Connect with us

Thương hiệu trà Việt, phục hưng bằng cách làm văn hóa

Tin trong nước

Thương hiệu trà Việt, phục hưng bằng cách làm văn hóa

Trong một lần tiếp xúc với nghệ nhân Hoàng Anh Sướng, con trai nghệ nhân Trường Xuân (Hiên trà Trường Xuân, 13 Ngô Tất Tố, Hà Nội), anh chứng minh cho tôi thấy rằng, sự xuất hiện sớm của cây chè đã đưa người Việt Nam lên hàng những dân tộc biết uống trà sớm nhất thế giới.

Nhưng do nhiều lý do nền văn hoá ẩm thuỷ độc đáo này đang dần mai một. Chính vì lẽ đó, gia đình 5 đời làm nghề ướp trà hương nổi tiếng ở Hà Nội như cha con anh chỉ muốn dành trọn cuộc đời cho mục đích: khôi phục, tôn vinh nền văn hoá trà ViệtNam.

Làm văn hóa vì hàng hóa

Tôi hỏi anh: Để phục hưng thương hiệu trà Việt, theo anh, chúng ta cần phải làm gì? Thay vì bày tỏ quan điểm, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng kể cho tôi nghe những mẩu chuyện về cách xây dựng thương hiệu trà của một số địa phương ở Trung Quốc mà anh có dịp ghé thăm và tìm hiểu.

Chẳng hạn, ở Vân Nam, lãnh đạo các cấp, thủ trưởng các cơ quan khi tiếp khách, dù là tiếp ai đi chăng nữa thì thức uống phổ biến cho khách thường là nước trà. Trong lúc trò chuyện, lãnh đạo sở tại sẽ dành vài phút để nói về trà, những vấn đề liên quan đến văn hóa, nghệ thuật thưởng trà, đặc biệt là về loại trà dùng để tiếp chính vị khách đó. Đây là cách tiếp thị hàng hóa thông qua lãnh đạo cấp cao!?

Hàng năm, mỗi doanh nghiệp chè đều đầu tư rất nhiều tiền của để mời các hãng truyền thông uy tín cùng những diễn viên thành danh của Trung Quốc như Thành Long, Lưu Đức Hoa, Chương Tử Di, Củng Lợi, Phạm Băng Băng… đến thăm quan doanh nghiệp và thưởng trà với các nghệ nhân ngay tại đồi chè. Ngày hôm sau, vào giờ vàng, trên các phương tiện thông tin đại chúng phát đi những hình ảnh các sao đang thưởng trà cùng với những lời khen ngợi của họ dành cho loại trà mà họ được doanh nghiệp đó mời đến thưởng thức. Đây là cách “đánh đòn tâm lý” người tiêu dùng, quảng bá, xây dựng thương hiệu thông qua hình ảnh những người nổi tiếng, đã thành danh được biết đến trên toàn thế giới!

Chưa hết, ở Vân Nam, ngày nào cũng có thể được xem là ngày văn hóa trà. Các doanh nghiệp thường xuyên phối hợp với nhau tổ chức những cuộc thi sắc đẹp mà giải thưởng ban đầu được trao chỉ là những hộp trà kỷ lục. Thoạt tiên, nhiều người cho rằng đi thi sắc đẹp chỉ để sở hữu một hộp trà to như “sọt lúa” thì phỏng có ích gì? Nhưng họ lại không biết rằng, các doanh nghiệp sản xuất trà tổ chức cuộc thi chỉ là cái cớ, còn việc “ghé nhãn mác” vào cuộc thi để khẳng định vị thế mới là mục tiêu họ hướng đến vì giải thưởng có thể quy đổi thành tiền sau khi cuộc thi kết thúc.

Và khi vào bất cứ khách sạn, nhà hàng nào ở Vân Nam cũng có một không gian dành cho việc trình diễn nghệ thuật trà, thưởng trà. Đặc biệt, mỗi nhân viên hầu trà là một nghệ sĩ đẳng cấp trong từng động tác trình diễn nghệ thuật trà, rất xinh đẹp, luôn mỉm cười với khách, không thu phí mà cũng chẳng chèo kéo khách phải mua trà cho doanh nhiệp, cửa hàng của mình. Đây chính là phương châm làm văn hóa để bán trà chứ không bán trà để làm văn hóa.

Phục hưng thương hiệu bằng văn hóa

Ở Việt Nam, có 40 loại trà Việt truyền thống, nổi tiếng nhất là trà sen – đại diện xuất sắc nhất của Văn hóa trà Việt góp mặt trong 4 nền Văn hóa trà của nhân loại là Chanoyu (Chado – trà đạo Nhật Bản), Kungfu tea (trà pháp Trung Hoa), Trà Sen (Việt Nam) và Panyaro (Triều Tiên). Tuy nhiên, với nhiều người Việt Nam, trà vẫn đơn thuần là một thứ giải khát bình dân, rẻ tiền và thưởng trà cách nào, kiểu gì cũng được.

Vậy phải làm gì để phục hưng thương hiệu trà Việt?

Tôi chợt nghĩ đến Quan họ và Ca trù, hai Di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam vừa được UNESCO công nhân là di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (Quan họ) và Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (Ca trù).

Có được hai “thương hiệu” mang tầm quốc tế này, chúng ta đã phải mất rất nhiều thời gian tư liệu hóa, lập hồ sơ thể hiện rõ sự tham gia một cách tự nguyện của người dân hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang – những chủ thể nắm giữ di sản – trong việc nhận dạng, kiểm kê giá trị di sản và xác lập các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản văn hoá quan họ theo đúng yêu cầu của Công ước UNESCO 2003. Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại vì ngày nay hát quan họ đang sống trong đời sống cộng đồng rất phổ biến, có thể nói không cần báo động phải bảo vệ khẩn cấp thì quan họ cũng vẫn “sống khỏe”.

Ngược lại, với ca trù, thống kê trong toàn quốc chỉ có hơn 20 nghệ nhân ca trù nhưng chỉ có khoảng 10 người còn hát và truyền dạy được. Trước nguy cơ các cụ nghệ nhân khuất núi mang theo những hiểu biết về ca trù cổ lẽ dĩ nhiên phải báo động bảo vệ khẩn cấp di sản này. Nhưng muốn bảo tồn ca trù cổ, nói như Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền trong một Hội thảo về di sản là: “Không thể trông chờ vào một cụ Hà Thị Cầu mà cần phải có những cụ Hà Thị Cầu “phẩy”, hai, ba, nhiều cụ Hà Thị Cầu nếu đã xem cụ Hà Thị Cầu là chuẩn mực, là đỉnh cao của ca trù cổ Việt Nam…

Với trà Việt cũng vậy. Nếu có nhiều “báu vật sống” về trà, có nhiều hộ gia đình (như gia đình cụ Trường Xuân), có nhiều cơ sở sản xuất trà (dù chỉ là 1/40 loại trà truyền thống Việt Nam),  nâng được tầm văn hóa trà lên thành một nghệ thuật trình diễn, tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động truyền bá văn hoá trà thì vấn đề phục hưng thương hiệu trà Việt sẽ khởi sắc.

Và không chỉ với trà Việt, tôi cho rằng, với rất nhiều sản phẩm từng “vang bóng một thời” khác của Việt Nam cũng nên bắt đầu phục hưng thương hiệu bằng cách làm văn hóa có văn hóa!

Theo Thể Thao & Văn Hóa 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

17 − eight =

To Top