Connect with us

Sống “di động”… một ngày

Tin trong nước

Sống “di động”… một ngày

Từ khi có mạng 3G, nhiều dòng điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng xuất hiện trên thị trường… thời gian “online” của không ít người đã nhiều hơn. Công việc, kết nối cộng đồng, giải trí… trên những thiết bị di động ngày càng phổ biến.

Nghiện “online di động”!

Một ngày mới của ông Trần Chính (quận 4, TP.HCM), chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty truyền thông, bắt đầu từ 5 giờ sáng. Vừa mở mắt, ông đã chụp chiếc iPad 2 để lướt web đọc tin tức, chủ yếu là tin trong nước. Dù biết có khi chẳng có tin gì mới so với lúc 0 giờ nhưng đọc báo trên mạng đã trở thành thói quen trong một ngày mới của ông. 7 giờ sáng, khi ông ra khỏi nhà, mọi mối liên hệ với khách hàng, đọc báo mạng, đọc mail, chơi game… gắn liền với chiếc HTC HD2. Trước giờ ăn trưa, ông lại lướt qua những trang báo mạng để cập nhật tin tức. 6 giờ chiều, ông lặp lại việc đọc báo mạng một lần nữa… 21 giờ, ông lại tiếp tục cuộc sống trên mạng với chiếc iPad 2. Ông Chính nhẩm tính: “Mỗi ngày tôi sử dụng ít nhất là 200 phút “online”. Ngoài ra, ông Chính còn “lang thang” vào “chợ ứng dụng” dành cho hệ điều hành Android để tải những ứng dụng cần thiết, game… Trước khi đi ngủ (thường là 1 giờ sáng ngày hôm sau), ông lại đọc báo mạng lần nữa trên chiếc iPad 2. Ông không nhớ rõ mỗi tháng tốn bao nhiêu tiền cho “cuộc sống di động” của mình nhưng theo lời ông, không quá 300.000 đồng.

Làm nghề viết thuê cho các công ty quảng cáo, thu nhập thất thường nhưng ông Lê Văn Thành (quận 11, TP.HCM) lại sắm tới ba thiết bị di động thuộc hàng cao cấp của nhóm smartphone hiện đang bán trên thị trường: iPhone 4, BlackBerry Bold 9000 và iPad 2 (64Gb, có 3G). Một ngày “sống” của ông Thành bắt đầu từ 10 giờ sáng. Đầu tiên ông bật iPad 2 trước để đọc báo mạng, sau đó mới bật hai chiếc điện thoại. Ông Thành giải thích: “Chiếc iPad 2 chỉ để dành đọc báo, chơi game, chat, nhận và gởi mail… Còn hai chiếc điện thoại dành để nghe và gọi, thỉnh thoảng có chat”. Ông cho biết, mỗi tháng chi phí cho ba thiết bị di động khoảng 500.000 đồng, trong đó riêng phần iPad 2 là 220.000 đồng.

Cách đây hai tháng, bà Thy Ngọc (Phú Nhuận, TP.HCM) sắm được một chiếc Samsung Galaxy Tab 7. Kể từ ngày đó, thời gian mà bà Ngọc dành cho chiếc máy tính bảng khoảng bốn tiếng, chủ yếu là chat và lên Facebook, thỉnh thoảng có dùng để gọi và nghe. Thức dậy lúc 6 giờ sáng, bà Ngọc mở máy để vào Facebook xem “còm” của bạn bè. 8 giờ đến cơ quan, bà Ngọc chat với bạn bè trên Tab7 với thời lượng 30 phút. Sau khi ăn trưa đến giờ làm việc của buổi chiều, bà Ngọc chat, dạo Facebook khoảng một tiếng đồng hồ. Thường thường, từ 21 giờ cho đến 23 giờ, bà lặp lại thói quen chat với bạn bè trước khi đi ngủ. “Từ khi có chiếc máy tính bảng này tiện lắm, ở đâu cũng vào mạng được. Chat trên máy của mình cũng an toàn, không bị dòm ngó. Sướng thiệt”, bà Ngọc chia sẻ.

Để sống “di động” hấp dẫn hơn…

Theo ông Chính, thời gian dành cho “online di động” của nhiều người, trong đó có ông, ngày càng dài hơn. Ông không phủ nhận giá trị của những hành vi “online di động” đem lại cho cuộc sống cá nhân cũng như công việc, “nhưng việc sử dụng những dịch vụ có trên mạng hiện nay còn mang tính thụ động. Tôi cho rằng nhà mạng chưa biết cách tổ chức các dịch vụ cần thiết cho cuộc sống cá nhân. Nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ phải gọi tên các dịch vụ đó, dựa trên khảo sát nhu cầu thực tế của cộng đồng “nghiện online” ngày càng đông”, ông Chính góp ý. Vị khách hàng khá khó tính này muốn phải có nhiều dịch vụ trên mạng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của một “công dân điện tử” trên nền tảng là một chiếc điện thoại di động như thanh toán, đặt hàng theo nhu cầu, cung cấp các dịch vụ du lịch, đóng thuế, khám chữa bệnh…

Nguyễn Quốc Hoàn (quận 1, TP.HCM) nói: “Thời đại sống di động đã làm con người năng động hơn trong công việc và mối quan hệ xã hội”. Nhưng cũng theo ông Hoàn, các nhà mạng chưa biết cách tiếp thị những ứng dụng cần cho con người dù những ứng dụng đã có trên nhà mạng. Ông dẫn chứng, đã có ứng dụng xem tivi trên thiết bị di động nhưng đến nay khá nhiều bạn bè của ông vẫn chưa biết đã có dịch vụ này. Dù công bố tốc độ truyền dẫn của mạng 3G nhưng trên thực tế, nhiều dịch vụ đòi hỏi băng thông lớn đã không thể chạy trên mạng 3G. “Tôi ngờ rằng tốc độ thực tế mạng 3G của các nhà mạng không đúng với bản chất công nghệ. Họ tiết kiệm chi phí truyền dẫn nên hạn chế băng thông”, ông Hoàn nói.

Đến nay các nhà mạng có khai thác mạng 3G chưa công bố số thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ 3G, nhưng theo nguồn tin từ một nhà mạng, ước chừng con số này khoảng 7 triệu thuê bao (tính những thuê bao có doanh thu thường xuyên). Cho dù con số có thể sai số nhất định nhưng nếu biết khai thác bằng các dịch vụ thiết thực như niềm mong mỏi của ông Chính, ông Hoàn… giá trị doanh thu từ nguồn lợi này không phải nhỏ. Chỉ cần mỗi thuê bao 3G, ngoài cước dịch vụ thoại và nhắn tin, mỗi tháng trả cho nhà mạng 50.000 đồng phí thuê hạ tầng 3G, con số doanh thu sẽ là 350 tỉ đồng. Đó là chưa tính đến cước phí sử dụng các dịch vụ chạy trên môi trường mạng này. Có thể nhà mạng chưa tìm ra giải pháp thực hiện.

Theo SGTT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

thirteen + six =

To Top