Connect with us

Thị trường thẻ tại Việt Nam: Màu mỡ đi liền rủi ro

Tin trong nước

Thị trường thẻ tại Việt Nam: Màu mỡ đi liền rủi ro

Có tốc độ phát triển nhanh, nhưng với dân số 90 triệu dân, thị trường thẻ tại Việt Nam được nhận định còn rất nhiều tiềm năng.

Theo thống kê của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, dự kiến đến 31/12/2011 sẽ có khoảng 40 triệu thẻ được phát hành, doanh số sử dụng thẻ các loại tính đến cuối năm nay có thể đạt 3,2 tỷ USD, còn doanh số thanh toán thẻ nội địa tại ATM là 2,4 tỷ USD.

Nhanh, nhưng vẫn hạn chế

Tính đến ngày 30/6/2011, cả nước đã có gần 36 triệu thẻ được phát hành, cao gấp 7 lần so với năm 2006, trong đó, gần 90% là thẻ ghi nợ nội địa (32,4 triệu thẻ), còn lại là thẻ quốc tế (hơn 1,2 triệu thẻ ghi nợ và gần 800.000 thẻ tín dụng quốc tế), thẻ trả trước; có gần 70.000 máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS).

Toàn thị trường đã có gần 13.000 máy ATM, tăng hơn 4 lần năm 2006. Hiện, ngoài việc cung cấp các dịch vụ cơ bản như rút tiền mặt, chuyển khoản, các ngân hàng còn chủ động nghiên cứu và triển khai nhiều tính năng gia tăng trên hệ thống ATM như thanh toán hoá đơn dịch vụ (điện, nước, viễn thông, bảo hiểm, thu nộp ngân sách Nhà nước).

Tuy nhiên, theo Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, nếu so với tiềm năng và yêu cầu phát triển thì thị trường thẻ Việt Nam vẫn còn dừng lại ở mức phát triển hạn chế, nhất là về mặt chất lượng dịch vụ, tiện ích của sản phẩm và chưa đem lại nhiều hiệu quả về mặt kinh doanh cho các tổ chức tham gia cung ứng dịch vụ.

Bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho rằng, thời gian qua, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng trong quá trình kinh doanh thẻ, thiếu kết nối giữa hệ thống các máy POS, rủi ro trong giao dịch thanh toán trực tuyến qua Internet cũng đang cản trở quá trình đẩy mạnh hoạt động thanh toán thẻ.

Theo nguyên một lãnh đạo ngân hàng thương mại, với dân số hiện nay khoảng 90 triệu người trong khi mới chỉ có khoảng 40 triệu thẻ thì số lượng thẻ thanh toán đã được phát hành này không phải là nhiều và thị trường thẻ tại Việt Nam còn nhiều màu mỡ, là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư.

Một điểm đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, mạng lưới thanh toán thẻ tại Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận thanh toán các thẻ mang thương hiệu Visa, MasterCard, American Express, JCB, Diners Club, CUP và DiscoverCard, là các thương hiệu thẻ hàng đầu và phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

Lo rủi ro

Cũng thống kê của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho thấy, gian lận thanh toán thẻ quốc tế tại thị trường Việt Nam tăng nhanh trong năm 2011. Tổng giá trị giao dịch gian lận ước tính khoảng 1 triệu USD trong quý 1 và 1,5 triệu USD trong quý 2, gấp 3-5 lần so với cùng kỳ năm trước và so với các quý cuối năm 2010. Tỷ lệ gian lận/doanh số thanh toán cũng tăng gấp 2-3 lần.

Ngoài ra, đối với thẻ ATM, tính từ đầu năm tới nay đã có 5 vụ gắn các thiết bị đánh cắp thông tin thẻ để rút tiền. Số lượng thẻ ATM nghi ngờ bị đánh cắp dữ liệu là 470 thẻ và tổn thất vào khoảng 300 triệu đồng.

Ông Lê Minh Loan, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trong năm vừa qua, tỷ lệ tội phạm gian lận qua thẻ có xu hướng tăng cao hơn những năm trước đó. Trong đó, nổi lên là tình trạng sử dụng thông tin trái phép thẻ của người khác để đặt mua đồ trên mạng, với những mặt hàng, dịch vụ phổ biến như mua đồ điện tử, vé máy bay… và giá trị số hàng hóa bị mua trái phép lên tới hàng tỷ đồng.

Ngoài ra, theo ông Loan, một xu hướng mới đối với việc gian lận thẻ là các đối tượng là người nước ngoài khi vào Việt Nam đã sử dụng thẻ tín dụng giả (được làm từ nước ngoài) để mua hàng hóa thanh toán qua thẻ. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã bắt hơn chục vụ trong năm 2011. Gần đây nhất là trường hợp mang quốc tịch Malaysia đã bị công an thành phố Hà Nội xử phạt 36 tháng tù giam.

Bà Hà cho biết, với doanh số thanh toán hơn 3 tỷ USD qua thẻ, thì con số gian lận 3 triệu USD là không nhiều. Tuy nhiên, theo bà Hà, để giữ niềm tin cho người sử dụng thẻ và bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước cần đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, an ninh để hỗ trợ việc phòng chống các rủi ro, gian lận trong hoạt động kinh doanh thẻ.

Theo kiến nghị của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, Chính phủ cần sớm ban hành và áp dụng các chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể như miễn, giảm, hoàn thuế đối với phần doanh thu phát sinh từ hoạt động thanh toán thẻ, đối với phần thu nhập cá nhân phát sinh từ hoạt động chập thanh toán thẻ; miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị chấp nhận thẻ… từ đó sẽ tạo điều kiện, thúc đẩy thị trường thẻ tại Việt Nam phát triển.

Theo vneconomy

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 × four =

To Top