Connect with us

Thị trường hàng điện tử gia dụng: “Bánh ngon” sẽ thuộc về ai?

Tin trong nước

Thị trường hàng điện tử gia dụng: “Bánh ngon” sẽ thuộc về ai?

Có một nghịch lý: Thị trường bán lẻ VN đã được mở cửa từ năm 2009 nhưng nửa cuối 2011 - khi nền kinh tế VN gặp khó khăn nhất - các nhà bán lẻ ngành điện máy VN mới bứt phá để tăng tốc.

Dấu mốc 2011-2012

Ông Đinh Anh Huân – Tổng GĐ hệ thống siêu thị Dienmay.com – chia sẻ: “Năm 2011 kinh tế VN gặp khó khăn thì kinh tế thế giới cũng không tránh khỏi, chính vì thế đây là thời điểm để chúng tôi dồn lực xây dựng hệ thống bán lẻ ngành hàng mới khi các Cty nước ngoài vẫn chưa kịp triển khai”. Trên thực tế, hệ thống Dienmay.com có Cty mẹ là Thế Giới Di Động với bộ máy nhân sự 8.000 nhân viên đã có nhiều kinh nghiệm, thạo việc bán lẻ và xây dựng hệ thống cửa hàng, vì thế đã triển khai nhanh cả chục siêu thị lớn chỉ trong vòng vài tháng cuối năm 2011. Ông Đinh Anh Huân phân tích, hiện trên thị trường chưa có nhà bán lẻ nào chiếm tới 10% thị phần, vì thế đây là cơ hội để Dienmay.com chiếm lĩnh thị phần lớn.

Còn theo đánh giá của Cty CP thương mại Nguyễn Kim, năm 2011 thị trường có nhiều khó khăn nhưng yếu tố thuận là nền kinh tế VN được dự báo sẽ phục hồi trong năm tới, thị trường cũng đang bước vào thời kỳ bùng nổ các sản phẩm công nghệ và nội dung số, thu nhập bình quân đầu người tăng và thị trường bán lẻ VN đã hoàn toàn mở cửa. 

Cuối năm 2011, Cty TNHH thương mại FPT tuyên bố sẽ bắt đầu phân phối ngành hàng điện tử tiêu dùng từ năm 2012. FPT đã làm việc với một số nhà sản xuất như Panasonic, Toshiba… với mục tiêu trong giai đoạn 2012-2014 thúc đẩy doanh số tăng trưởng với ngành hàng mới sẽ chiếm 10%. 



Cơ hội cuối cùng cho các nhà bán lẻ VN?



Kinh tế Mỹ và Châu Âu khó khăn đang có lẽ lại là cơ hội cho các nhà bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng tại VN có thời gian “dễ thở” đủ để thiết lập xong cơ bản hệ thống bán hàng giành ưu thế cạnh tranh trong vài ba năm tới. Không phải các “đại gia” nước ngoài không nắm rõ “chiếc bánh” thị trường bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng tại VN mà ngược lại họ còn phân tích vấn đề này thấu đáo hơn, song vào nhiều thời điểm lực bất tòng tâm.

Hiện tổng doanh số thị trường hàng điện tử tiêu dùng VN đạt từ 5-6 tỉ USD/năm. Trong tình hình kinh tế VN gặp khó khăn, thị trường này có thể không tăng trưởng hoặc tăng trưởng ít. Thế nhưng với dự kiến doanh thu năm 2011 đạt 8.000 tỉ đồng (khoảng 400 triệu USD) thì Nguyễn Kim vẫn chưa chiếm được 10% thị phần. Thực tế chưa có một thương hiệu bán lẻ nào chiếm thị phần áp đảo đã tạo ra một khoảng trống, nhưng cũng từ đây tỏa ra lực hấp dẫn các nhà bán lẻ VN chạy đua “tiên hạ thủ vi cường”. Thế nhưng, cũng mới chỉ có Dienmay.com và Nguyễn Kim là có bước đi mạnh mẽ, còn những tên tuổi như Pico, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Trần Anh… vẫn chưa đủ lực để khuếch trương thanh thế ra các tỉnh, thành.



Để mở rộng mạng lưới siêu thị điện máy gặp nhiều thách thức hơn là mở các siêu thị hoặc cửa hàng bán ĐTDĐ và laptop. Thứ nhất siêu thị điện máy cần mặt bằng rộng, kéo theo vốn đầu tư lớn, phải có nhiều đối tác vì mỗi siêu thị cần cả chục ngàn mặt hàng để thu hút khách hàng, bên cạnh đó còn cần đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm bán hàng và nhân sự quản lý ở các trình độ. Sau hơn 2 năm với sự tư vấn toàn diện của Cty tư vấn hàng đầu thế giới E&Y, Nguyễn Kim đã chuẩn bị xong mọi nguồn lực để chính thức bước vào cuộc đua mở rộng mạng lưới bán lẻ từ năm 2011. Về phần mình, ông Huân cho biết, Dienmay.com chỉ mở siêu thị rộng 1.000m2 nhưng mỗi cái đã phải đầu tư từ 10-15 tỉ đồng. Với những đòi hỏi như thế, ngay cả các đại gia nước ngoài nói vào cũng không thể vào ngay được. Chính vì thế, theo ông Huân, đây dường như là cơ hội cuối cùng cho các nhà bán lẻ VN trước khi các đại gia nước ngoài đã chuẩn bị xong các điều kiện để chính thức bước chân vào.

Theo Lao Động

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

15 − three =

To Top