Tin quốc tế
Sony và chứng bệnh “xơ cứng”
Tháng trước, Giám đốc Điều hành của Sony Kazuo Hirai đã vui vẻ thực hiện màn thách đố dội nước đá lên đầu để quyên góp tiền chống lại một căn bệnh ít được biết đến là xơ cứng và teo cơ.Nhưng dường như bản thân Sony cũng đang bị mắc chứng bệnh “xơ cứng”. Lần đầu tiên kể từ năm 1958, Sony sẽ không trả cổ tức cho cổ đông.
Cổ phiếu của Hãng đã tụt 12% ở Tokyo, sau khi tập đoàn điện tử này thông báo thua lỗ 2,14 tỷ USD, hơn 4 lần mức dự báo trước đó. Tại sàn giao dịch New York, cổ phiếu Sony cũng mất 7%. Thua lỗ đeo đuổi quá lâu khiến Ban lãnh đạo Sony dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 15% nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh di động, tương đương 1.000 việc làm.
Sony gần đây đã bắt đầu có một số thành công nhờ dòng điện thoại Xperia, làm dấy lên hy vọng rằng công ty nổi tiếng này có thể bắt đầu phục hưng bộ phận điện tử tiêu dùng đang gặp khó khăn.
Nhưng thành công trong thị trường smartphone của Sony quá ít ỏi và quá muộn màng. Rõ ràng Sony đã bỏ lỡ cơ hội trước những đối thủ khổng lồ như Apple và Samsung. Bây giờ Sony còn phải đối mặt với rất nhiều đối thủ đến từ Trung Quốc. Thị phần kinh doanh smartphone toàn cầu của Hãng đã giảm xuống còn 3,1% vào tháng 6, từ mức 4% một năm trước đó.
Nếu như Sony có thể dành được chút ít thị phần smartphone tại thị trường Mỹ, thì biến cố hiện tại cũng như trong thời gian vừa qua sẽ không đến nỗi nào. Vì được biết, hầu như có rất ít nhà mạng tại Mỹ phân phối dòng smartphone Xperia của hãng này.
Sony đã giảm bớt kỳ vọng về doanh số bán hàng trong lĩnh vực kinh doanh smartphone do thu được kết quả ít hơn mong đợi tại nhiều thị trường đang lên, cũng như do sự trỗi dậy của nhiều đối thủ tại thị trường Nhật Bản. Quá trình cải tổ toàn diện do Giám đốc Điều hành Kazuo Hirai thực hiện. Theo đó, Sony đã từ bỏ lĩnh vực kinh doanh máy tính cá nhân và bán hàng loạt tài sản, gồm bán trụ sở ở Manhattan trị giá 1 tỷ USD.
Thay vào đó, Sony sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào các bộ phận đang sinh lời từ TV tới máy nghe nhạc, phim ảnh và bảo hiểm. Ông Kazuo Hirai cho biết, không chấp nhận những lời kêu gọi từ bỏ lĩnh vực kinh doanh TV và khẳng định đây là mảng kinh doanh nòng cốt của Công ty.
Trước đó, các nhà sản xuất Nhật Bản đã chịu thiệt hại lớn trong lĩnh vực kinh doanh TV do sự cạnh tranh dữ dội của các đối thủ ngoại quốc. Nhà nghiên cứu Kabeya cho rằng, Sony không có đủ khả năng để cạnh tranh về giá với các đối thủ chuyên bán hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Công ty cũng không thể đánh bại Samsung và Apple trong cuộc chiến giành thị phần smartphone toàn cầu.
“Thật khó để chống lại sự thống trị của hai gã khổng lồ Samsung và Apple. Sony cần phải dịch chuyển nguồn lực kinh doanh sang những mảng thế mạnh như phim ảnh và âm nhạc. Ít khả năng chúng ta sẽ chứng kiến một màn lội ngược dòng nhanh chóng và Công ty sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong một khoảng thời gian dài nữa”, Kabeya nói.
Kazuo Hirai, một người gần như làm việc trọn đời tại Hãng Sony từ năm 1984 đến nay, khi lên nắm quyền đã hứa đưa Sony có lợi nhuận vào năm 2016. Tuy nhiên, lời hứa này trong bối cảnh hiện nay có vẻ quá “kỳ vọng”.
Theo DNSG