Connect with us

Sóng gió trên thị trường điện máy

Tình huống thương hiệu

Sóng gió trên thị trường điện máy

Câu chuyện siêu thị điện máy WonderBuy (TP.HCM) tuyên bố phá sản - dù khiến nhiều khách hàng ngạc nhiên - nhưng lại không có gì lạ với giới kinh doanh hàng điện máy.

Thời điểm không thích hợp

Sau hai tháng đầu năm “ăn theo” Tết Âm lịch, thị trường đã nhanh chóng rơi vào cảnh đìu hiu, mặc dù cả các nhà sản xuất lẫn các trung tâm bán lẻ đều đua nhau tung chiêu khuyến mãi. Vì vậy chi phí thuê mặt bằng càng trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp. Ví dụ, trong tổng số lỗ lũy kế 52 tỉ đồng của WonderBuy, đã có khoảng 9 tỉ đồng tiền đặt cọc thuê mặt bằng. Và chỉ riêng chi phí thuê mặt bằng mỗi tháng khoảng 2,2 tỉ đồng trong khi việc bán hàng khá ế ẩm cũng là nguyên nhân góp phần đưa siêu thị này đi đến chỗ phá sản. Đó là chưa kể hàng loạt chi phí vận hành khác như tiền điện, tiền nhân công… đều tăng so với cách đây 1 năm, góp phần “thổi bạt” một công ty mới chỉ đi vào hoạt động được 1 năm.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina, ước tính 6 tháng đầu năm nay, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường hàng điện máy giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Với tình hình như hiện nay, chưa thể dự báo khi nào thị trường khởi sắc trở lại. Các chuyên gia e ngại sẽ còn nhiều “cái chết” tương tự như WonderBuy. Hoặc những chuyện thay tên đổi chủ sẽ diễn ra phổ biến trong… âm thầm.

Một chuyên gia không muốn nêu tên tiết lộ, một trung tâm điện máy tại Gò Vấp (cũng mới ra đời trong vòng hơn 1 năm qua) đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn và có lẽ không trụ được lâu. Vị chuyên gia này phân tích: sự cạnh tranh trong lĩnh vực điện máy khá gay gắt và năm nay mới thật sự là thời điểm sàng lọc khắc nghiệt nhất. Không quan trọng là cửa hàng nhỏ hay trung tâm thương mại lớn; quan trọng nhất là hướng đi, cách thức kinh doanh và tham gia thị trường sẽ quyết định việc ai đi ai ở. Ngoài ra, có vẻ như thời điểm này không phù hợp cho những tên tuổi mới tham gia vào thị trường điện máy.

Nhà bán lẻ cần có tính toán chiến lược

Trong cơ cấu chi phí hoạt động của một trung tâm bán lẻ thì chi phí tiền lương, chi phí mặt bằng và chi phí marketing là quan trọng nhất. Trong đó, chi phí tiền lương thường chiếm từ 3-4% doanh số; chi phí mặt bằng cũng không được vượt quá 3% doanh số và chi phí makerting không vượt quá 2% doanh số. Bất kỳ một loại chi phí nào vượt cao so với những con số đó thì doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ phá sản. Ở trường hợp của WonderBuy, chi phí thuê mặt bằng khoảng 2,2 tỉ đồng tháng, trong khi doanh thu chỉ ở mức 15 tỉ đồng/tháng (chiếm khoảng 15%) thì phá sản là chuyện dễ hiểu.

Ở TP.HCM, hiện đã có 4-5 thương hiệu với chuỗi siêu thị bán hàng điện máy khá tên tuổi, sở hữu những mặt bằng đẹp ở các vị trí đắc địa như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Phan Khang… Sẽ rất khó có chỗ đứng cho những doanh nghiệp đến sau. Việc tham gia của CTCP Thế giới Điện tử (một thành viên của CTCP Thế giới Di động) vào đầu năm 2011 được xem là khá mạo hiểm. Thế nhưng đến  nay, hệ thống Dienmay.com này đã có một siêu thị tại TP.HCM và một tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai).

Ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc CTCP Thế giới Điện tử tự tin cho biết, doanh số của hai siêu thị này khá tốt và tốc độ thu hồi vốn nhanh hơn kế hoạch ban đầu của công ty. Theo kế hoạch tiếp theo, đến cuối năm hệ thống Dienmay.com sẽ mở rộng với 10 siêu thị tại TP.HCM, các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Chiến lược tham gia thị trường bán lẻ điện máy của Thế giới Điện tử là ưu tiên xâm nhập vào các vùng ven, các tỉnh thành trên cả nước hơn là chinh phục khu vực trung tâm của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Ông Huân phân tích, hiện thị trường điện máy đã có những tên tuổi lớn như Nguyễn Kim, Thiên Hòa với những vị trí lớn ngay giữa trung tâm thành phố. Vì vậy những đơn vị tham gia sau sẽ rất khó cạnh tranh được nếu đi theo hướng mở lớn như thế. Đó là chưa kể việc tìm mặt bằng lớn lên đến vài ngàn m2 ngay trung tâm hiện nay thực sự là một thách thức. “Dienmay.com hướng đến những mặt bằng khoảng 1.000m2 sẽ ở vùng ven. Quan trọng là sẽ đạt được mục tiêu phủ kín khắp các tỉnh thành trên toàn quốc”, ông Huân nói. 

 

Tận dụng lợi thế

Việc tự tin tham gia bán lẻ hàng điện máy của Thế giới Điện tử không phải ai cũng có thể học theo. Bởi đơn giản là đơn vị này có được sự hậu thuẫn và đầu tư lớn từ công ty mẹ là Thế giới Di động. Ông Huân cũng thừa nhận, Thế giới Di động đã có quan hệ tốt với các nhà sản xuất điện tử điện máy lớn như Samsung, LG, Panasonic… nên hạn mức tín dụng, giá bán sản phẩm mà họ được hưởng đều khá tốt. Điều này những doanh nghiệp mới chưa có tên tuổi, chưa có quan hệ khó lòng so sánh được. Đó là chưa kể việc xây dựng thương hiệu, xây dựng lòng tin nơi người tiêu dùng… càng không phải một sớm một chiều.

Trong khi đó, đại diện Siêu thị điện máy Chợ Lớn cho biết, ngoài việc cạnh tranh về giá thì các trung tâm bán lẻ cũng phải xây dựng hình ảnh cho riêng mình với phân khúc khách hàng phù hợp. Bên cạnh đó, công tác quản lý, nhân sự cũng khá quan trọng để hoạt động hiệu quả nhất trong thời buổi khó khăn như hiện nay. Thế nhưng, siêu thị này cũng cho rằng, trong bất kỳ lĩnh vực nào, tiềm lực tài chính được chuẩn bị kỹ sẽ là điều kiện quan trọng nhất khi tham gia thị trường, đặc biệt là ở thời điểm hiện tại. Nhờ đó doanh nghiệp mới đủ sức xây dựng được chính sách bán hàng, hậu mãi tốt cho người tiêu dùng và qua đó có được chỗ đứng trên thị trường bán lẻ đầy cạnh tranh này.

Theo Doanh Nhân

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × 4 =

To Top