Connect with us

Thâu tóm Motorola: Google sẽ không “tham bát bỏ mâm”

Tình huống thương hiệu

Thâu tóm Motorola: Google sẽ không “tham bát bỏ mâm”

Chính phủ Hàn Quốc đang thúc giục Samsung, LG rời bỏ Android vì lo ngại Google "dở chứng" sau khi mua lại Motorola. Nhưng liệu Google có thực sự muốn độc chiếm Android như người ta vẫn tưởng?

Khi nghe nói về thương vụ Google mua lại Motorola, phản ứng đầu tiên của nhiều người, trong đó có cả tôi, là lo ngại. Lo ngại rằng Google sẽ đi vào vết xe đổ của Nokia trong việc phân phối và phát triển 1 HĐH di động. Nói cho cùng, việc Google mua lại 1 hãng sản xuất điện thoại di động và bước chân vào lĩnh vực sản xuất phần cứng đã đặt gã khổng lồ Internet vào vị trí cạnh tranh trực tiếp với những đồng minh thân cận của mình như Samsung, HTC, Sony Ericsson.

Và lịch sử đã chứng minh, tất cả các trường hợp 1 ông lớn vừa đá bóng vừa được thổi còi không bao giờ kết thúc tốt đẹp. Khi 1 hãng nắm giữ vị trí phát triển 1 HĐH sau đó lại kiêm luôn việc sản xuất phần cứng, rất khó để tránh khỏi những sự thiên vị. Dần dà phần mềm do hãng đó sản xuất sẽ hầu như chỉ tương thích tốt nhất với phần cứng của chính họ, tất cả các hãng khác sẽ bị đối xử thiếu công bằng và chịu nhiều thiệt thòi.

Đối với Android, sức mạnh của nó đến từ việc bất kỳ hãng sản xuất nào cũng có thể làm ra 1 chiếc smartphone Android với chất lượng đồng đều và tận dụng tối đa ưu điểm của HĐH này. Bất kể đó là Samsung, HTC hay Sony Ericsson tất cả đều bình đẳng và được hưởng quyền lợi, cơ hội ngang bằng lẫn nhau. Chính nhờ tính mở này mà Android có thể nhanh chóng vượt mặt Symbian, iOS vốn là các HĐH khép kín. Nếu như Android không còn thân thiện với các hãng sản xuất khác mà lại chỉ chịu chung sống với phần cứng của Motorola-Google thì điều đó cũng đồng nghĩa với cái kết của 1 HĐH từng rất có triển vọng.

Những mối đe dọa đang nhen nhóm

Nếu bạn cho rằng việc lo lắng Android sẽ bị ảnh hưởng vì thương vụ Motorola của Google là quá xa vời, xin bạn hãy nghĩ lại. Bởi vì ngày hôm qua, đã có những dấu hiệu đầu tiên về việc liên minh giữa Google và các nhà sản xuất thiết bị trên nền Android trở nên lục đục.

Rất đáng buồn, bên đầu tiên “nói lời cay đắng” lại không phải là Google, cho đến hiện tại, Google vẫn cam kết giữ nguyên sự hỗ trợ công bằng cho tất cả các bên tham gia phát triển Android. Người đầu tiên có những phát biểu “gây hấn”, rất bất ngờ, chính là các nhà chức trách Hàn Quốc. Chính phủ nước này vừa mới ra 1 tuyên bố chính thức, thúc giục những hãng sản xuất Hàn Quốc như LG, Samsung thành lập liên minh nhằm mục đích phát triển 1 HĐH “nội địa” và sử dụng nó trong các dòng sản phẩm tương lai.

Thứ trưởng bộ thương mại Hàn Quốc nói : “Về lâu về dài, chúng ta không thể cứ phát triển mà chỉ dựa dẫm mãi vào Google”. Không cần nói, ai cũng hiểu ý ông này đang muốn ám chỉ vào việc những sự thiên vị mà Google dành cho Motorola sẽ ảnh hưởng xấu tới Samsung, LG như thế nào và các hãng sản xuất Hàn Quốc cần phải “nội địa hóa” sản phẩm của mình để tránh tình trạng “đột tử” khi Android đột ngột “dở chứng”.

Hôm nay đã có những thông tin về việc Samsung muốn mua lại WebOS từ tay HP bất chấp việc hãng này đang sở hữu hẳn 1 HĐH cây nhà lá vườn là bada. Mặc dù Samsung từ chối bình luận chính thức về thông tin kể trên, không cần động não nhiều chúng ta cũng có thể hiểu được rằng nếu đúng là Samsung muốn mua lại WebOS thì đó chính là phản hồi của hãng sản xuất Nam Hàn đối với lời thúc giục của chính phủ. Thông điệp của Samsung khá rành mạch: “Tôi cũng đang muốn tìm 1 “phương án B” để rút chân ra khỏi thị trường Android. Chưa phải chính thức, nhưng là để phòng hờ”.

Sau Samsung liệu sẽ có những hãng nào tiếp tục theo chân đại gia này? Và câu hỏi quan trọng hơn là, sau chính phủ Hàn Quốc, liệu chính phủ Đài Loan, chính phủ Trung Quốc có cảm thấy rằng các hãng sản xuất thiết bị chạy Android của mình bị đe dọa từ thương vụ Google-Motorola và quyết định “ra tay trước khi quá muộn”?

Nếu Google thất bại trong việc thuyết phục HTC, Sony Ericsson, Samsung, LG… (và xa hơn là chính phủ các nước) trung thành với việc phát triển Android, thị trường sẽ lại 1 lần nữa bị chia năm xẻ bảy với sự xuất hiện của hàng loạt HĐH mới. Và giấc mơ “nhất thống thiên hạ” của Android sẽ trở thành một chuyện cổ tích với mở đầu rất đẹp nhưng kết thúc không có hậu.

Samsung từ bỏ Android?

Hiện tại Samsung đang là hãng sản xuất smartphone Android số 1 thế giới. Riêng model Galaxy S II của hãng bán ra 5 triệu chiếc chỉ sau gần 3 tháng lên kệ, quý 2 vừa rồi ước tính có 14 triệu smartphone Android gắn mác Samsung đến tay người tiêu dùng. Có thể nói, chưa bao giờ việc sản xuất điện thoại của Samsung được thuận buồm xuôi gió như bây giờ. Lần đầu tiên hãng sản xuất Nam Hàn vượt qua đối thủ truyền kiếp đến từ Phần Lan: Nokia để nắm giữ vị trí thứ 2 trong làng sản xuất smartphone. Tất cả những thành công ấy đều có chung 1 nguyên nhân: Android.

Sự thành công của các model chạy Android do Samsung sản xuất như Galaxy S , Galaxy S II đã trở thành động lưc chính thúc đẩy sự phát triển của mảng sản xuất điện thoại di động trong hãng sản xuất xứ Kim Chi.

HĐH bada của Samsung cũng đang có sự tăng trưởng đều đặn trong thời gian gần đây, tuy nhiên nếu đem ra so sánh Android với bada thì quả là 1 trời 1 vực. bada không và không bao giờ có được kho ứng dụng, số lượng thiết bị đa dạng như Android. Và nếu ngay cả 1 HĐH Samsung đã gắn bó nhiều năm như bada cũng không thể thành công hơn Android, liệu WebOS nổi tiếng đen đủi sẽ có được bao nhiêu cơ hội thành công trong tay Samsung?

Nói 1 cách ngắn gọn, nếu Samsung rời bỏ Android tức là hãng này tự chặt bỏ hoàn toàn mảng sản xuất smartphone của mình để trở về bên “cái máng lợn cũ”: featurephone và dumbphone.

Diễn giải dài dòng như vậy để bạn đọc hiểu rằng, đối với Samsung, rời bỏ Android là 1 quyết định lớn và khó khăn đến nhường nào. Và ngay cả khi phải đối diện với vô vàn nguy cơ, rủi ro Samsung vẫn bày tỏ quan điểm rằng hãng này muốn xây dựng 1 phương án dự phòng để rời bỏ Android, chúng ta có thể thấy sự lo ngại của Samsung về những gì mà Google có thể sẽ làm đối với Android trong thời gian tới lớn tới mức nào.

Google có “tham bát bỏ mâm”?

Sự lo ngại của Samsung không thể không khiến chúng ta cảm thấy phân vân. Liệu có thực Google đang toan tính khép kín Android trên nền tảng phần cứng của Motorola để 1 mình độc chiếm HĐH này?

Hãy đứng lùi lại 1 bước để nhìn vào bức tranh tổng quan vấn đề: Ngay cả khi Google chưa có bất kỳ 1 động thái gì chứng tỏ rằng hãng này sẽ thiên vị Motorola, Samsung và chính phủ Hàn Quốc đã nhăm nhe “bỏ của chạy lấy người”. Không khó để tưởng tượng mọi chuyện sẽ ra sao nếu gã khổng lồ tìm kiếm quyết tâm “o bế” Motorola. Nếu tình huống đó thực sự xảy ra, chúng ta sẽ được chứng kiến LG, HTC, Samsung, Sony Ericsson lũ lượt kéo nhau rời bỏ Android và tìm đến 1 HĐH “công tâm” hơn như Windows Phone hoặc thậm chí là WebOS, để lại Android cho Motorola tha hồ thao túng.

Nếu tình huống đó xảy ra, Google sẽ đánh mất cả 1 liên minh Android hùng mạnh với các nhà sản xuất lớn sẵn sàng hỗ trợ Android từng ly từng tí. Đổi lại Google được gì? 1 Motorola sản xuất các smartphone Android như Nexus S, Atrix 4G… và chấm hết. Từng có người hi vọng rằng việc Google “vừa đá bóng vừa thổi còi” sẽ giúp các smartphone Android do Motorola có thể đạt được độ đồng nhất như iPhone, và do đó, cũng thành công như iPhone.

Nói trắng ra, suy nghĩ ấy hết sức viển vông. Sự thành công của iPhone đến từ thiết kế phần cứng và cả các yếu tố phần mềm như chợ ứng dụng, iTunes và nhiều nhiều thứ khác nữa chứ không chỉ đơn thuần là sự đồng nhất giữa phần cứng với phần mềm. Google + Motorola không và sẽ không bao giờ cho ra 1 Apple thứ 2, đồng thời Android sẽ không và không bao giờ giống như iPhone.

Android vượt mặt iPhone là do thế mạnh về số lượng thiết bị và số lượng nhà sản xuất. Mất đi các nhà sản xuất tức là Android mất đi lợi thế này, điều này sẽ khiến Android bị thu hẹp thị phần lại trong số các smartphone mà Motorola sản xuất. Android sẽ không chết, nhưng sẽ bị hạn chế trong 1 mảnh nhỏ thị phần. Google chắc chắn không mong muốn điều này

Nếu bạn chưa biết Google kiếm tiền từ Android như thế nào, bạn có thể tham khảo 1 bài viết trước đây của tôi. Nói chung, cứ với mỗi chiếc smartphone Android được bán ra, Google thu về 5-7$ mỗi năm từ quảng cáo. Số tiền này cố nhiên là lớn, nếu bạn nhân với hàng trăm triệu thiết bị Android đang có mặt trên thị trường. Tuy nhiên mục đích chính của Google khi tạo ra Android không chỉ là để kiếm tiền quảng cáo.

Ở 1 góc độ nào đó, Android là 1 công cụ giúp Google tìm hiểu sâu hơn về thói quen tìm kiếm của các khách hàng, từ đó giúp hoàn thiện khả năng quảng cáo của Google và giúp Google lôi kéo thêm khách hàng cho các dịch vụ của mình như Google Search, Google Apps… Khi Google mua lại Motorola và bước chân vào lĩnh vực sản xuất phần cứng hãng này có thêm 1 nguồn thu từ Android: lãi lời từ việc bán các điện thoại do Motorola sản xuất

Cá nhân tôi cho rằng Google sẽ không thiên vị Motorola để khiến các hãng sản xuất Android xa rời HĐH. Với mục đích ra đời để giúp Google thống trị thị trường tìm kiếm và quảng cáo trên thiết bị di động, một trong những yếu tố sống còn của Android là độ phủ.

Càng nhiều người sử dụng Android thì Google càng có thể “phủ sóng” đến càng nhiều cá nhân hơn, giúp các mục tiêu của Google như quảng cáo, tìm kiếm, Google Apps hoạt động càng hiệu quả hơn. Và khi Android có thể chiếm lĩnh trên 50% thị phần smartphone (hoặc nhiều hơn nữa), nó sẽ tạo ra hiệu ứng độc quyền: Tất cả các ứng dụng và xu thế phát triển của thế giới di động sẽ phải xoay quanh Android. Không cần nói ai cũng hiểu lợi ích từ việc này sẽ lớn tới chừng nào khi bạn có toàn quyền thao túng cả 1 thị trường.

Tất cả những lo ngại về việc Google sẽ o bế “gà nhà” đều xuất phát từ việc Google sẽ được nhiều lợi nhuận từ việc sản xuất smartphone Android của Motorola. Nhưng hãy nhìn lại, liệu lợi nhuận từ việc bán vài triệu thiết bị của Motorola một năm có bù lấp lại được những thiệt hại do sự sụt giảm thị phần Android gây ra? Chắc chắn là không! Vậy Google có “tham bát bỏ mâm”? Tôi tin rằng câu trả lời cũng là không. Sản xuất phần cứng vốn là 1 ngành có tỉ suất lợi nhuận rất thấp (chỉ 5-6%). HP đã “bật bãi” khỏi mảng sản phẩm máy tính cá nhân chỉ vì thu được quá ít lãi từ sản xuất phần cứng, tất nhiên điện thoại là ngành sản phẩm có lời cao hơn đôi chút, nhưng vẫn đầy rủi ro và không thể so sánh với các dịch vụ quảng cáo mà Google vẫn cung cấp trước nay với lợi nhuận lên tới 60-70%.

Thay cho lời kết

Dù sao những gì nói ở trên đây cũng chỉ là những suy đoán của cá nhân tôi, và liệu những suy đoán ấy có trở thành sự thực hay không là chuyện còn phải đợi thời gian trả lời. Tuy nhiên có 1 điều tôi có thể chắc chắn: Android là 1 con gà đẻ trứng vàng của Google, và lợi nhuận của Android, cũng như tất cả các sản phẩm khác, nằm ở doanh số tiêu thụ. Google chắc chắn thừa đủ thông minh để hiểu rằng o bế Motorola sẽ làm xấu đi quan hệ với các hãng sản xuất, và theo đó, ảnh hưởng đến thị phần của Android.

Google không phải Nokia và Android không phải Symbian. Nokia là 1 hãng sản xuất phần cứng và phải dựa vào doanh số bán sản phẩm của riêng mình để tồn tại trong khi nhiệm vụ của Google và Motorola chỉ là đảm bảo sao cho Android vững vàng ở vị trí thống trị, bất kể là hãng nào sản xuất.

Theo Cafef

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

five × five =

To Top