Connect with us

Thị trường năm học mới: Cõng giá tới trường

Tin trong nước

Thị trường năm học mới: Cõng giá tới trường

Không tập trung và tăng vọt vào giờ chót như những năm trước, giá cả thị trường cho năm học mới 2011-2012 tăng đều từ đầu tháng 6 đến nay. Điều đáng nói là chương trình bình ổn giá đã phần nào làm giảm sức nóng của thị trường năm nay.

Mọi thứ đều tăng

Cũng như các mặt hàng thiết yếu khác, năm nay, hầu hết các loại tập vở, sách giáo khoa, cặp xách, bút viết, đồng phục học sinh… đều tăng giá. Trong đó, giá tập vở tăng 20%; đồng phục học sinh tăng 15 – 25%; ba lô, túi xách tăng 20 – 25% so với năm ngoái.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa chuyên cung cấp đồng phục học sinh ở chợ Tân Bình, giá bán mặt hàng này năm nay tăng khoảng 10.000 – 20.000 đ/cái so với năm 2010. Chẳng hạn, váy nữ giá từ 70.000 – 88.000 đ/cái, áo nữ 65.000 – 70.000 đ/cái, quần soọc 50.000 – 60.000 đ/cái, quần tây 65.000 – 100.000 đ/cái (tăng 15.000 – 20.000 đ/cái)…

Giá tập học sinh thì tăng 15 – 20%, tương đương khoảng 1.000 – 2.000đ/cuốn. Tùy chất liệu giấy, giá tập 96 trang của các nhãn hiệu Phương Nam, Vĩnh Tiến, ABC… dao động ở mức 5.500 – 10.000 đ/cuốn, tập 200 trang 14.000 – 17.500 đ/cuốn.

Giá các loại cặp, ba lô học sinh cũng tăng 25 – 35%. Trong đó, loại cặp thông thường giá 85.000 – 100.000 đ/cái, cặp làm bằng chất liệu tốt, có quai đeo trợ lực giá khoảng 215.000 – 245.000 đ/cái, cặp có cần kéo trên 300.000 đ/cái.

Không chỉ có tập vở, đồng phục, cặp xách, sách giáo khoa cũng tăng mạnh. Ngay từ cuối tháng 4, Nhà xuất bản Giáo dục đã công bố mức giá mới cho sách giáo khoa năm học 2011-2012.

Theo đó, giá sách được điều chỉnh tăng khoảng 16,9% so với năm 2010. Nguyên nhân, theo đại diện Nhà xuất bản Giáo dục, là do giá giấy và công in đều tăng. Nếu so với cùng thời điểm năm 2010, giá giấy tăng 30%, giá vận chuyển tăng gấp đôi, các nhà in cũng đồng loạt tăng giá…

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến (Miti) cũng cho rằng, do nguyên liệu đầu vào, giá nhân công tăng mạnh nên buộc lòng doanh nghiệp phải tăng giá bán. Và giá bán này đã được doanh nghiệp điều chỉnh từ cuối tháng 5 khi thị trường năm học mới chưa bắt đầu.

Sức mua chậm

Nắm trước tình hình giá cả sẽ biến động, để giúp phụ huynh giảm bớt gánh nặng trong năm học mới, năm nay, UBND TP.HCM tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng mùa khai trường, gồm: tập học sinh, cặp – ba lô – túi xách và đồng phục học sinh.

Tổng số vốn thực hiện chương trình bình ổn giá mùa khai giảng năm nay là trên 25 tỷ đồng. Từ đầu tháng 6, các công ty tham gia chương trình này đã bắt đầu thực hiện bán hàng bình ổn giá qua các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ với giá bán thấp hơn giá thị trường từ 10 – 15%.

Ngoài chương trình bình ổn giá của thành phố, các hệ thống siêu thị như Co.opMart, Big C, Vinatex Mart còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá dành cho những mặt hàng này.

Trong suốt tháng 7 đến đầu tháng 8, hệ thống siêu thị Big C đã giảm giá từ 10 – 40% cho hơn 560 mặt hàng đồ dùng học tập, đồng phục, cặp, ba lô, sách vở, xe đạp, máy tính, sữa… kèm nhiều quà tặng thiết thực cho năm học mới.

Các siêu thị thuộc hệ thống Co.opMart, Vinatex Mart… thì bán hàng bình ổn giá mùa khai trường suốt từ tháng 6 đến hết tháng 10. Riêng tại Co.opMart, hàng của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá như Mr. Vui, Hami, Co.op, Sanding, Miti… được tập trung trong một khu vực riêng biệt và bài trí khá bắt mắt.

Bên cạnh việc đưa hàng bình ổn giá vào các siêu thị, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá còn tổ chức khu trưng bày riêng tại hệ thống cửa hàng của mình với sản phẩm được niêm yết giá rõ ràng và đảm bảo thấp hơn 15% so với giá của sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Để chia sẻ khó khăn đồng thời kích cầu mua sắm, nhiều cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm cũng tổ chức giảm giá, ưu đãi khách hàng. Mạnh nhất là khu cửa hàng kinh doanh sách và thiết bị trường học trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1. Hầu hết các cửa hàng tại khu vực này đều để bảng giảm giá 10 – 13%.

Theo những người kinh doanh thì đây là cách họ giúp học sinh nghèo chứ thật sự không có lãi vì trên thực tế, mức chiết khấu các cửa hàng được hưởng chỉ dao động từ 10 – 15%.

Tuy đã có những chương trình giảm giá, song cho đến nay, sức mua các mặt hàng này chưa thật sự “nóng”. Báo cáo với lãnh đạo thành phố tại buổi kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn giá mùa khai trường vào ngày 31/7, bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, Saigon Co.op chỉ mới tiêu thụ được khoảng 40% lượng hàng phục vụ cho mùa khai trường.

Trước tình hình sức mua quá chậm, ngoài việc giảm giá bán trong chương trình Saigon Co.op sẽ tiếp tục giảm giá bán 20% để kích cầu tiêu dùng.  

Theo DNSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 + 19 =

To Top