Connect with us

Thị trường phim chiếu rạp: thời của ai?

Tin trong nước

Thị trường phim chiếu rạp: thời của ai?

Trong năm 2011, những dòng tiền đầu tư của tư nhân trong nước và tư bản nước ngoài từ cách nay mười năm đã thực sự bùng nổ thành lợi nhuận. 

Chín trên tổng số mười phim đứng đầu bảng doanh thu cao nhất trong lịch sử chiếu bóng VN được phát hành trong năm nay (trừ Avatar phát hành năm 2009) –ông Brian Hall, chủ tịch và giám đốc điều hành của hệ thống rạp Megastar tiết lộ với trang tin Film Business Asia. Theo ông, quy mô phòng vé tại Việt Nam đã tăng trưởng gấp năm lần trong bốn năm qua, từ con số 5,8 triệu USD vào năm 2008 lên xấp xỉ 35 triệu USD trong năm nay. Dự báo, đến năm 2016, thị trường sẽ một lần nữa tăng trưởng gấp ba, đạt tổng doanh thu 110 triệu USD. Số lượng màn ảnh được dự đoán sẽ tăng lên 350 từ con số 100 màn ảnh hiện tại, chúng thường xuyên chiếu phim vòng đầu cùng với thế giới. Ông Brian Hall nói, điều này có nghĩa những kỷ lục phòng vé sẽ còn thường xuyên bị phá vỡ.

Sự phát triển được xem là kết quả của quá trình xã hội hoá, đưa lại cho thị trường chiếu bóng những khoản đầu tư hàng triệu USD để cải thiện các rạp sẵn có hoặc xây mới các cụm rạp (cineplex) gắn liền với các trung tâm thương mại. Chúng có mặt ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Biên Hoà, Đà Nẵng và Hải Phòng với địa điểm thuận tiện cho người xem, chỗ đậu xe dễ dàng, màn ảnh rộng, kỹ thuật âm thanh tiến bộ, phục vụ ăn uống và các dịch vụ liên quan khác. Những hệ thống này đang vươn mình trở thành những thế lực, mà đáng kể nhất là hệ thống Megastar (từ năm 2006) với bảy cụm rạp, Galaxy (năm 2006) ba cụm rạp, Lotte (năm 2008) hai cụm rạp, BHD (năm 2010) một cụm rạp…

 

Sự ra đời của “cá lớn”

Trong năm năm qua, những hệ thống nói trên đã có nhiều chuyển động mạnh mẽ bằng những nỗ lực thâu tóm thị trường theo cả chiều ngang – tức mở rộng mạng lưới chiếu bóng ở những khu vực địa lý còn bỏ trống, lẫn theo chiều dọc – tức sản xuất phim song song với mở rộng mạng lưới nhập phim và phát hành phim đến các rạp. Megastar hiện được xem là hệ thống hùng mạnh nhất. Năm 2011, hãng này phát hành 46 phim trên tổng số hơn 100 phim ra rạp trong năm qua. Hầu hết hợp đồng phát hành phim “bom tấn” ăn khách của các studio lớn ở Mỹ như Paramount, Universal, Buena Vista, Fox… đều rơi vào tay Megastar. Kế đến là Galaxy và BHD, mỗi hãng phát hành trên dưới 30 phim, chủ yếu có được nhờ các mối quan hệ sẵn có với một số nhà phát hành của điện ảnh Hoa ngữ, Hàn ngữ và Hollywood.

Điều đáng ngạc nhiên là những hệ thống này đang hướng tới một mô hình tự sản – tự tiêu đầy lạ lùng (mà luật pháp ở nhiều nước đã ngăn cấm và đòi hỏi sự tách biệt), đó là nhà phát hành đồng thời là nhà sản xuất phim và có rạp chiếu bóng! Điển hình là BHD với loạt phim thương mại ăn khách như Cô dâu đại chiến, Hotboy nổi loạn… và Galaxy với Long ruồi, Để Mai tính, Bóng ma học đường… Megastar dù có giấy phép sản xuất phim nhưng đến nay mới chỉ dừng ở phát hành và chiếu bóng. Riêng BHD hiện không chỉ dừng lại ở “ba trong một”: sản xuất – phát hành và chiếu bóng, mà đã mở rộng đầu tư qua một kênh truyền hình để có thể phát hành phim sang mạng lưới truyền hình. Do vậy, mối quan hệ giữa các hệ thống này mang tính chất vừa cộng sinh, vừa đối đầu hết sức phức tạp.

 

Sức ép của “cá bé”

Tuy nhiên, kích cỡ thực sự của những hệ thống này rõ ràng không quan trọng bằng kết quả của việc phân chia thị trường. Nếu nửa cuối thập niên 1990 chứng kiến cảnh các nhà phát hành như Visionet (liên doanh Cinema One và Fafilm Việt Nam), A-Net (Hàn Quốc)… nhập phim và tranh nhau rạp chiếu, thì nay, quyền lực đã thực sự chuyển từ tay các ông chủ rạp chiếu về các hệ thống “cai quản” luôn cả việc chiếu bóng và phát hành. Xu hướng này đã đẩy các rạp nhà nước với cơ sở hạ tầng cũ kỹ và các rạp cải tiến theo kiểu “nửa vời” như Cinebox, Thăng Long, Đống Đa, Fafilm (TP.HCM), trung tâm Chiếu phim quốc gia, Dân Chủ, Tháng Tám (Hà Nội)… trở thành các rạp độc lập, nằm ngoài những hệ thống chính và phải chịu nhiều sức ép để có được nguồn phim chiếu.

Đây chính là tiền đề dẫn đến vụ kiện cạnh tranh làm bùng nổ những bức xúc lâu nay của sáu đơn vị chiếu bóng nội địa trước những điều kiện “quá quắt” của nhà phát hành Megastar. Kéo dài đã hai năm, vụ kiện đến nay chưa thấy có dấu hiệu kết thúc. Hội đồng cạnh tranh quốc gia vẫn để ngỏ phán quyết của mình một cách khó hiểu. Đại để, các rạp chiếu cáo buộc Megastar đã sử dụng nhiều biện pháp “tối ưu hoá lợi nhuận” cho nhà phát hành nhưng gây thiệt hại cho rạp chiếu và người xem, như: áp giá vé tối thiểu 25.000 đồng; yêu cầu ngày chiếu, suất chiếu thuận lợi nhất… Một doanh nghiệp chiếu bóng nhà nước ở Hà Nội còn bày tỏ lo ngại Megastar, sau khi được “ông trùm” ngành giải trí Hàn Quốc CJ mua lại từ các nhà đầu tư Mỹ vào tháng 7 năm nay, sẽ ép các doanh nghiệp phải đặt thêm phim Hàn nếu muốn nhận được “bom tấn” thương mại về chiếu.

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three × 1 =

To Top