương lai của X-Men sẽ tiếp tục là như vậy.

Ông nghĩ X-Men của ICP đứng ở vị trí nào so với các dòng sản phẩm khác của Unilever và P&G?

Có thể nói X-Men là nhãn hiệu lớn nhất trong ngành chăm sóc cá nhân hiện nay tại Việt Nam, nếu tính trên tổng doanh số của tất cả các nhóm hàng. Trong một số phân khúc có nhiều đối thủ cạnh tranh như dầu gội dành cho nam giới, X-Men vẫn giữ vị trí vượt trội ở các thành phố lớn với thị phần khoảng 9-10% trên toàn thị trường dầu gội (tính cả dầu gội cho nam lẫn nữ). Tuy nhiên, X-Men vẫn chưa mạnh ở thị trường nông thôn và chúng tôi cũng còn nhiều việc phải làm để đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn.

Ông vừa đề cập đến việc mở rộng các sản phẩm khác nhau trong cùng phân khúc như là một lợi thế. Và điều dễ nhận thấy, ông đã áp dụng mô hình này cho X-Men. Cụ thể, mô hình này đã mang lại lợi thế nào cho X-Men so với các đối thủ?

Chúng tôi hiểu rất rõ sức mạnh của các đối thủ. Vì thế, chúng tôi đã chọn mùi hương như là một lợi thế cạnh tranh của X-Men. Chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với nhiều nghệ sĩ tạo hương trên thế giới để cho ra đời các sản phẩm độc đáo và phù hợp với các đối tượng khác nhau. Chẳng hạn, nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi thích sản phẩm X-Men Sport vì mùi hương gợi nhớ đến nước hoa Eternity (Calvin Klein) được giới trẻ ưa chuộng.

Một điều nữa là người tiêu dùng Việt Nam thích thời gian lưu hương lâu. Vì thế, chúng tôi đặc biệt chú trọng đặc điểm này ở X-Men.

Nhiều công ty hóa mỹ phẩm của Việt Nam tồn tại không được lâu. Là người kinh nghiệm trong lĩnh vực này, theo ông, một mô hình kinh doanh lĩnh vực hóa mỹ phẩm như thế nào mới mang lại hiệu quả cao?

Một số doanh nghiệp biến mất trong ngành này, theo tôi, là vì chưa xây dựng được mô hình kinh doanh bền vững. Tôi chỉ xin nói về kinh nghiệm của bản thân dựa trên mô hình ICP.

Bất kỳ công ty nào cũng có 3 mảng chính: khối thương mại, khối sản xuất – cung ứng và khối hỗ trợ (tài chính, nhân sự).

Khối thương mại bao gồm bán hàng và marketing. Việc xây dựng thương hiệu phải được thực hiện đồng bộ với xây dựng hệ thống phân phối. Chúng tôi rất quan tâm đến việc phát triển hệ thống phân phối bán lẻ, trong khi nhiều công ty đẩy nhanh doanh thu bằng hình thức bán sỉ. Muốn phát triển bền vững thì phải đầu tư vào bán lẻ. Vì thế, ICP đã cho nhân viên tới tận các tiệm tạp hóa, cửa hàng để chào bán sản phẩm.

Bên cạnh đó, phải xây dựng nhà máy đạt chuẩn nhằm giúp cho việc xuất hàng đi các nước trở nên thuận lợi hơn. Trong trường hợp của ICP, nhà máy đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (CGMP – ASEAN).

Đối với lĩnh vực nhân sự, chúng tôi luôn chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho cá nhân học hỏi, phát triển và trưởng thành cùng với sự phát triển của Công ty.

Cần lưu ý là phải làm đồng bộ cả 3 mảng trên thì mới tạo được một mô hình kinh doanh bền vững.

So với cách đây 10 năm, thị trường hóa mỹ phẩm dành cho nam giới đến lúc này ra sao?

Khi X-Men mới nhảy vào, thị trường mỹ phẩm dành cho nam giới rất nhỏ, sau đó thì tăng trưởng rất nhanh. Nhưng đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại. Đó là do tác động của tình hình kinh tế nói chung chứ không phải là thị trường đã bão hòa. Như tôi đã nói ở trên, tỉ lệ nam giới sử dụng sản phẩm chuyên dụng cho nam vẫn còn rất cao.

Vòng đời của sản phẩm và nhãn hiệu thường trải qua 4 giai đoạn: giới thiệu, phát triển, chín muồi và suy tàn. Theo ông, X-Men đang ở giai đoạn nào?

Sản phẩm thì có thể tuân theo 4 giai đoạn đó nhưng nhãn hiệu thì không nhất thiết. Thương hiệu của chúng tôi đang trong giai đoạn phát triển. Trong khi đó, sản phẩm phải được cải tiến không ngừng để 4 giai đoạn này luôn được vận hành liên tục. Đầu tháng 5.2011, ICP bước qua năm thứ 10 và chúng tôi dự định sẽ tung ra một chiến dịch mới cho X-Men.

Khi nghiên cứu mô hình của Mekong Capital, tổ chức đã đầu tư vào ICP, Đại học Harvard đã đánh giá tốt năng lực quản trị và kinh doanh của ICP. Theo ông, đâu là những yếu tố quan trọng mà một nhà lãnh đạo phải có?

Trong chặng đường phát triển của ICP, những yếu tố lãnh đạo thường đan xen nhau, khó mà nói hết. Tuy nhiên, có 5 yếu tố lãnh đạo tôi nghĩ cần phải có: luôn tìm hướng đi riêng; cố gắng thích nghi với những thay đổi; thường xuyên đưa ra đối sách hợp lý; kiên định trong quan điểm lãnh đạo và chiến lược; phân quyền và coi trọng ý kiến của cấp lãnh đạo trung gian.

Theo NCĐT 

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

18 + six =

To Top