Connect with us

Thương hiệu mì “Lá bồ đề” bị mất tại Mỹ

Tin trong nước

Thương hiệu mì “Lá bồ đề” bị mất tại Mỹ

Thời gian qua, liên tiếp các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị nước ngoài giành quyền đăng ký bảo hộ. Mới đây, Công ty CP Thực phẩm Bình Tây lại phát hiện thương hiệu mì chay Lá bồ đề, đang bán rất chạy ở Mỹ, đã bị một doanh nghiệp (DN) ở nước sở tại đăng ký bản quyền và tung ra sản phẩm mì gói mang thương hiệu, hình ảnh tương tự.

Được thành lập từ năm 1963, gần 50 năm gắn bó với lĩnh vực sản xuất các thực phẩm chay ăn liền, bún gạo khô, mì gói…, thương hiệu “Lá bồ đề” của Bình Tây không chỉ quen thuộc với người tiêu dùng trong nước, mà còn được thị trường nước ngoài ưa chuộng, nhất là sản phẩm mì chay “Là bồ đề”. Sản phẩm này đã được xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Hồng Kông, Pháp, Đức và một số nước Đông Âu…

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Tây, bức xúc cho biết: “Đúng vào thời điểm báo chí Việt Nam đang lên tiếng về tình trạng một số thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị đánh cắp ở nước ngoài, thì chúng tôi phát hiện thương hiệu mì chay Lá bồ đề cũng đang bị một công ty người Hoa ở Mỹ chiếm mất thương hiệu”.

Theo bà Giàu, do không thể phân biệt được thật giả, khách hàng nước ngoài có thể mất niềm tin đối với sản phẩm Lá bồ đề. Điều đó sẽ làm mất đi lợi thế cạnh tranh của mặt hàng mì chay Lá bồ đề ở thị trường nước ngoài và làm ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng xuất khẩu của Bình Tây.

“Vì vậy, mặc dù biết chi phí khởi kiện ở Mỹ rất tốn kém, nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết khởi kiện vì không thể để thương hiệu Việt bị mất thêm một lần nữa”, bà Giàu khẳng định.

Luật sư Nguyễn Minh Hương, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, giải thích, ở Mỹ, phần lớn các vụ vi phạm xâm hại nhãn hiệu sẽ được giải quyết theo luật dân sự hoặc hình sự nên trình tự tố tụng rất rõ ràng.

Tuy chi phí kiện rất cao nhưng giải quyết nhanh. Cũng theo luật của Mỹ, nếu phía nguyên đơn khởi kiện thì điều quan trọng nhất là phải chứng minh được sự thiệt hại và có bằng chứng rõ ràng về thiệt hại đó.

Các quy chuẩn xác định hành vi vi phạm cũng như xử lý sẽ được xem xét rất chi tiết và căn cứ trên nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đắt giá nhất là thương hiệu có gây sự nhầm lẫn cho khách hàng không?

Ngoài ra, thái độ của bên bị đơn cũng là yếu tố được đưa ra xem xét, chẳng hạn bên bị đơn xâm phạm nhãn hiệu có chủ đích hay tình cờ, mục đích sử dụng là gì? Có phải lợi dụng danh tiếng của nhãn hiệu được bảo hộ để kiếm tiền không?…

Dựa trên những yếu tố này, theo luật sư Minh Hương, DN Việt Nam khi có kế hoạch xuất khẩu sang nước nào thì nên đăng ký bảo hộ thương hiệu sớm để tránh tốn kém chi phí kiện tụng, chưa kể khi áp dụng theo luật của Mỹ, chưa chắc DN Việt Nam đã đủ những chứng cứ để có thể thắng kiện. Thực tế, đã có nhiều thương hiệu Việt Nam phải mất một khoản tiền để chuộc lại thương hiệu của chính mình.

Ông Petter Fowller, Tùy viên sở hữu trí tuệ khu vực Đông Nam Á, cũng cho biết, thông thường, khi bị kiện, phía bị đơn thường đưa ra 3 lập luận chính để bào chữa: Một là nhãn hiệu chưa đăng ký nên tính pháp lý bảo hộ không có. Hai là chủ sở hữu nhãn hiệu khi đăng ký bảo hộ đã khai man, nghĩa là quá trình đăng ký nộp đơn, bên nguyên đơn không trung thực. Ba là nhãn hiệu đăng ký là từ chung nên bên bị đơn có quyền sử dụng và hành vi này không vi phạm, chẳng hạn từ Hoa là từ chung”.

Trở lại trường hợp của “Lá bồ đề”, theo ông Petter Fowller, nếu xét trên ba lập luận này, rất có thể bên bị đơn sẽ dựa vào lập luận thứ nhất và thứ ba để bào chữa cho mình (vì phía nguyên đơn chưa đăng ký bảo hộ ở Mỹ).

Trong nhiều trường hợp nếu bên nguyên đơn không giành lại được quyền sở hữu thương hiệu, thiệt hại lớn nhất là các thương hiệu này sẽ không vào được các thị trường đã được phía bị đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước đó.

Nếu tiếp tục đưa hàng vào các thị trường này thì sản phẩm của phía nguyên đơn sẽ trở thành hàng giả, hàng nhái. Và khi hàng đi qua hải quan, cơ quan này có đủ dữ liệu về các danh mục hàng hóa được nhập khẩu, nếu bị cho là hàng giả, hải quan Mỹ sẽ có quyền mở lô hàng, tiêu hủy mà không cần sự có mặt của chủ thể quyền.

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fifteen − thirteen =

To Top