Connect with us

Thời trang Việt lao đao

Tình huống thương hiệu

Thời trang Việt lao đao

Vừa gặp khó vì sức mua giảm, các công ty thời trang Việt còn phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ.

Một buổi trưa tại nhà hàng Shabu Kichoo, khách đến khá đông, nhất là các nhân viên văn phòng. Có vẻ như hệ thống nhà hàng Nhật này đang ăn nên làm ra khi đã mở được đến 3 cửa hàng tại Sài Gòn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng bà chủ nhà hàng này cũng chính là người sáng lập thương hiệu thời trang Foci khá đình đám cách đây tròn 15 năm.

Foci ra đời vào năm 1999, được định vị ở phân khúc trung cấp và từng rất thành công. Năm 2007, Foci đã mở đến 60 cửa hàng. Thế nhưng, trong khoảng 2 năm trở lại đây hệ thống của Foci bị thu hẹp dần. Có lúc, doanh thu Công ty đã giảm đến 50%. Giai đoạn cuối 2012 đầu 2013, cửa hàng Foci trên đường Hai Bà Trưng, Quận 3, TP.HCM đã phải trả lại mặt bằng và chuyển sang thuê khu đất trống gần đó để bán hàng giảm giá. Bà Ngô Thị Báu, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Nguyên Tâm (chủ thương hiệu Foci) còn quyết định chuyển hướng, tập trung đầu tư kinh doanh nhà hàng và mở trường quốc tế. Hiện bà đã có 3 nhà hàng tại Kumho, Vincom và một nhà hàng mới khai trương tại Quận 7, TP.HCM.

Ở mảng thời trang, Hiện Foci không còn đầu tư vào hệ thống bán lẻ nữa mà chuyển sang may gia công đồng phục và đầu tư xây dựng website, tìm cách bán hàng qua mạng. Bà Báu cho biết kinh doanh thời trang cần mặt bằng lớn, trong khi giá thuê mặt bằng lại tăng liên tục nên doanh nghiệp ngày càng khó khăn.

Vừa gặp khó vì sức mua giảm, công ty này còn phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ và nạn hàng giả, hàng nhái. Bà Báu từng phải đi nhờ cơ quan chức năng can thiệp nhưng tình trạng này vẫn không thay đổi. Theo bà, lượng hàng nhập lậu hoặc theo đường tiểu ngạch đang tràn ngập thị trường với giá rất thấp nên sản phẩm trong nước khó cạnh tranh lại được.

“Nếu sản phẩm từ Trung Quốc được nhập khẩu chính ngạch thì chưa chắc đã cạnh tranh lại sản phẩm trong nước”, người sáng lập Foci khẳng định.

Không chỉ Foci mà hầu hết các công ty kinh doanh thời trang trong nước cũng đều đang phải giảm sản lượng. Ngay cả những thương hiệu nổi tiếng như Việt Tiến cũng không là ngoại lệ. Đại diện Việt Tiến cho biết dù đã đầu tư làm lại hệ thống nhận diện thương hiệu, nhờ cơ quan chức năng can thiệp và chấp nhận bồi thường cho khách hàng mua phải hàng giả, nhưng công ty này vẫn không thể đấu lại hàng giả, hàng nhái.

“Dù đã chấp nhận chi ra rất nhiều tiền để chống hàng giả nhưng cuối cùng đâu lại hoàn đó. Một năm có khi Việt Tiến bắt được đến 150 cửa hàng bán sản phẩm giả. Hiện doanh thu từ hệ thống bán lẻ đã giảm mạnh, chúng tôi phải co hẹp mặt bằng bán lẻ nội địa”, vị đại diện này chia sẻ.

Bên cạnh khó khăn do hàng giả hàng nhái, sức mua trong ngành may mặc cũng giảm do kinh tế đi xuống. Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may thời trang Việt Nam (Vinatex), tính chung cả năm 2013, thị trường nội địa tăng trưởng 15%. Tuy nhiên, so với tỉ lệ tăng trưởng 30% của năm 2012 thì vẫn là quá thấp.

Kinh doanh khó khăn cũng khiến cho nhiều thương hiệu phải co cụm hoặc xin nợ chi phí gia công. Thương hiệu The Blue (thương hiệu thời trang Việt Nam, phân khúc trung bình dành cho giới trẻ) là một ví dụ. Năm 2011, The Blue đã liên kết với Công ty Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn), theo đó Garmex chịu trách nhiệm may gia công sản phẩm còn The Blue đầu tư mặt bằng bán lẻ. Tuy nhiên, theo báo cáo đầu năm 2013 của Garmex, The Blue đã nợ một khoản khá lớn tiền gia công của Garmex chỉ sau hơn 1 năm liên kết.

“Tiền mặt bằng quá cao trong khi sức tiêu thụ giảm nên các thương hiệu bán lẻ đã gặp phải khó khăn”, đại diện Garmex Sài Gòn cho hay. Không chỉ có The Blue mà một số hệ thống bán lẻ khác cũng đang nợ tiền các doanh nghiệp gia công.

Tình hình kinh doanh của các hệ thống bán lẻ thời trang nội địa có vẻ không mấy khả quan vào những ngày đầu năm mới này. Đã qua tết được gần 1 tháng nhưng tại nhiều con đường bán áo quần thời trang, các cửa hàng vẫn tiếp tục treo bảng khuyến mãi tới 30-50% nhưng vẫn vắng khách. Các cửa hàng thời trang nội địa tại những con đường đông xe qua lại như Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trãi của TP.HCM hiện cũng đã bị đóng cửa khá nhiều.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty may Sài Gòn 3, cho biết đơn vị do ông quản lý đã không còn đầu tư vào thị trường nội địa nhiều năm qua. Theo ông, trung bình 1m vải jeans nhập khẩu về để sản xuất, Công ty tính cho khách hàng xuất khẩu khoảng 6 USD, còn tính cho khách hàng nội địa chỉ được có 1,5 USD. Đại diện một thương hiệu ngành may vừa làm xuất khẩu vừa làm hàng nội địa (không muốn nêu tên) cũng cho biết bán hàng nội địa sẽ lỗ so với làm hàng xuất khẩu. Những năm gần đây, thương hiệu này đã phải dùng doanh thu xuất khẩu để bù lỗ cho kinh doanh nội địa. 

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × five =

To Top