Connect with us

Thị trường bán lẻ thiết bị điện tử: “Củi đậu nấu đậu”

Tin trong nước

Thị trường bán lẻ thiết bị điện tử: “Củi đậu nấu đậu”

Việc nhà nhà đẩy mạnh chiến dịch đại hạ giá đã đẩy giá bán các sản phẩm điện từ, điện máy ngày một thấp hơn. Người dùng hưởng lợi nhưng từ phía những doanh nghiệp (DN) phân phối, đây là một chiến dịch mà rất nhiều người phải cắn răng tham gia một cách chẳng đặng đừng...

Ồ ạt khuyến mãi

Chưa bao giờ, các chương trình khuyến mãi lại diễn ra thường trực và táo bạo như hiện nay. Không còn đợi đến cuối năm, bất cứ lúc nào, những “ông lớn” Thế giới di động, Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Viễn Thông A… mỗi thương hiệu đều có chương trình khuyến mãi riêng của mình.

Vừa giảm giá, vừa tặng thêm hàng hóa liên quan, tính tổng giá trị khuyến mãi trong các chương trình, không ít thì nhiều, hàng hóa trong các chương trình khuyến mãi ấy đều hạ giá từ 30 – 50% giá niêm yết. Vô hình chung, các chương trình khuyến mãi đã khiến điện tử trở thành thị trường sôi động nhất hiện nay.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước 5 tháng đầu năm 2011 đạt 762,7 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 40 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

“Trong cơ cấu tiêu dùng hiện nay, tâm lý lạc quan trong tiêu dùng vẫn còn, cộng thêm các chương trình khuyến mãi, người dùng vẫn đổ tiền vào lĩnh vực điện máy rất lớn”, ông Huỳnh Phước Cường, đại diện GFK Việt Nam tiết lộ.

Nghiên cứu của GFK cho thấy, từ 2010 đến nay, một số mặt hàng đang có xu hướng giảm tiêu thụ như điện gia dụng, máy lạnh… giảm rõ về số lượng lẫn giá trị. Nhưng những mặt hàng tăng trưởng tốt như điện thoại, máy tính xách tay… ngày một tăng về số lượng nhưng vẫn giảm đáng kể về giá.

Ông Cường cho biết, một ví dụ rất cụ thể là mùa tựu trường 2010, giá để sở hữu một máy tính xách tay là trên dưới 10 triệu đồng thì nay, chỉ cần dưới 6 triệu đồng, người dùng đã có thể mua về chiếc máy tính, chưa kể các quà tặng đi kèm. “Trong bối cảnh lạm phát, điều ngạc nhiên là sự biến động về giá theo chiều đi xuống đang diễn ra rất lớn ở thị trường Việt Nam”, ông Cường nhận định.

Pha loãng thị trường

Đứng ở phía nhà phân phối, ông Bùi Văn Hòa, Phó tổng giám đốc Công ty Viễn Thông A, cho biết, không kể các chương trình khuyến mãi riêng của các nhãn hàng, thực chất, các chương trình khuyến mãi đang tổ chức hiện nay đều là do DN phân phối tự cắt giảm từ chính lợi nhuận của mình để triển khai nhằm thu hút khách hàng.

Để cạnh tranh, mỗi DN đều phải nhìn các chương trình khuyến mãi của nhau để triển khai cho “có bạn, có bè”. Đây chính là nguyên nhân khiến giá các sản phẩm điện tử, điện máy, điện thoại… giảm với tốc độ chóng mặt như thời gian qua. “Thị trường đang “loãng” vì nhà nhà hạ giá.

Điều này gây khó khăn cho các đơn vị tham gia, nhất là đối với những DN có quy mô nhỏ, vốn yếu”, ông Bùi Văn Hòa bức xúc. Theo ông Hòa, hầu hết các DN đều biết là không thể chạy theo khuyến mại hoặc hạ giá mãi được nhưng không thể không theo bởi người dùng dễ so sánh và tẩy chay nếu DN không khuyến mãi, giảm giá.

Ông Huỳnh Phước Cường cho biết, do ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu, cộng với mức cạnh tranh quá lớn như hiện nay dẫn đến vài năm trở lại đây, thị trường chưa có sự bứt phá của các DN khác. Quanh quẩn vẫn chỉ là những cái tên như Thiên Hòa, Thế giới di động, Nguyễn Kim…

Lúc này, thế mạnh tất nhiên thuộc về DN có hệ thống phân phối rộng hơn. Để cạnh tranh, mỗi DN phải tự tìm đường phát triển cho mình. Mới đây nhất là việc Viễn Thông A đồng ý bán 30% cổ phần cho TD Mobile, nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản.

“Chúng tôi quyết định bán cổ phần vì phía TD Mobile cam kết, ngoài việc kinh doanh nội dung số tại VN, họ sẽ nâng chất và phát triển hệ thống bán lẻ của Viễn Thông A theo nhiều hình thức”, bà Hoàng Ngọc Vy, Giám đốc Công ty Viễn Thông A tiết lộ.

Sau khi Wonderbuy phải tuyên bố phá sản, sức ép cạnh tranh trên thị trường điện máy vẫn không giảm. Nhiều thông tin cho thấy nhiều siêu thị điện máy lớn đang trong tình cảnh hết sức khó khăn do hàng tồn kho lớn mà vốn phục vụ cho kinh doanh thiếu. Mức tồn kho lên tới 300 tỷ đồng khiến có siêu thị đã phải thế chấp hàng tồn kho để vay vốn ngân hàng, nhằm duy trì hoạt động.

Vì vậy, khuyến mãi cuối năm là dịp một số siêu thị xả hàng tồn kho càng nhiều càng tốt, dẫn đến các đợt khuyến mãi tiền tỷ ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Châu, đại diện HTC tại Việt Nam cho biết, quy định mới về công tác nhập khẩu hàng hóa buộc đơn vị nhập khẩu phải chọn đường biển thay vì đường hàng không, dẫn đến thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài, việc khan hiếm hàng hóa có thể sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, do giá hối đoái tăng nhanh, giá bán lẻ của điện thoại cũng như các sản phẩm điện máy chắc chắn sẽ tăng nhanh. Hai yếu tố này chính là rào cản rất lớn đối với những DN phân phối.

Như vậy, chuyện DN chạy theo những đợt cạnh tranh, khuyến mãi về giá, “lấy mỡ mình rán mình” sẽ còn khó khăn hơn hiện nay rất nhiều. Trước thách thức mới, phải chăng, DN phân phối đang cần những chiến lược “lâu dài” hơn với thị trường. Trung thực hơn để đảm bảo thị trường này phát triển lành mạnh.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × 4 =

To Top