Tin trong nước
Thương hiệu chè Blao – Hành trình gian nan
Sau nhiều năm xây dựng quy chế quản lý và sử dụng, mới đây, thương hiệu “Chè Blao” đã chính thức được công nhận nhãn hiệu sản phẩm và được gắn logo thương hiệu.Việc hình thành thương hiệu “Chè Blao” chính là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của tỉnh Lâm Đồng nói chung và thành phố Bảo Lộc nói riêng trong quá trình đưa sản phẩm vốn nổi tiếng từ lâu – chè Blao – lên một vị thế mới ngang tầm với nhiều sản phẩm nổi tiếng khác tại thị trường trong và ngoài nước.
Blao là tên gọi xưa kia của Bảo Lộc – thành phố thứ hai của tỉnh Lâm Đồng vừa được công nhận (tháng 4.2010). Từ lâu, chè Blao vốn đã khá nổi tiếng cả trong và ngoài nước với các thương hiệu như Quốc Thái, Đỗ Hữu, Thiên Thành, Thiên Hương, Trâm Anh, Tâm Châu… – những thương hiệu vẫn đang khá nổi tiếng trên thị trường trà hiện tại. Tuy nhiên, theo nhận xét của cơ quan hữu trách, phần lớn sản phẩm trà của các thương hiệu này đều được chế biến theo một quy trình riêng, thiếu sự đồng nhất… nên việc đánh giá phẩm chất và độ an toàn cũng khác nhau.
Lãnh đạo TP Bảo Lộc cho rằng, muốn cho thương hiệu “Chè Blao” là của chung và có một vị thế mới, thì sản phẩm trà của tất cả các cơ sở chế biến đứng chân trên địa bàn cần phải được sản xuất dựa trên những tiêu chuẩn về chất lượng đồng nhất, đảm bảo độ an toàn cao và phải được thị trường công nhận. Chính vì điều đó nên chính quyền và các cơ quan hữu trách cùng toàn thể nhân dân Bảo Lộc (từ khi còn là thị xã) đã quyết tâm xây dựng thương hiệu cho cây chè và sản phẩm trà của xứ sở Blao, và đó sẽ là một thương hiệu mạnh của cộng đồng những người trồng, chế biến và kinh doanh sản phẩm này của địa phương.
Ông Trần Việt – Phó phòng Kinh tế Bảo Lộc – cho biết: “Sau một thời gian quyết tâm xây dựng bằng sự nỗ lực của cả chính quyền và nhân dân địa phương, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia vào lĩnh vực trà, sản phẩm trà Blao đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu sản phẩm và gắn logo thương hiệu khi tiêu thụ trên thị trường.
Với chứng nhận này, một mặt, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có được điều kiện thuận lợi hơn trong quản lý; mặt khác là giúp khẳng định hơn nữa về uy tín và chất lượng sản phẩm và đồng thời là tạo cơ hội cho sản phẩm trà Blao mở rộng thị trường để đến được gần hơn nữa với người tiêu dùng trong và ngoài nước”.
Thực tế trong những năm gần đây, trên địa bàn thị xã Bảo Lộc (cũ), ngoài việc xây dựng và chuẩn hóa vùng nguyên liệu chè sạch theo hướng GAP, các doanh nghiệp và cơ sở chế biến trà cũng đã không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện sản xuất an toàn từ khâu nhập nguyên liệu đến quy trình đóng gói và tiêu thụ sản phẩm.
Điều đáng ghi nhận là gần đây có không ít doanh nghiệp sản xuất trà ở Bảo Lộc đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, lắp đặt dây chuyền sản xuất đúng tiêu chuẩn và đã nghiêm túc thực hiện theo đúng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong đó, Doanh nghệp chè Phương Nam (phường Lộc Phát) là một trong số những doanh nghiệp được đánh giá cao trong quá trình hợp tác sản xuất chè an toàn tại địa phương.
Ông Phạm Minh Khang – GĐ Doanh nghiệp chè Phương Nam – cho biết: “Chè Blao có được chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm là một tín hiệu rất đáng mừng. Điều đó tạo điều kiện cho vùng chè trên cao nguyên Blao phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, để giữ được chứng nhận nhãn hiệu này thì không phải là việc dễ dàng, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Bởi, sản phẩm nếu muốn được gắn logo chứng nhận nhãn hiệu thì buộc các cơ sở sản xuất phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn của sản phẩm an toàn”.
Có thể nói, việc được công nhận nhãn hiệu và được gắn logo sản phẩm vừa là cơ hội nhưng đồng thời đó cũng vừa là thách thức đối với tất cả các nhà vườn và các nhà sản xuất và kinh doanh trà Blao đứng chân trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. Cơ hội là, vì từ nay, hàng ngàn nông dân trồng chè và hàng trăm doanh nghiệp chế biến trà trên địa bàn Bảo Lộc đã có thương hiệu chè đặc trưng của địa phương mình nên trong giao dịch sẽ được thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, thách thức đi kèm theo đó là, để giữ vững thương hiệu thì ngay những người trồng đến người chế biến nguyên liệu để có sản phẩm trà mang nhãn hiệu “Chè Blao” cũng phải tự đổi mới mình, phải không ngừng tự đầu tư trang thiết bị để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm nhằm đưa thương hiệu chè Blao đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại thuộc các thương hiệu mạnh trong nước và tiến xa hơn nữa trên con đường vươn ra thị trường thế giới.
Theo vietnambranding